Anh Lê Phước Hòa (Trưởng xưởng Màng nhựa, Công ty cổ phần Bao bì Sài Gòn): Trái ngọt đến từ sự đam mê

Anh Lê Phước Hòa (Trưởng xưởng Màng nhựa, Công ty cổ phần Bao bì Sài Gòn): Trái ngọt đến từ sự đam mê

Nhìn thấy diêm dân mỗi mùa thu hoạch muối xong bị hao hụt nhiều do nhiễm bẩn và thất thoát, anh Lê Phước Hòa (ảnh - sinh năm 1973, Công ty CP Bao Bì Sài Gòn) khăn gói ra Ninh Thuận để thử sáng kiến của mình. Sáu tháng sau, màng lót ruộng muối của Hòa ra đời và đến giờ thì “phủ sóng” nhiều tỉnh thành cả nước.

Với Lê Phước Hòa, những tháng ngày sống cùng diêm dân trên cánh đồng muối ở Ninh Thuận không chỉ giúp anh có đủ động lực để hoàn thiện sáng kiến mà còn dạy cho anh nhiều điều từ cuộc sống vất vả, khổ cực của diêm dân mỗi khi thất mùa, mất giá. Trước đây, diêm dân vùng biển thường gặp khó do muối làm trên nền đất, không đạt chất lượng về độ trắng sạch (muối bị dơ) nên không tiêu thụ được nhiều, giá muối lại rẻ. Mày mò với diêm dân trên những cánh đồng muối ròng rã mấy tháng trời, Nguyễn Phước Hòa thu nhặt trên từng diện tích ruộng, quy trình đưa nước biển vào, cách thu hoạch muối… rồi mang thực tế ấy về TPHCM thử sản xuất màng lót trên máy thổi khổ lớn tại công ty. Sản phẩm làm ra, Hòa gửi lại cho diêm dân Ninh Chữ - Ninh Thuận sử dụng thử để kiểm chứng. Kết quả: từ khi có màng lót, thời gian kết tinh muối trên ruộng được rút ngắn, hạt muối có màu trắng sáng, giảm lượng muối tồn dư sau thu hoạch, năng suất cao.

Sau cái gật đầu ưng bụng của những hộ sử dụng thử, Hòa đem sản phẩm mang sang kiểm định tiếp tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 để đảm bảo độ an toàn của sản phẩm. Tháng 9-2011, mặt hàng màng lót ruộng muối được đưa vào sản xuất đại trà. Nông dân rỉ tai nhau. Sản phẩm xuất kho ào ạt vì các đơn đặt hàng liên tiếp. Chỉ trong 4 tháng đưa vào kinh doanh, theo ban giám đốc công ty, mặt hàng mới đã đạt doanh thu trên 500 triệu đồng. Năm 2012, sản phẩm có mặt khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung…

Không dừng lại ở màng lót ruộng muối, Lê Phước Hòa còn mạnh dạn nhận thử nghiệm sản xuất túi đựng nông sản có chiều dài 60m do một khách hàng Australia đặt. “Đây là sản phẩm mới, hiện Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất. Đó là một túi kích thước ngoại cỡ có thể chứa 180 tấn nông sản khô dùng để dự trữ, bảo quản nông sản ngoài trời trong thời gian dài nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng” - Hòa nói. Sự thách thức, mới lạ đem lại cho người kỹ sư “chân đất” của Công ty CP Bao bì Sài Gòn một động lực lớn. Vả lại, trong tình hình kinh tế khó khăn chung, có một đơn đặt hàng lớn của nước ngoài là đem lại lợi nhuận, uy tín cho công ty mà còn là cơm áo của người lao động, Hòa không cho phép mình rút lui khi chưa bắt đầu thử. Thấy ban giám đốc ngần ngừ, Hòa nói cứng: “Để tôi thử!”.

Cứ thế, hết ngày này đến ngày khác, Hòa cùng tập thể xưởng màng nhựa trong công ty mở ra lắp vô, mày mò, chỉnh sửa máy bán tự động để làm túi. Ban đầu, họ chỉ thí nghiệm trên túi nhỏ rồi mở dần ra túi lớn hơn. Mọi người vỡ òa niềm vui khi kết quả lần ấy, công ty đã xuất được sang Australia chuyến hàng 9,8 tấn với tổng trị giá 42.000 USD và còn mở ra cho công ty hướng xuất khẩu các sản phẩm phục vụ nông, ngư nghiệp…

Chỉ có trong tay tấm bằng của ngành trung cấp điện công nghiệp, trung cấp kinh tế nhưng những sáng kiến bắt nguồn từ cuộc sống của Hòa chưa từng dừng lại. Chủ tịch Công đoàn công ty Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hơn chục sáng kiến của Hòa đã đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng cho công ty. Năm 2010, công ty khen thưởng đột xuất 1 triệu đồng vì đã tích cực giúp công ty tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh sản xuất và thưởng 1 tháng lương vì đã cải tiến thiết bị vận hành sản xuất thành công các loại màng nhà kính khổ nhỏ trên máy đùn thổi, đem lại hiệu quả cao. Năm 2011, công ty khen thưởng đột xuất 10 triệu đồng cho sáng kiến chế tạo máy xếp màng bán tự động để xếp màng Silo xuất khẩu và 1 triệu đồng trong phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật. Lê Phước Hòa còn là lao động xuất sắc liên tục nhiều năm của công ty…

Hồng Hiệp


Anh Trần Anh Tuấn (Trưởng phòng Chiến lược - Nghiên cứu - Phát triển, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigon Tourist): Ước mơ phủ sóng wifi

Đây là công trình nghiên cứu thứ 3 của thạc sĩ điện tử - viễn thông Trần Anh Tuấn (ảnh). Tuy không kỳ công, khó nhọc bằng các công trình trước, nhưng việc nghiên cứu, lắp đặt thiết bị phủ sóng wifi toàn TPHCM được Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigon Tourist (SCTV) và Anh Tuấn đặc biệt chú trọng. Anh Tuấn cho biết: “Không có gì tiện lợi cho bằng khi cần trao đổi thông tin thì cứ tạt vào vị trí an toàn trên lề đường để nối sóng wifi. Hiện nay, công ty đã tổ chức phát sóng wifi thử nghiệm tại khu vực Bưu điện Sài Gòn, công viên phía trước Hội trường Thống Nhất... Tôi tin chắc rằng, với tính cộng đồng cao và tiện lợi như vậy, công trình sẽ được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền thành phố”.

Nhắc đến công trình đầu tiên, Anh Tuấn vẫn luôn thầm cảm ơn sự hỗ trợ, động viên của ban giám đốc và nhất là sự quan tâm của gia đình. Anh Tuấn tâm sự: “Năm 2009, khi vừa từ Hà Nội về nhận công tác tại SCTV, tôi đã được nghe vấn đề khó khăn trong phục vụ phát sóng ở khu dân cư cao cấp và khách sạn cho người nước ngoài thuê. Theo nhu cầu, họ muốn chúng tôi cắt một số kênh mà khách sạn không cần để chèn những kênh truyền hình nước ngoài mà khách hàng yêu cầu vào. Nhiệm vụ của tôi là nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các bộ lọc để cung cấp cho họ. Bộ lọc cắt kênh phải đáp ứng được điều kiện là triệt tiêu nguồn tín hiệu của kênh truyền hình muốn cắt, nhưng không làm nhiễu các kênh truyền hình khác. Bộ lọc này các nước có nền công nghệ phát triển đã sản xuất, nhưng giá rất cao. Theo báo giá là hơn 1.500USD/bộ. Tôi mạnh dạn nhận thực hiện việc này”.

Đối với Anh Tuấn, việc sản xuất bộ lọc không khó. Bởi lẽ trước đó, khi còn làm việc tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Anh Tuấn đã thực hiện thành công một số thiết bị tương tự và đề tài đã được công bố trong Tạp chí TEEExplore tại Hội nghị siêu cao tầng châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2005. Anh Tuấn cho biết: “Cái khó là lúc thực hiện ở Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thì linh kiện rất chuẩn, còn linh kiện lúc bấy giờ không đạt các thông số kỹ thuật. Ban giám đốc đã dành riêng cho tôi một phòng làm việc và hỗ trợ mọi kinh phí.

Trong suốt 2 tháng, tôi đã “nhốt mình” trong phòng làm việc từ 7 giờ sáng đến 23 giờ đêm để thực hiện công trình mang tính quyết định sự nghiệp của mình. Để đạt kết quả cao nhất cũng như tính ổn định của thiết bị, tôi đã tự tay quấn các lõi đồng. Sau nhiều lần trình duyệt, chỉnh sửa, thử nghiệm theo yêu cầu rất cao và khắt khe của ban giám đốc, bộ lọc đã được công nhận. Điều tâm đắc nhất của tôi là giá thành chỉ bằng 1/10 bộ lọc của nước ngoài”. Như vậy, tính đến nay, bộ lọc của Anh Tuấn đã tiết kiệm cho SCTV khoảng 6,7 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, để tăng khả năng tương tác và thu hút khách hàng, Anh Tuấn và các cộng sự đang xây dựng chương trình truyền hình trực tuyến các trò chơi phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình SCTV. Đó là các chương trình Sudoku, Trồng rừng, Góp đá Trường Sa… Anh Tuấn cho biết: “Chương trình phát trên SCTV15 trước giờ phát các giải bóng đá quốc tế. Tôi mong muốn qua chương trình trò chơi có thưởng này, bạn xem đài sẽ nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và kiến thức về bảo vệ môi trường. Theo quyết định của Ban Giám đốc SCTV, doanh thu qua tin nhắn để tham gia trò chơi trực tuyến sẽ chuyển cho các phong trào hướng về Trường Sa và trồng rừng”.

Đoàn Hiệp

Tin bài liên quan:

>> Ông Đinh Văn Giai, Quản đốc Công ty TNHH Toàn Thắng, KCN Bình Chiểu -  Chuyện người thích “khổ”

Tin cùng chuyên mục