“Rút ruột” trên 20 tấn điều nhân xuất khẩu: Lộ diện đường dây ăn cắp chuyên nghiệp?

Sau niêm phong vẫn bị “bốc hơi” hơn 20 tấn

Mấy ngày nay, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản như hồ tiêu, cà phê, nhất là điều nhân rất quan tâm đến trường hợp phát hiện một vụ “rút ruột” điều nhân, sau khi đã được kiểm tra và niêm phong chì (seal)…

Sau niêm phong vẫn bị “bốc hơi” hơn 20 tấn

Chiều 23-12, tại Cảng ICD Phước Long 2 (quận Thủ Đức, TPHCM) đại diện Hải quan giám sát bãi ICD Phước Long, Vina Control, bảo vệ cảng và Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam Phát đã lập biên bản kiểm tra hiện trường sau khi cắt niêm phong chì (seal) 2 container (số HDMU 2995009 và HDMU 2119028). Theo đó, so với tờ khai ngày 21-12 là 750 thùng cartons, nhưng khi mở ra kiểm tra chỉ còn 243 thùng/container. Lượng hàng bị mất so với 2 tờ khai hải quan là 1.014 thùng (tương đương 20.280kg).

Anh Bạch Khánh Nhựt, Trưởng Phòng Giám định hàng nông sản xuất khẩu (Vina Control) cho biết, việc phát hiện này là một sự tình cờ cộng với sự nhạy bén của nhân viên kiểm định. Ngày 21-12, 2 container hàng xuất khẩu (nêu trên) của Công ty TNHH Hải Nam Phát trước khi xuất đi Ai Cập đã được nhân viên của Vina Control giám định tại kho ở Bình Dương.

Ngày hôm sau, trong lúc giám định lô hàng tại một kho ở Long Khánh (Đồng Nai), có một xe tải chở đến bán hàng điều nhân. Khi dỡ bạt xe chở hàng thì nhân viên này nhận thấy bao bì có đặc điểm giống tại kho đã kiểm trước đó (vì bao bì này rất đặc trưng, khó lẫn lộn). Nhân viên này liên hệ với kho của Công ty TNHH Hải Nam Phát để xem có sự trùng hợp không và được khẳng định khách hàng Ai Cập không đặt hàng DN nào khác.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, các nhân viên đã không cho xe này đi để giữ lại hiện trường. Và khi người của Công ty TNHH Hải Nam Phát tức tốc lên Long Khánh và khẳng định đây là lô hàng xuất phát từ kho của công ty và đã báo sự việc cho Công an Long Khánh để giữ xe, giấy tờ và người.

Sau đó, khi trở về TPHCM, Công ty TNHH Hải Nam Phát liên hệ trực tiếp hải quan đề nghị mở cửa container tại Cảng ICD Phước Long và nhận thấy, bên ngoài container bình thường (không có dấu hàn xì, dấu seal vẫn y nguyên), nhưng khi cắt seal thì phát hiện bên trong container bị “sạt” nửa phần trên, mất 507 thùng/container. 2 container bị ăn cắp đúng số thùng như biên bản đã lập.

Hàng gì cũng mất

Quyền Chủ tịch Hiệp hội Cây Điều VN (VINACAS) Nguyễn Đức Thanh cho biết, có ít nhất 5 trường hợp các DN xuất khẩu điều nhân ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... bị mất cắp theo kiểu như trên và chính công ty của ông cũng bị tình trạng này. Công ty TNHH TM Quốc tế An Phúc (TPHCM) cung cấp thêm, cách đây vài tháng, cũng bị tình trạng tương tự, khi khách nhận hàng ở Ấn Độ mới phát hiện bị mất khoảng 6 tấn hồ tiêu.

Rất may là khách hàng Ấn Độ này đã cử nhân viên qua Việt Nam kiểm tra và tận tay đóng dấu seal container nên không nghi ngờ công ty gian lận. Anh Bạch Khánh Nhựt cho biết thêm, không chỉ điều nhân hay hồ tiêu mà cả cà phê… cũng bị mất cắp cùng thủ đoạn này.

Mặt hàng nào có giá trên thị trường thế giới đều có thể bị mất cắp. Các DN rất lo lắng tình trạng này, vì đã xảy ra tài xế xe chở container hàng nông sản bị chặn lại giữa đường, kề dao vào cổ và yêu cầu ngồi yên trên xe để chúng thực hiện kiểu ăn cắp này.

Nhiều khả năng xuất hiện đường dây ăn cắp chuyên nghiệp, vì theo thông tin, các lô hàng bị mất cắp được tập trung tại một “kho trung chuyển” ở Bà Rịa –Vũng Tàu, trước khi vận chuyển bán cho DN khác. Vấn đề không còn là cá nhân DN mà là môi trường kinh doanh và uy tín cộng đồng DN và hơn nữa là thể diện quốc gia.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục