Bài học của ông lão trông coi bảo tàng

Bài học của ông lão trông coi bảo tàng

Một lần, có cô giáo dạy sử đến gặp ông lão trông coi bảo tàng nhờ giải hộ một câu hỏi của học trò mà cô đang “bí”: “Học sinh hỏi cháu: Vũ khí của các nước bây giờ tối tân hơn vũ khí của ta nhiều, cơ sở nào để nói rằng ta sẽ lại chiến thắng khi có chiến tranh? Cháu chưa biết trả lời sao cho thuyết phục thì có em đã nói: “Nếu chiến tranh xảy ra, gia đình em sẽ đi tránh ở nước ngoài, chờ khi nào yên mới trở về chứ chẳng tội gì mà ở lại chờ chết”. Câu chuyện của cô giáo trẻ xoáy vào lòng ông. Ông lẳng lặng không nói, chỉ đề nghị cô giáo, nếu có dịp, hãy đưa các em học sinh đến tham quan bảo tàng.

Bài học của ông lão trông coi bảo tàng ảnh 1

Ngày ngày, người lính già Nguyễn Tấn Hoài vẫn kiên trì vun đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Ảnh: MAI HƯƠNG

Đúng hẹn, cô giáo dẫn nhóm học trò tới, giới thiệu với chúng: “Đây là người có thể thay cô giải đáp những thắc mắc của các em”. Nhóm học trò xôn xao, lộ vẻ hoài nghi. Ông bắt đầu phần thuyết minh của mình với câu chuyện về tầm vông vạt nhọn, mìn tĩnh nước mắm, đạn làm bằng thau lá, súng giàn thun, thuốc nổ làm bằng phân dơi cùng hàng loạt những món vũ khí tự tạo của quân và dân miền Nam làm ra trong những ngày khó khăn, gian khổ nhất thời kháng Pháp, chống Mỹ.

Giọng kể của ông cụ như có lửa. Tiếng xôn xao giảm dần rồi im bặt. Ánh mắt hồ nghi ban đầu dần biến mất. Cô giáo đứng bên cạnh ngạc nhiên khi thấy những đứa lười học nhất, ngỗ ngược nhất giờ lại hào hứng và chăm chú nghe ông cụ nhất.

“Tour” tham quan bảo tàng kết thúc. Ông cụ ôn tồn: “Ông không thể đáp ứng lời yêu cầu của cô giáo là giới thiệu với các cháu thứ vũ khí tối tân nhất có khả năng địch lại với mọi thứ vũ khí nước ngoài. Thứ vũ khí tối tân nhất nằm trong tim, trong tay các cháu. Hãy tin là các cháu được học nhiều và giỏi hơn cha, ông ngày xưa nhiều lắm. Người Việt mình có một bản năng, một nền văn hóa chống xâm lăng. Cha ông các cháu có và mỗi cháu đứng chung quanh ông đây đều có. Cứ yên tâm là khi có giặc, các cháu tự khắc sẽ biết cách đánh”.

Nhóm học sinh ra về với lòng yêu nước, tự hào dân tộc vừa được nhen lên và lòng tin về một khả năng đánh giặc tiềm ẩn trong mỗi đứa như lời ông cụ đã nói. Đến thăm bảo tàng, tôi còn tìm thấy nhiều sự “giác ngộ” như thế được lưu giữ trong quyển sổ lưu bút dành cho khách tham quan. Có bạn viết: “Tôi - con của một người lính Mỹ. Trước đây, tôi hiểu rất mơ hồ về cuộc kháng chiến của người dân Nam bộ, từ đó dẫn đến những hiểu lầm sai lệch. Nhưng nay tận mắt nhìn thấy những vũ khí tự tạo thô sơ dùng đối phó với những vũ khí tân kỳ, tôi vô cùng cảm phục. Nhân đây, tôi xin hứa sẽ dìu dắt nhau cùng tiến bộ để đổi lại những lỗi lầm mà cha tôi đã gây ra…”.

Những trang lưu bút đầy tình cảm của các bạn học sinh lưu tại Phòng trưng bày vũ khí tự tạo bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ TPHCM. Ảnh: MAI HƯƠNG

Những trang lưu bút đầy tình cảm của các bạn học sinh lưu tại Phòng trưng bày vũ khí tự tạo bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ TPHCM. Ảnh: MAI HƯƠNG

“Lên đây ngồi chờ khách thì mệt hơn nằm nhà coi tivi. Nhưng tôi vẫn tin rằng bọn trẻ luôn cần được người lớn nói cho nghe về truyền thống của dân tộc” - Đó có lẽ là lý do lớn nhất khiến ông - người cựu chiến binh già hơn 80 tuổi, vẫn ngày ngày đạp xe vượt hơn 5 km, có mặt rất đúng giờ trong gian phòng trưng bày vũ khí tự tạo của Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ bất kể nắng mưa, để thực hiện nhiệm vụ cuối cùng nhưng thiêng liêng, cao cả nhất của một người lính giữa thời bình. Ông là Nguyễn Tấn Hoài – người phụ trách phòng trưng bày vũ khí tự tạo – Chủ nhiệm Ban liên lạc truyền thống quân giới Nam bộ B2 TPHCM. 

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục