Sài Gòn Công Thương Ngân hàng

“Bản lĩnh” của một mô hình đi đầu

“Bản lĩnh” của một mô hình đi đầu

Là mô hình thử nghiệm đầu tiên của cả nước về ngân hàng thương mại cổ phần, Sài Gòn Công thương Ngân hàng (Saigonbank) đã trải qua 17 năm hoạt động với không ít những thăng trầm, nhất là giai đoạn sóng gió của “cơn lốc” đổ bể hàng loạt các HTX tín dụng vào thập niên 90. Song trên chặng đường dài ấy, Saigonbank đã từng bước tạo dựng dấu ấn riêng, khẳng định được thương hiệu của mình trên thương trường cạnh tranh đầy khốc liệt.

  • Xoay chuyển tình thế

Ngược dòng lịch sử, ông Dương Xuân Minh, nguyên Tổng Giám đốc Saigonbank kể lại: Thuở ban đầu chỉ với vốn điều lệ khiêm tốn là 650 triệu đồng, lại hoạt động theo điều lệ chưa hoàn chỉnh về ngân hàng cổ phần nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong tình cảnh rối ren khi hàng loạt hợp tác xã tín dụng đổ bể, tạo làn sóng rút tiền, Saigonbank đã mạnh dạn thay đổi chiến lược kinh doanh và đề ra phương châm “tình huống nào, biện pháp đó” bằng cách từng bước thay đổi cơ cấu vốn huy động để hạ chi phí, giảm lãi suất huy động tiết kiệm, tăng số dư tài khoản tiền gửi thanh toán với lãi suất thấp.

“Bản lĩnh” của một mô hình đi đầu ảnh 1

Công ty Dệt may Thuận Phương – khách hàng lâu năm của Saigonbank. 
 

Saigonbank chuyển hướng đầu tư vào các đơn vị xuất nhập khẩu, mở rộng hoạt động đối ngoại bằng uy tín thương hiệu, tái tạo ngoại tệ tài trợ xuất nhập khẩu... nên đã nhanh chóng “cắt” được những khoản lỗ khổng lồ và đưa tốc độ tăng trưởng lên “cấp số nhân” và hoạt động liên tục có lãi từ năm 1992 đến nay.

Năm 2004, Saigonbank có tốc độ tăng trưởng đến 46,7%, tổng lợi nhuận trước thuế là 93,13 tỷ đồng, đạt 124,17% chỉ tiêu được giao và dự kiến chia cổ tức cho cổ đông là 14%. Bên cạnh đó, mạng lưới hoạt động của Saigonbank được mở rộng khắp cả nước. Nếu như năm 1991 ngân hàng chỉ có 3 chi nhánh thì đến nay đã tăng lên 18 chi nhánh, trong đó tại TPHCM năm 2004 đã thành lập 4 chi nhánh. Năm 2005, Saigonbank sẽ mở thêm 10 chi nhánh tại các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Xác định dịch vụ là vũ khí chiến lược trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, Saigonbank đã “đi tắt đón đầu” trong đầu tư dịch vụ công nghệ điện tử. Điển hình, năm 2004 Saigonbank đã tung ra sản phẩm Thẻ đa năng (Saigonbank Card), phonebanking… và lắp đặt 33 máy ATM và hơn 150 máy POS tại các siêu thị, chợ, bệnh viện… Đến nay, Saigonbank đã phát hành gần 20.000 thẻ và ký hợp đồng chi trả lương cho 12 đơn vị khách hàng.

Đặc biệt, vừa qua Saigonbank đã kết nối hệ thống thẻ với Ngân hàng Đông Á, hình thành hệ thống VNBC (VietNamBankCard), phát huy tối đa các tiện ích của dịch vụ thẻ thanh toán. Từ nền tảng công nghệ này, Saigonbank đang xúc tiến kết nối thẻ quốc tế với các nước có tiềm năng giao dịch thương mại với Việt Nam.

  • Sát cánh cùng doanh nghiệp

Trong vòng xoáy “giành giật” thị phần trên thương trường, nhất là trên địa bàn TPHCM, Saigonbank đã có những hướng đi đầy táo bạo và đột phá, giành được uy tín và xác định vị thế của mình với khách hàng. Nhiều năm qua, nợ quá hạn phát sinh không đáng kể và liên tục giảm qua các năm, từ 1,77% xuống còn 0,3% trên tổng dư nợ. Có kết quả này là nhờ ngân hàng xây dựng chính sách cho vay chuyên nghiệp dựa vào các phương án kinh doanh của khách hàng và đầu tư đúng mức… Saigonbank xem khách hàng là đối tác, cùng sát cánh giúp nhiều khách hàng đi lên từ khó khăn, đổ vỡ đến thành đạt. Doanh nghiệp thêu may Thuận Phương (quận 6, TPHCM) là một trong những khách hàng như vậy.

Từ một doanh nghiệp lâm vào tình trạng tê liệt do mất thị trường, hậu quả của sự sụp đổ kinh tế-xã hội Đông Âu, với sự hỗ trợ kịp thời của Saigonbank, Thuận Phương đã gầy dựng từ đầu cơ nghiệp đã mất và sau đó liên tục mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, tìm kiếm bạn hàng mới cho mặt hàng thêu may xuất khẩu… Liên tục trả hết nợ gốc và lãi, rồi tái đầu tư, đến nay, Thuận Phương đã xây dựng cơ ngơi mới với máy móc, thiết bị giá trị cao, như 44 máy thêu (100.000 USD/máy) và khoảng 3.000 máy may, thường xuyên có khoảng 4.000 công nhân làm việc và đang là đối tác xuất hàng may thêu tiềm năng cho thị trường Mỹ. 

Bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng Giám đốc Saigonbank, cho biết để đủ sức hội nhập và tăng năng lực cạnh tranh, ngân hàng đang tái cơ cấu một cách toàn diện ở tất cả các khâu, các qui trình nghiệp vụ. Về vốn điều lệ, ngân hàng phấn đấu đến cuối năm 2007 tăng lên 600 tỷ đồng và ngay trong năm nay là 400 tỷ đồng. Saigonbank đang trong thời điểm tăng tốc phát triển, xây dựng chỉ tiêu vốn huy động trong năm 2005 đạt khoảng 3.432 tỷ đồng và năm 2007 là 5.800 tỷ đồng (gần gấp đôi so với năm 2004).

Điều quan trọng nhất vẫn là hạn chế tối đa nợ quá hạn mới phát sinh, khống chế mức nợ xấu dưới 1% trên tổng dư nợ. Để đạt được mục tiêu này, bà Ánh cho biết, Saigonbank sẽ nhanh chóng đầu tư đổi mới công nghệ ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiệp vụ để đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong xu thế hội nhập. Saigonbank đang khuyến khích, khơi dậy sự năng động, sáng tạo và chịu trách nhiệm của các chi nhánh nhằm tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với từng địa bàn.

THẢO - VY 

Tin cùng chuyên mục