Xã hội hóa giáo dục - một bài toán khó và phức tạp - ở một mức độ nào đó có thể ví như “bổ đề cơ bản” trong toán học từng được GS Ngô Bảo Châu chứng minh hoàn hảo. Thật vậy, nhìn rộng ra, người ta thấy rõ mối tương tác giữa hai lĩnh vực xã hội và tự nhiên khi một giả thuyết đã được chứng minh hoặc chắc chắn sẽ được chứng minh: Một bên là cầu nối giữa hình học và đại số, còn bên kia - giữa người dân và nhà nước. Và câu hỏi đặt ra cũng hợp chất “bổ đề”: Chúng ta phải làm gì để một chủ trương đúng và trúng được thực thi hợp lý trong thực tiễn?
Đi tìm lời giải tối ưu nhất, trong 5 năm qua, TPHCM - đơn vị đi đầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công tác xã hội hóa giáo dục - đã khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế đầu tư nhằm đa dạng hóa các loại hình đào tạo như trường dân lập, trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài. Và trong khu vườn sum sê “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” này, bước đầu chúng ta có những thành công nhất định về “lượng” khi số trường ngoài công lập đã tròm trèm con số 100 và chiếm khoảng 1/6 tổng lượng học sinh theo học.
Nhưng về chất đó vẫn còn là ẩn số quá lớn với khá nhiều nghi vấn mà đáng chú ý nhất là chất lượng đầu ra và sự tương xứng với phí bỏ ra. Ở đây, cần nhấn mạnh sự chênh lệch giàu - nghèo, mức học phí đóng góp, khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Và trên hết vẫn là những ý kiến khác nhau về quan điểm lợi nhuận - phi lợi nhuận trong lĩnh vực trồng người. Thực tế cho thấy, mở được trường ngoài công lập cũng đồng nghĩa với mở ra mỏ quặng kim loại quý mà nếu biết cách “chế tác” sẽ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ.
Ở góc độ này, người ta nói nhiều về sự chia chác giữa các cổ đông sáng lập, về những khoản loạn phí với những biến tướng giống như cái “chợ” có quá nhiều lời mời chào khiếm nhã. Đặc biệt, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý nhà nước đã phần nào tạo điều kiện cho các trường lách luật trong nội dung đào tạo. Và quả thật, người học đang có cảm giác bâng khuâng chọn trường học trong vô vàn trường dán mác quốc tế khi mà chỉ có học phí là được khẳng định ở “đẳng cấp quốc tế”.
Thứ hai, vẫn còn sự lẫn lộn và chưa phân định rõ ràng công - tư. Thời gian qua, TPHCM đã mạnh dạn thí điểm mô hình trường công lập tự chủ tài chính theo kiểu Trường THPT Lê Quý Đôn và Nguyễn Thái Bình, với nhiều kỳ vọng như cải thiện chất lượng đào tạo, đảm bảo điều kiện học tập, tránh phải học thêm ngoài luồng… Song vẫn còn nguyên sự “lăn tăn” khi học phí tư cùng chung sống với đầu tư công. Đến mức, có người nói mô hình này - với sĩ số của trường tư - đã tạo sự phân biệt giàu - nghèo trong môi trường công và thực chất là sự bao cấp cho người giàu.
Tất nhiên, mô hình này cần sự tổng kết và đánh giá khách quan từ nhiều phía, song trước mắt từ kinh nghiệm của TPHCM, Chính phủ đã cho phép các cơ sở giáo dục công lập từ năm học này sẽ được thực hiện chương trình chất lượng cao, dĩ nhiên với mức đóng góp đáng đồng tiền, bát gạo. Vấn đề chỉ nằm gọn trong chất lượng đào tạo có tương xứng không? Và nếu được khẳng định, mô hình chất lượng cao sẽ san sẻ ngân sách nhà nước, dành ra được khoản dôi dư để đầu tư cho các địa bàn còn khó khăn. Đây cũng giống như bước đột phá điểm, chọn tầng lớp khá giả và trung lưu để xã hội hóa nhằm kéo giãn khoảng cách dân trí, tiến tới mặt bằng chung của một xã hội học tập.
Thứ ba, cần nhấn mạnh cái tâm của người có tiền để có ý thức “trong tiền có tâm” khi đóng góp, đầu tư cho giáo dục. Ở khía cạnh này, phải nói các doanh nghiệp chúng ta còn chưa mặn mà với sự “hảo tâm”, mà minh chứng rõ nhất là họ sẵn lòng bỏ cả tỷ bạc để chiêm ngưỡng “chân dài” miên man trong các cuộc thi sắc đẹp tổ chức quá nhiều thời gian gần đây mà quên mất vẻ đẹp trí tuệ là “thương hiệu” quốc gia cần sự đầu tư đúng mức trên cơ sở phi lợi nhuận.
Và rõ ràng giáo dục cần lắm những tấm lòng cũng như sự động viên khích lệ từ phía các cơ quan quản lý và cộng đồng xã hội. Để đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, chúng ta cần nhiều gói giải pháp quanh trục gia đình - nhà trường - xã hội và nhất là lựa chọn chính xác một mô hình chuẩn cho một chủ trương đúng.
B. AN