Trong tiết học Văn lớp 8 ở một trường THCS trên địa bàn TPHCM, giáo viên ra đề làm văn nghị luận xã hội với chủ đề “Học sinh nói chuyện trong giờ học”.
Sau khi cô gợi ý, hướng dẫn học sinh cách làm bài theo hướng mở, liên hệ thực tế và rút ra bài học để nâng cao chất lượng giảng dạy, các trò bắt đầu làm bài. Lớp học im phăng phắc. Nhiều khuôn mặt trầm ngâm, biểu hiện sự suy tư, tìm ý tưởng để thể hiện đúng yêu cầu của đề bài. Bỗng một học sinh đứng lên xin trao đổi với cô và đặt câu hỏi mang tính phản biện: “Thưa cô khi học sinh nói chuyện trong lớp thì có nguyên nhân là do giáo viên dạy dở phải không ạ?”.
Vừa nghe học trò này đặt câu hỏi, giáo viên không giữ được bình tĩnh và tuôn ra hàng chục câu răn dạy như giờ học phải giữ im lặng. Học trò nói chuyện cũng là gian dối… Rồi cô quay sang bắt bẻ cô học trò “dám” nêu chính kiến riêng là thiếu lễ phép khiến mọi việc trở lên trầm trọng, không khí trong lớp chùng xuống. Riêng cô học trò bị bắt lỗi thì đứng như trời trồng. Sẵn trớn cô thuyết giảng đủ thứ về đạo đức và chê bai học sinh thời nay không biết nghe lời, giờ học không chú ý nghe bài giảng… Cách ứng xử của cô trong tình huống này trở thành bị động và những cô cậu học trò mới lớn bỗng cảm thấy có cái gì đó hụt hẫng, mất niềm tin. Giá như cô giữ được bình tĩnh và phân tích cho học trò hiểu thêm về câu hỏi xuất phát từ thực tế và cho phép học sinh được nói lên chính kiến, suy nghĩ của mình về chủ đề bài văn nghị luận thì mọi việc không đi quá xa.
Trong bất kỳ tình huống nào, khi đứng trên bục giảng, người thầy cũng phải thể hiện đúng tác phong sư phạm, kỹ năng ứng xử chuẩn mực và biết cách giảng giải cho học sinh hiểu rõ những gì các em thắc mắc, chưa thông. Thời @, học sinh của chúng ta năng động và thông minh lắm. Vì thế, đừng bắt ép các em phải nghĩ và làm theo thầy cô. Nếu giờ học hấp dẫn, được truyền cảm hứng khám phá kho tàng tri thức, cập nhật kiến thức hay, mới lạ thì chắc chắn học sinh bị cuốn hút theo. Như thế, thời gian đâu để các em nói chuyện riêng. Phải chăng câu hỏi mà cô học trò nói trên đặt ra khiến những thầy cô chưa dạy hết tâm huyết, chưa coi học trò là trung tâm phải suy nghĩ? Nếu trò nói đúng thì thầy cô cũng phải lắng nghe chứ?
HÀ KHÁNH