Bài 3: “Ăn” cả đất rừng 327

Năm 2000, TP biển Vũng Tàu lập quy hoạch phát triển đến năm 2010 trong đó có 1.672ha đất được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao để quy hoạch trồng rừng và phát triển lâm nghiệp. Trong đó, UBND phường 10 được giao 95ha nằm dọc phía Đông quốc lộ 51A là rừng cảnh quan và rừng phòng hộ (Dự án 327). Thế nhưng, nhiều năm UBND TP Vũng Tàu đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12 hộ với diện tích gần 5ha. Nhiều hộ dân đã phân lô, chia nền và chuyển nhượng trái phép hưởng lợi hàng tỷ đồng từ đất rừng…
Bài 3: “Ăn” cả đất rừng 327

Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai tại TP Vũng Tàu

Năm 2000, TP biển Vũng Tàu lập quy hoạch phát triển đến năm 2010 trong đó có 1.672ha đất được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao để quy hoạch trồng rừng và phát triển lâm nghiệp. Trong đó, UBND phường 10 được giao 95ha nằm dọc phía Đông quốc lộ 51A là rừng cảnh quan và rừng phòng hộ (Dự án 327). Thế nhưng, nhiều năm UBND TP Vũng Tàu đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12 hộ với diện tích gần 5ha. Nhiều hộ dân đã phân lô, chia nền và chuyển nhượng trái phép hưởng lợi hàng tỷ đồng từ đất rừng…

Nhiều khu đất được quy hoạch là rừng phòng hộ đã bị phân lô, chuyển nhượng trái phép.

Nhiều khu đất được quy hoạch là rừng phòng hộ đã bị phân lô, chuyển nhượng trái phép.

Đất rừng chỉ còn trên... bản đồ

Tại phòng khách của Chủ tịch UBND phường 10, TP Vũng Tàu có treo một tấm bản đồ lớn về hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn có đánh dấu một khoảnh đất nằm sát quốc lộ 51A được ký hiệu là đất rừng phòng hộ. Hỏi Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách quản lý đô thị Doãn Thị Thanh về khoảnh đất rừng này thuộc ai quản lý, chúng tôi nhận được câu trả lời chắc nịch: của rất nhiều hộ, trong đó hộ ông Nguyễn Thiệu Phấn, Văn Khắc Sinh và bà Hoàng Thị Đường, Văn Thị Phương Sắn chiếm nhiều nhất. “Đây là đất quy hoạch trồng rừng theo Dự án 327 mà?” - chúng tôi hỏi. Bà Thanh xua tay, nói: “Tuy là quy hoạch đất rừng nhưng họ có sổ đỏ hết cả rồi”. “Thế khu này còn đất rừng không?” - chúng tôi hỏi tiếp. “Cũng còn nhưng ít thôi”, bà Thanh cho biết.

Không những thế, nhiều khu đất thể hiện trên bản đồ là đất rừng, nhưng khi chúng tôi xuống tận nơi thì thấy có nhiều căn biệt thự, nhà xây kiên cố mọc lên trên những lô đất mới được phát quang, san ủi. Hỏi giấy phép xây dựng của những căn nhà này, bà Doãn Thị Thanh cũng khẳng định “có hết cả đấy”.

Khu đất lâm nghiệp 95ha được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch nằm sát với Khu liên hợp dân cư Khang Linh do Công ty TNHH Khang Linh của mẹ con bà Ngô Thị Minh Phượng làm chủ đầu tư. Khu đất có vị trí đắc địa này còn nằm trên trục lộ chính của quốc lộ 51A, tiếp giáp phía bên ngoài là biển và Làng du lịch Chí Linh. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua không biết bằng cách nào, một số cá nhân đã được ngành chức năng cấp giấy phép trồng rừng, bảo vệ rừng nhiều ha, nhưng sau đó không thực hiện mà chuyển nhượng cho người khác. Nhiều khu đất được chuyển nhượng qua tay 2 - 3 người, sau đó phân lô xây dựng những căn nhà khang trang giữa không gian xanh của rừng phi lao ven biển.

Anh Nguyễn Hòa (ngụ khu phố 2, phường 10, TP Vũng Tàu) dẫn chúng tôi đi thực địa những khu rừng phi lao đã xơ xác, nhiều chỗ cây cối ngã đổ hai bên đường. Nhà cửa đã được mọc lên san sát trên những cánh rừng được quy hoạch, bảo vệ nhiều năm nay. Hỏi người dân ở đây về giấy tờ nhà đất, ai cũng nói đã được UBND TP Vũng Tàu cấp đầy đủ, không thiếu thứ gì…

Cấp sổ đỏ trên đất rừng 327

Đó là kết luận bước đầu của cơ quan chức năng đối với 5 hộ dân trong khu vực đất rừng đã được giao quản lý từ năm 1988 theo Dự án 327 của UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (cũ). Theo hồ sơ, hộ ông Nguyễn Thiệu Phấn được UBND TP Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất 10.000m² là đất do ông Phan Quốc Văn tự khai hoang sau đó chuyển nhượng bằng giấy tay. Quá trình xác minh nguồn gốc đất để làm sổ đỏ cho các hộ dân, UBND phường 10 và UBND TP Vũng Tàu đều xác định đất tự khai phá. Nhưng trên thực tế, toàn bộ diện tích 10.000m² mà ông Nguyễn Thiệu Phấn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó chuyển nhượng cho nhiều người khác được xác định đều là đất quy hoạch trồng rừng.

Đến địa chỉ hẻm 405 đường Nguyễn Hữu Cảnh tìm gặp ông Nguyễn Thiệu Phấn và một số cá nhân nhận chuyển nhượng khu đất 10.000m² này, người dân ở đây nói họ không biết những người này hiện ở đâu.

Tương tự, các trường hợp của ông Văn Khắc Sinh, bà Hoàng Thị Đường, Văn Thị Phương Sắn…, mỗi người cũng được UBND TP Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận cho cả chục ngàn mét vuông đất, và phần lớn diện tích là rừng theo hợp đồng giao khoán bảo vệ của Dự án 327. Tìm gặp những hộ dân này trong các khu đất được thể hiện trên các khoảnh II của lô B4, B5…, chúng tôi được người dân ở đây cho biết họ đã đi khỏi địa phương từ lâu rồi. Đối chiếu với hồ sơ của các hộ dân mua lại đất của bà Văn Thị Phương Sắn, chúng tôi phát hiện có dấu hiệu bị chỉnh sửa.

Cụ thể, giấy chuyển nhượng đất của ông Đích và bà Đường bị chỉnh sửa thời gian năm 1987 (sửa số 7); diện tích đất chuyển nhượng 13.600m², có dấu hiệu sửa số 0 thành số 6; thêm số 1 vào trước số 3 (13.600)… Diện tích đất này theo hồ sơ quản lý tại UBND phường 10 đã được tách thành 20 thửa để chuyển nhượng cho người khác. UBND phường 10 cho biết, trên các thửa đất này hiện đã có 6 hộ xây dựng nhà ở. Trong đó có 4 hộ xây dựng không phép, 2 hộ được cấp phép xây dựng tạm trên diện tích 50m², nhưng đã xây vượt diện tích gấp nhiều lần. Trong khi đó, trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất treo trong phòng khách của Chủ tịch UBND phường 10, các thửa đất này vẫn còn in màu sẫm ghi chú là đất rừng phòng hộ.

Hiện vụ việc này đang được cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh để chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

HOÀI NAM

- Bài 2: “Tay không bắt giặc”

Tin cùng chuyên mục