Bài học về phát huy nội lực

Bài học về phát huy nội lực

Năm 2005 là năm của sự phát triển. Vào tháng 9 năm nay, tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ LHQ, các vị lãnh đạo các nước giàu sẽ nhấn mạnh việc xóa nợ, tăng viện trợ và mở cửa thị trường cho các nước nghèo để đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là giảm một nửa người nghèo đói vào năm 2015.

Thế nhưng, những dự định này quên đi những bài học cơ bản trong 4 thập kỷ qua và trong lịch sử kinh tế nói chung. Đó là sự phát triển được quyết định bởi chính bản thân các nước nghèo và người ngoài chỉ có thể đóng vai trò hạn chế. Sự viện trợ tài chính và mở cửa thị trường các nước giàu chỉ là công cụ với khả năng hạn chế để kích thích sự tăng trưởng, đặc biệt ở các nước nghèo.

Bài học về phát huy nội lực ảnh 1

Cây cà phê Việt Nam.

Hãy xem xét hai trường hợp Nicaragua và Việt Nam. Cả hai đều là nước nông nghiệp, trải qua chiến tranh lâu dài và cùng được hưởng viện trợ nước ngoài. Nhưng Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo đói một cách đáng kể và đang trên đà tăng trưởng khá tốt.

Nicaragua thì vẫn còn lúng túng trong quá trình phát triển với thu nhập bình quân đầu người vẫn còn quá khiêm tốn nên không thúc đẩy được công cuộc xóa đói nghèo.

Việt Nam từng bị Mỹ cấm vận cho đến 1994 và hiện chưa là thành viên WTO. Mặc dù vậy, quốc gia này vẫn tìm được thị trường để tăng xuất khẩu cà phê và các mặt hàng nông sản khác và đã bắt đầu thành công việc đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là hàng dệt may. Nicagarua được hưởng quyền lợi từ thị trường Mỹ và được xóa 7 tỷ USD nợ trong những năm 1990, nhưng cà phê và hàng may mặc của họ không thể cạnh tranh với Việt Nam. Tại sao Việt Nam vượt qua Nicaragua?

Câu trả lời là lịch sử, thể chế chính trị và kinh tế đã đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phát triển. Cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ và các nhà viện trợ phương Tây không đủ sức mạnh vượt qua lịch sử bất công về kinh tế, xã hội của Nicaragua: đất đai và quyền lực nằm trong tay số ít người và chính phủ không thể đầu tư đúng mức vào hạ tầng cơ sở và phúc lợi xã hội.

Nhiều nước châu Phi và Trung Mỹ, ngay cả những nước thành công nhất, không thể bắt kịp thành công của Việt Nam, mặc dù không nghèo hơn.

Như Mexico, một nước láng giềng của Mỹ, được hưởng nhiều ưu đãi từ viện trợ, mở cửa thị trường và thậm chí Mỹ từng can thiệp giúp Mexico vượt qua khủng hoảng tiền tệ năm 1994-1995, nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1%. Cơ hội tiếp cận thị trường và nguồn vốn bên ngoài cũng không giúp vượt qua những vấn đề nội bộ của nước này.

Những kinh nghiệm ở các nước đang phát triển đã khẳng định sự quan trọng của nhân tố nội lực. Giống như Việt Nam, Trung Quốc và Aán Độ, những thị trường mới nổi lên trong 1/4 thế kỷ qua - không nhận được nhiều viện trợ như các nước châu Phi và Trung Mỹ. Nhưng nhờ cải cách trong nước một cách sáng tạo, họ đã tăng trưởng và vượt qua đói nghèo.

Từ thực tế đó, có thể kết luận rằng không phải viện trợ nhiều và mở cửa thị trường là đủ để giúp các nước đang phát triển xóa đói nghèo. Họ phải giúp một cách sáng tạo hơn như truyền đạt kinh nghiệm kiểm soát chính sách kinh tế, đầu tư vào những công nghệ phát triển thân thiện với môi trường, mở cửa thị trường lao động, hạn chế bất công trong hệ thống thương mại toàn cầu… để giúp các nước nghèo phát huy hết nội lực của mình.

Đã đến lúc các nước giàu phải nghĩ đến những biện pháp khác để giúp các nước nghèo chứ không đơn giản là xóa nợ và viện trợ. 

Việt Trung (Theo New York Times)

Tin cùng chuyên mục