Áp lực nợ công vẫn lớn

Từ ngày 22 đến 24-5, Hội nghị toàn thể Mạng lưới quản lý chi tiêu công tại châu Á (PEMNA) năm 2019 đã diễn ra tại Quảng Ninh, với chủ đề “Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”.
Hội nghị toàn thể Mạng lưới Quản lý chi tiêu công châu Á (PEMNA) tại Việt Nam năm 2019. Ảnh: TTXVN
Hội nghị toàn thể Mạng lưới Quản lý chi tiêu công châu Á (PEMNA) tại Việt Nam năm 2019. Ảnh: TTXVN

Hội nghị có sự tham gia của gần 150 đại biểu đến từ 14 quốc gia thành viên PEMNA (Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Timor-leste, Việt Nam) và các tổ chức quốc tế.

Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, dù nợ công đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua (từ 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 58,4% GDP năm 2018), song áp lực và thách thức nợ công đối với Việt Nam còn rất lớn, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước lại chưa được đảm bảo. Yêu cầu đặt ra trong những năm tới, thu ngân sách nhà nước phải đạt hơn 23,5% GDP (trong đó, thu nội địa dự kiến 80% - 85%). Để thực hiện được mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ Tài chính thời gian tới cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, xây dựng chính sách thuế theo hướng thúc đẩy sự phát triển khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện chống chuyển giá, chống gian lận chống thuế, giải quyết vấn đề thất thu thuế và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng minh bạch.

Ngoài ra, để quản lý nợ công hiệu quả, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ nâng cao vai trò của Kho bạc Nhà nước trong quản lý thu chi ngân sách, thúc đẩy thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt. Đồng thời, hướng đến 4 mục tiêu lớn là ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết an sinh xã hội và môi trường, tạo dư địa tài khóa để xử lý các rủi ro và đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia.

Tin cùng chuyên mục