Áp lực cho “thuyền trưởng” mới

Dự kiến hôm nay 17-2, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ công bố tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.
HLV Troussier
HLV Troussier

Nếu không có gì đặc biệt, đó sẽ là ông Philippe Troussier, 67 tuổi, quốc tịch Pháp, người có một bản lý lịch đồ sộ với 2 lần cầm quân tại World Cup, cùng Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000 và trải qua công tác huấn luyện hơn 10 CLB chuyên nghiệp, từng dẫn dắt các đội tuyển Morocco, Burkina Faso, Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Nigeria (châu Phi), Nhật Bản, Qatar (châu Á).

Đây sẽ là HLV có đẳng cấp cao nhất cũng như lớn tuổi nhất từng làm việc với bóng đá Việt Nam. Ông Troussier cũng không phải là người xa lạ vì cách đây 2 năm từng là HLV của đội U19 Việt Nam dưới dạng biệt phái khi đang làm Giám đốc kỹ thuật của Học viện bóng đá PVF. Năm 2020, ông từng đưa U19 Việt Nam vào vòng chung kết U19 châu Á nhưng giải đấu này bị hủy do dịch Covid-19.

Cho dù mọi thứ còn ở phía trước nhưng việc chủ động đàm phán và ký hợp đồng với HLV Troussier cho thấy tham vọng cũng như tầm nhìn rất rõ ràng của bóng đá Việt Nam, đó là hiện thực giấc mơ World Cup cho đội tuyển bóng đá nam trong thời gian ngắn nhất. Kinh nghiệm và đẳng cấp của HLV Troussier là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt với bản thân các nhà quản lý nền bóng đá. Vì cho dù chưa chính thức nhậm chức nhưng thông tin cho biết, ông Troussier đã có các chọn lựa về đội ngũ trợ lý, kế hoạch giao hữu tập huấn và thậm chí, ông còn chủ động gặp gỡ với tiền vệ Nguyễn Quang Hải đang chơi bóng tại Pháp.

Tuy vậy, mọi chuyện cũng chỉ mới bắt đầu. Đẳng cấp của HLV Troussier không cần phải bàn nhưng áp lực dành cho ông không hề nhỏ. Triều đại của HLV Park Hang-seo vừa khép lại không như ý, sau khi để thua trận chung kết AFF Cup 2022 trước Thái Lan nhưng các chiến tích dưới thời nhà cầm quân người Hàn Quốc thì thực sự to lớn. Vào vòng loại cuối cùng World Cup, tứ kết Asian Cup, bán kết Asiad, đánh bại Trung Quốc… đều là những việc chưa ai làm tốt hơn. Có lẽ, chỉ tấm vé dự World Cup mới giúp những người kế nhiệm HLV Park Hang-seo vượt qua được cái bóng của ông trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Đó chắc chắn là một mục tiêu vô cùng phức tạp, một thứ áp lực không đơn giản với bất kỳ HLV nào trên thế giới. Nói công bằng, để làm được điều đó, tài năng hay đẳng cấp của HLV trưởng chỉ là điều kiện cần. Quan trọng hơn là chất lượng của cầu thủ, khả năng đầu tư, ý chí của cả một nền bóng đá. Vì thực tế qua, AFF Cup 2022 cũng cho thấy, trên từng cá nhân cầu thủ, chúng ta không thua kém Thái Lan nhưng nếu xét trên tổng thể về chiều sâu đội hình, bản lĩnh thi đấu, kinh nghiệm đỉnh cao thì vẫn chưa thể bằng họ.

Ký hợp đồng với một HLV đẳng cấp World Cup như Philippe Troussier có thể được xem là sự cam kết về chiến lược phát triển của bóng đá Việt Nam nhưng đó cũng là bước đầu. Giải quyết các áp lực sau đó mới quan trọng. Đầu tiên, dù HLV Troussier có là “phù thủy da trắng” đi nữa thì bản thân ông cũng cần lộ trình và thời gian để thực thi nhiệm vụ, nhất là khi ông vừa làm ở đội tuyển vừa phải tìm kiếm tài năng mới khi kiêm nhiệm đội U23. Dưới thời HLV Park Hang-seo, cả 2 đội tuyển đều đã đạt đến những cột mốc cao nhất có thể có. Kỳ vọng HLV Troussier làm tốt hơn là một chuyện, nhưng nếu không được thì ứng xử thế nào cho phù hợp?

Kế đến, cũng như HLV Park Hang-seo, mọi sự hợp tác đều có thời hạn. Sau thành công của ông Park, chúng ta ký hợp đồng với người có đẳng cấp cao, mục đích là phát huy tối đa thế hệ tài năng hiện đang có. Nhưng trên hết, vì tham vọng của bóng đá Việt Nam là chiếc vé dự World Cup 2030, điều này chắc chắn gây áp lực cho hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ, cho sự ổn định của giải vô địch quốc nội (V-League) và cho cả các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư. Mà những yếu tố này, thì không hề có một “phù thủy” hay “cây đũa thần” nào có thể làm được trong một thời gian ngắn.

Vì vậy mới ví von rằng: ký hợp đồng với HLV Troussier là bóng đá Việt Nam đã chính thức lên thuyền ra biển lớn với muôn trùng sóng gió và không còn đường lùi.

Tin cùng chuyên mục