An toàn vệ sinh thực phẩm - lách và hở

10 ngày đầu tháng 7-2009, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM liên tục phát hiện hoặc phải lấy lại mẫu kiểm tra hàng loạt sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu (chủ yếu là thịt gà, nội tạng động vật) bị nhiễm khuẩn đã đưa ra thị trường hoặc còn trong kho chuẩn bị đưa đi tiêu thụ của nhiều đơn vị.

Như lô hàng “pín dê” nhập khẩu từ Australia tại kho lạnh trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình) bị nhiễm khuẩn E.coli, Samonella, 47/72 thùng (15kg/thùng) đã tiêu thụ của Công ty TNHH N.D.T (Tân Bình). Vụ phát hiện và niêm phong trên 8 tấn cánh gà nhiễm khuẩn của Công ty TNHH Trúc Đen (Nguyễn Biểu, phường 10, quận 5), sau khi công ty này đã bán gần 5 tấn cánh gà nhiễm khuẩn ra thị trường… Điều đáng nói, việc cho phép lưu thông các lô hàng này lại có sự liên quan trực tiếp đến Trung tâm Thú y vùng 6, đơn vị chịu trách nhiệm chính về vấn đề chất lượng của các đơn vị nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường. Từ đây lộ ra những kẽ hở và hành vi lách luật. 

Cũng thời gian gần đây, Chi cục Thú y TPHCM phát hiện nhiều vụ vận chuyển sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đưa vào TP tiêu thụ nhưng thời gian sử dụng cận ngày hết hạn sử dụng. Phải chăng nhập khẩu sản phẩm động vật gần hết hạn (đồng nghĩa với nhiều nguy cơ về chất lượng an toàn về sinh thực phẩm) không chỉ được giá rẻ mà còn được nhà xuất khẩu cho trả chậm? 

Dư luận thắc mắc, vì sao sản phẩm động vật chăn nuôi trong nước được quản lý nghiêm ngặt về chất lượng, khi phát hiện bị nhiễm khuẩn buộc phải tiêu hủy ngay, trong khi thịt nhập khẩu bị nhiễm khuẩn lại được chiếu cố qua việc cho chiếu xạ rồi tiếp tục đưa ra thị trường. Cách xử lý này chẳng khác nào đánh đổi nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Nhiều tài liệu cho thấy, việc chiếu xạ chỉ diệt được côn trùng, ký sinh trùng ở rau, củ, quả, ngũ cốc, riêng mặt hàng sản phẩm gia cầm đông lạnh chỉ hạn chế vi sinh vật gây bệnh, kéo dài thời gian bảo quản, kiểm soát động thực vật ký sinh, không khẳng định có thể diệt hết vi khuẩn gây bệnh. Có vẻ như trong trường hợp này, nhà quản lý chưa sòng phẳng với người tiêu dùng và nhà chăn nuôi. 

Chỉ riêng TPHCM, 6 tháng đầu năm có 38.487 tấn sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu đưa ra thị trường, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100 - 145 tấn. Con số này tăng mạnh qua từng năm. Dù không là nguyên nhân chính làm giá thịt động vật trong nước giảm nhưng chắc chắn nó có tác động không nhỏ. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà giá sản phẩm chăn nuôi trong nước hơn nửa tháng nay giảm mạnh, trên 30% so với đầu năm, so tháng trước giảm thêm 5.000 đồng/kg và đã dưới giá thành. 

Qua những vụ việc này cho thấy, vấn đề rào cản kỹ thuật làm cơ sở pháp lý đối với sản phẩm động vật nhập khẩu còn nhiều khe hở như tiêu chuẩn về bảo quản, quy định về lưu thông, chu kỳ xét nghiệm lại và tiêu chuẩn vi sinh đối với các sản phẩm này hay những quy định về hàng sắp hết hạn sử dụng… làm cho nhà nhập khẩu lợi dụng khe hở này để lách chỉ vì lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc chậm trễ có những quy định này càng kéo dài càng gây bất lợi cho người tiêu dùng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vô tình đẩy nhà chăn nuôi trong nước lâm vào thế khó.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục