Bài 3: Chia xuân

Bên cạnh những hoạt động chăm lo của các tổ chức chính quyền, đoàn thể nhà nước, cứ mỗi độ xuân về tết đến, các mạnh thường quân ở TPHCM lại tổ chức các đoàn công tác thiện nguyện. Họ mang tấm lòng của người dân thành phố đến với những mảnh đời bất hạnh, những vùng sâu vùng xa nơi đồng bào còn nghèo khó…
Bài 3: Chia xuân

Bên cạnh những hoạt động chăm lo của các tổ chức chính quyền, đoàn thể nhà nước, cứ mỗi độ xuân về tết đến, các mạnh thường quân ở TPHCM lại tổ chức các đoàn công tác thiện nguyện. Họ mang tấm lòng của người dân thành phố đến với những mảnh đời bất hạnh, những vùng sâu vùng xa nơi đồng bào còn nghèo khó… 

Bài 3: Chia xuân ảnh 1

Một gia đình người khuyết tật vui mừng khi nhận được quà tết


Quà của “bà Sáu gạo”

Những ngày này, chị em tiểu thương trong nhóm của bà Huỳnh Thị Phiến (mọi người thường gọi là bà Sáu gạo, năm nay đã 80 tuổi, nhà ở quận 8, TPHCM) bán gạo tại chợ Bình Điền lại í ới điện thoại nhau để hỏi xem tình hình chuẩn bị quà cáp cho các chuyến đi như thế nào rồi. Khi nghe thông báo đã tạm ổn, ai cũng vui mừng. “Vậy là đã chuẩn bị xong những phần quà cho chuyến đi trao tặng quà tết ở Gia Lai. Bà con chắc sẽ vui mừng lắm!”, bà Sáu cho biết. Từ nhiều năm qua, bà Sáu gạo cùng các tiểu thương buôn bán tại các chợ Bình Điền, An Đông, Bình Tây họp thành một nhóm để đi giúp đỡ người nghèo. Thông thường một năm họ tổ chức 6 - 7 chuyến xe đi tặng quà bà con nghèo các tỉnh. Vào dịp tết, nhóm bà Sáu tặng quà rất nhiều nơi và phần quà cũng nhiều hơn.

Bà Sáu chia sẻ: “Ngày trước tôi cũng đã trải qua nhiều khó khăn, cực khổ nên hiểu bà con nghèo cần gì, nhất là vào dịp năm hết tết đến... Nhờ các chị em trong nhóm ai cũng có tấm lòng, nên khi tôi kêu gọi là mọi người chung tay góp sức”.  Khi bà Sáu lên kế hoạch đi tặng quà ở đâu đó thì các tiểu thương quen biết trong nhóm lại đóng góp. Người thì góp đường, người góp nước tương, dầu ăn, mì gói, gạo, bánh, xà bông, tiền… Nhờ vậy, mỗi phần quà của bà Sáu khi trao đến tay người nhận đều nặng trĩu.

 Không chỉ vậy, khi đến nơi phát quà, thấy trẻ nhỏ, người già yếu, bà Sáu cũng như các tiểu thương trong đoàn lại móc túi lấy tiền để cho thêm. “Năm ngoái, chúng tôi đi tặng quà tết ở tỉnh Bình Thuận, có bà cụ vừa mù vừa yếu, lại không có con cháu chăm sóc. Cuộc sống hàng ngày của bà chủ yếu từ tình thương của bà con chòm xóm và chính quyền hỗ trợ. Khi nhận quà từ tay chúng tôi, bà xúc động đến rơi nước mắt. Cầm tay tôi bà cụ bảo tết này có gạo ăn rồi, dặn tôi tết năm sau nhớ mang quà cho nữa”, bà Sáu gạo nhớ lại. Không chỉ tham gia các chuyến đi tặng quà tết cho bà con nghèo các tỉnh thành, hàng năm, bà Sáu gạo còn tặng 20 phần quà (gồm: 10kg gạo, 1 thùng mì, 1kg đường, bột ngọt, nước tương, bánh, kẹo, lì xì) cho người tàn tật, bệnh đau, già yếu tại phường 3, quận 8. Bà Sáu bảo bà con nghèo ở thành phố tuy không khó khăn như người nghèo các tỉnh, nhưng chung quy lại họ vẫn còn thiếu thốn. Có ít quà tết sẽ giúp họ ấm lòng hơn khi xuân về.

 Nồi thịt kho trứng nghĩa tình

Ở cái tuổi 83, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình (Trưởng đoàn thầy thuốc tình nguyện) vẫn miệt mài với những chuyến đi khám bệnh phát thuốc cho bà con vùng xa. Trong kế hoạch làm việc 2 tháng cuối năm của đoàn thầy thuốc tình nguyện, bác sĩ Quốc Bình ghi chú có hơn 10 chuyến đi khám bệnh, phát thuốc và kết hợp tặng quà tết cho người nghèo các tỉnh. “Bà con nghèo rất hiếm khi đi khám bệnh, vì họ sợ tốn tiền, rồi nếu phát hiện có bệnh thì không biết phải điều trị ra sao. Hiểu được tâm lý ấy, đoàn chúng tôi luôn tìm đến bệnh nhân nghèo để khám bệnh, phát thuốc đồng thời động viên họ vượt qua bệnh tật. Nhất là trong dịp cuối năm, xem như là kiểm tra tổng quát một lần để người nghèo an tâm, vui khỏe đón tết”, bác sĩ Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.

Có một niềm vui đối với người dân nghèo vào những ngày cuối năm là được nhận nồi thịt kho trứng từ các thành viên trong đoàn thầy thuốc tình nguyện. 3 năm qua, cứ vào những ngày cận tết, bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng lại cùng một số thành viên đến các siêu thị để mua thịt, trứng và lên đường trao tặng cho người nghèo. Xuất phát từ một lần đi khám bệnh, phát thuốc, trao quà tết cho bà con nghèo của tỉnh Tiền Giang, bác sĩ Dũng chạnh lòng khi phát hiện có nhiều gia đình nồi niêu trống trơn dù ngày tết đã cận kề. Trong đầu bác sĩ nghĩ ngay đến nồi thịt kho trứng, một món ăn truyền thống không thể thiếu trong 3 ngày tết. “Chúng tôi không báo trước với chính quyền hay người dân. Qua tìm hiểu, biết được người dân nơi nào khó khăn thì ngày 28, 29 tết, đoàn chúng tôi sẽ đến tận nhà để trao tặng quà bánh cùng nồi thịt kho trứng. Mục đích của đoàn là muốn người dân có nồi thịt để cúng ông bà, tổ tiên trong ba ngày tết”, bác sĩ Dũng cho biết.

Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày cận tết, phật tử chùa Liên Hoa (phường 8, quận 11, TPHCM) lại tổ chức chuyến đi phát quà tết cho người nghèo tại các tỉnh. Theo thầy Thích Duy Trấn, Trụ trì chùa Liên Hoa, dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, phật tử chùa Liên Hoa sẽ trao tặng 500 phần quà (mỗi phần trị giá 400.000 đồng) cho bà con nghèo tỉnh Quảng Bình. Chi phí cho chuyến đi gồm 200 triệu đồng được trích từ tiền quỹ không đốt vàng mã của chùa và sự đóng góp thêm của phật tử. “Chỉ cần có tấm lòng, chúng ta sẽ mang đến cho người nghèo một mùa xuân ấm áp”, thầy Thích Duy Trấn tâm niệm.

Những con người nhân ái, những tổ chức thiện nguyện này chỉ là một vài trong vô số tấm lòng của người dân TPHCM. Còn biết bao tấm lòng thầm lặng khác ở thành phố nghĩa tình này đang góp sức mình để chia sẻ mùa xuân đi muôn nơi…

Cùng chung tấm lòng đem xuân đến người dân nghèo các tỉnh - thành, đoàn thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TPHCM cũng đã tổ chức chuyến thăm, tặng 1.000 phần quà tết (mỗi phần quà trị giá hơn 300.000 đồng) cho bà con dân tộc nghèo tại huyện Chư Pah và Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai). Khi nhận được phần quà từ tay các mạnh thường quân, người dân nghèo nơi đây mừng đến rơi nước mắt. “Ở đây nghèo lắm, làm lụng vất vả quanh năm mà không đủ ăn. Tết cũng như ngày thường thôi. Nay được nhận quà, vậy là năm nay con nít và người lớn đều sẽ có tết”, bà Tạ Lung (60 tuổi, xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa) bày tỏ.

THÁI PHƯƠNG - MAI ANH

Tin cùng chuyên mục