Châu thổ sông Cửu Long dung chứa những con người dũng cảm, dám đối mặt, đương đầu thử thách, hòa chế nghịch cảnh, mang lại tương lai cho cộng đồng và dân tộc. Nét đẹp cốt cách, khát vọng sống mãnh liệt đó đang giúp nơi đây vượt qua thách thức mới, nặng nề nhất trong lịch sử gần trăm năm qua.
Sông nước châu thổ
Tiếng vọng
“Nếu con nước và thời tiết cứ như vậy hoài, làm sao nông dân chúng tôi sống nổi? Chắc bỏ xứ đi quá?”, ngồi trong căn nhà sàn vách cây, mái tôn nóng hầm hập sát lộ, lão nông Bùi Văn Triển dang rộng hai tay hỏi lớn. Cách sàn nhà 2m là nền đất rộng, khô cứng, nứt nẻ, trống huơ trống hoác. “Cái sân đó để phơi lúa, phơi cá làm khô nhưng năm nay lúa cá đều thất bát, có gì đâu mà phơi”, ông Triển nói vậy. Phía sau nhà, chiếc xuồng nhỏ neo trên con rạch cạn khô, im lìm ngóng chờ… con nước.
Xã Bình Thạnh (Hồng Ngự, Đồng Tháp), nơi ông Triển ở nằm ngay đầu nguồn sông Tiền, nơi đầu tiên đồng bằng nhận nước của dòng Mekong. “Dân nơi đây sống nhờ trồng lúa và nghề cá. Còn nhớ năm 2000, nước lũ về cao đến 1,7m, thò tay xuống sàn cũng có cá ăn. Còn nay đồng khô cỏ cháy, kiếm con cá như mò kim đáy biển”, ông Triển kể.
Vượt sông Tiền sang đầu nguồn sông Hậu, đâu rồi những đoàn ghe oằn nặng bông điên điển, bông súng... bập bềnh khắp dòng Châu giang? Đứng bên này sông sao nuối tiếc/Sao xót xa như rụng bàn tay... (Hoàng Cầm). Hai dòng châu thổ thêm ngơ ngác.
Việt Nam vừa khẩn cấp kêu gọi quốc tế hỗ trợ ngắn hạn trên 48 triệu USD để ứng phó thiệt hại thiên tai. Có thời điểm, ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) nước ngọt chỉ cầm cự được 2 ngày. Danh thắng ao Bà Om (Trà Vinh) đáy nứt ngang dọc. Bến Tre ngưng tổ chức lễ hội trái cây do chôm chôm không ra hoa, sầu riêng cháy lá, hoa - cây kiểng lụi tàn, thiếu sắc…
Nhận diện rõ hơn một châu thổ đã biến đổi với nhiều khắc nghiệt để đối diện thách thức mới. Để có bước đi, nội lực mới thích hợp, bền vững hơn. Để trân trọng hơn những hạt gạo từ đây, sương gió đã thêm dày nặng.
“Trích máu” dòng Mekong
“Mấy năm tới sẽ còn khó khăn hơn nhiều nếu không xiết vô. “Thượng điền tích thủy, hạ điền khan”, người ta đang dựng đập thủy điện trên khắp con sông kìa”, lão nông Bùi Văn Triển dự báo.
Điều lo lắng của ông Triển, cũng như của hàng triệu nông dân vùng châu thổ cũng là điểm “nóng” mang tính quốc gia, quốc tế. “Thế kỷ 21 là thế kỷ của năng lượng. Các đập thủy điện đã và sẽ triển khai trên dòng Mekong như thử thách sự đoàn kết của các nước ASEAN”, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội và giáo dục Trí Việt, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nhấn mạnh trước nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế tại hội thảo “Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong” tại TP Cần Thơ vào cuối tháng 4-2016.
Sự liên kết của con người với dòng nước lại bắt đầu từ chính con người. Ngoài hiện tượng El Nino, dòng Mekong đã bị “trích máu” quá mức. Một lượng nước khổng lồ thuộc về dòng chảy tự nhiên của sông Mekong đang bị găm giữ bởi các đập thủy điện. “Hàng chục đập do các nhà đầu tư, vận hành riêng rẽ vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận phát điện chứ không phải vì lợi ích cộng đồng. Ranh giới mặn - ngọt ở ĐBSCL sẽ diễn biến bất thường theo việc tích/xả của các đập đó”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL khẳng định. Đáng lo ngại hơn, phù sa, “nguồn sữa” cho châu thổ màu mỡ sẽ giảm nguồn dinh dưỡng hơn nữa. “50% lượng phù sa còn lại sẽ tiếp tục mất đi bởi những con đập mới ở hạ lưu. Không thể có loại “đập trong suốt” vô bao nhiêu ra đủ bấy nhiêu”, TS Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) cảnh báo.
Có lần được ngắm dòng Mekong lững lờ trôi dưới cây cầu Hữu Nghị trên đất Lào. Chạy dọc Đông Bắc Thái Lan lên giáp mặt “Tam giác Vàng”, nơi bắt đầu được tính là vùng hạ lưu sông Mekong, có vùng nước giáp ranh Lào, Myanmar, Thái Lan rồi lộn về Biển Hồ (Campuchia). Nước đã tạo ra nền văn minh nông nghiệp lúa nước nuôi sống hàng triệu cư dân hai bên bờ Mekong. Người Lào dệt lụa, người Campuchia chài cá, người Việt châu thổ trồng lúa. Hình ảnh thanh bình “Miền Nam em dừa nhiều/Miền Nam em dứa nhiều/Miền Nam em xoài thơm…” suốt bao thế hệ có lùi xa?
“Sông được định nghĩa bằng dòng chảy, liên tục và thông suốt. Dựa theo định nghĩa đó, sông Mekong đang chết! Đang biến thành những hồ tích nước, nằm cạnh nhau. Những vùng đất phía hạ nguồn sẽ không còn nước; không sa mạc hóa nhưng mặn hóa”, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định. Mekong cạn dòng. Cửu Long cạn kiệt. Dọc dòng Mekong, con người đang quay quắt vì nước.
Tư duy mới về nước
Hiện tượng “Trăm năm mới có một lần” đã gây “sốc” cho vùng đất “chín Rồng” với trên 5.000km kênh, rạch ngang dọc. Nhưng cũng giúp ta soi chiếu lại nhiều vấn đề. Nước, yếu tố khởi nguồn cho lũ, hạn, mặn. Nước, khởi đầu cho cơ nghiệp lúa nước với câu ca dao ngàn đời của người Việt “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
“Vận mệnh đồng bằng phụ thuộc vào hai từ khóa, nước và phù sa. Đồng bằng đang bị đe dọa trong chính sự tồn tại của mình”, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân nhắc nhở. Nước không vô hạn, giọt nước là hạt ngọc, đặc biệt nước dành cho nông nghiệp và nước để cân bằng hệ sinh thái. Việc “be bờ đắp đập”, chia cắt nguồn nước cho lúa vụ 3 phù hợp với mục tiêu an ninh lương thực ở giai đoạn đầu đổi mới, đưa nước ta có vị thế “nhất, nhì” xuất khẩu gạo thế giới. Tuy nhiên, 20 năm qua, cùng với sản lượng lúa tăng vọt hàng năm thì “trái tim châu thổ”, hai vùng trữ nước tự nhiên (Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười) cũng hụt hẫng đi rất nhiều. “Chỉ riêng Tứ giác Long Xuyên, từ năm 2000 đến 2011, khả năng trữ lũ đã giảm từ 9,2 tỷ m3 xuống còn khoảng 4,5 tỷ m3, tức giảm khoảng 4,7 tỷ m3 nước do khoảng 1.100km2 ô đê bao khép kín ở vùng này. Khối nước 4,7 tỷ này do không vào được trong đồng, đã gây tăng ngập phía hạ lưu trong mùa lũ và đồng nghĩa chúng ta không có 4,7 tỷ m3 nước đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện phân tích.
Nước sẽ được chắt chiu, hiệu quả hơn khi trở thành yếu tố hàng hóa trong cơ chế thị trường. Đã đến lúc, chúng ta cần tư duy 1m3 nước sẽ tạo ra bao nhiêu giá trị cho nông dân chứ không phải bao nhiêu tấn lúa/ha. GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ thêm: Phải khai thác, tận dụng hiệu quả từng loại nước cho từng vùng sinh thái. Ngay tư duy “nước mặn là kẻ thù”, phải ngăn mặn cũng không hợp thời nữa. Hệ thống thủy lợi chuyên cho cây lúa nên điều chỉnh cho cả con tôm… Tư duy mới về “nước” sẽ tác động tích cực đến một chiến lược tổng thể, dài hạn, hợp thực tiễn, hiệu quả hơn. Đó là sự đổi mới về phương cách khai thác, quản lý, phân phối, điều hòa nguồn nước (mặn, ngọt, lợ, ngầm); đến tái cơ cấu, chọn lựa hướng sản xuất (giảm diện tích lúa, chuyển dịch cây, con); điều chỉnh thủy lợi; quy hoạch liên kết vùng...
Đồng bằng vượt thoát
Chấp nhận thách thức, quyết liệt đương đầu; năng động uyển chuyển, hóa giải nghịch cảnh; hướng tìm cái mới, tích cực; tự lực, sáng tạo để tạo dựng thế và lực mới. Bản lĩnh đó, khát vọng đó chính là nét đẹp, bản sắc người đồng bằng trên vùng đất đầy biến động. Trên 300 năm, mỗi bước đi là mỗi sáng tạo vượt khó, tạo nên sức sống đồng bằng. Bao vùng đất hoang vu dọc dài hai dải sông Tiền, sông Hậu thành “bờ xôi ruộng mật” cũng nhờ vậy.
Đến chợ nổi, cứ nhìn cây “bẹo” (cây sào treo hàng) biết ghe đó bán gì, cả trăm năm rồi. Nước xuôi thì chèo mái chài, nước ngược lại chèo mái cuốc, nước xoáy thì nạy hay chèo mái một. “Ta không có “Vạn lý trường thành” nhưng có “Vạn lý đường kênh” ém phèn, tháo chua, rửa mặn để làm lúa”, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân hóm hỉnh. Đúng vậy, từ xưa ông cha ta đã trữ nước bằng lu, khạp, đìa, ao, hồ… Còn nay, nông dân Phạm Kim Quang (Chợ Lách - Bến Tre) lắp đặt thành công máy lọc nước nhiễm mặn; vận hành liên tục 10 - 12 giờ, sản xuất được 4 - 5m3 nước ngọt, đủ tưới cho hàng ngàn cây giống. Ở xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm - Vĩnh Long) có độ mặn gần 4‰ nhưng nông dân vẫn làm giàu từ cây lác. Trung bình mỗi công đạt 1 tấn, nhiều hộ đến 1,5 - 1,8 tấn/công. Trừ chi phí, thu lãi tới 80 - 100 triệu đồng/ha/năm, vượt hẳn trồng lúa. Trên “Cánh đồng chó ngáp” khô cằn mặn chát (Phước Long và Hồng Dân - Bạc Liêu) nhiều nhà lầu bạc tỷ mọc lên san sát cũng nhờ con tôm…
Đó nhất định không chỉ là “tri thức kinh nghiệm”, tích lũy ngẫu nhiên, rời rạc. Đó chính là những dằn vặt khôn nguôi để nắm bắt quy luật, chế ngự thiên nhiên. Là những bước đi thích hợp chinh phục “tri thức khoa học” và cả sự sắc sảo với “luật chơi” của thị trường. “Đó là tinh hoa được kết tinh từ truyền thống văn hóa, kết quả của sự tích lũy dồi dào, sung mãn sinh lực và thần trí dân tộc...” (Sơn Nam).
Lời giải cho “tiếng vọng châu thổ” cũng từ sự sẻ chia, đùm bọc. Trên mỗi vòi nước trong chùa Sen (Châu Thành - Đồng Tháp) đều dán dòng chữ “Hãy mở 1/3 vòi nước để tiết kiệm vì hạn hán khắp mọi nơi”. Từng can nước ngọt được chuyển cho các hộ dân ở Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng… Các giải pháp chiến lược về nước mang tính quốc gia, liên quốc gia; nhạy bén hơn trong dự báo, cảnh báo. Hạn, mặn năm nay cũng chỉ nên là một phần trong kịch bản đối phó; các dự án phi nông nghiệp cần lực hút mới; áp dụng mô hình, kỹ năng cụ thể, hiệu quả cho từng vùng đất (phương pháp tưới nhỏ giọt của Israel)… “Đồng bằng sẽ thoát hiểm, dù bất kỳ kịch bản nào. Điều cần là mọi người cùng quan tâm, có trách nhiệm, có cơ chế tốt; chủ động đối mặt và hành động thiết thực”, GS-TS Võ Tòng Xuân khẳng định.
Trận sóng thần “Năm Thìn bão lụt” (1904) khiến cả Nam bộ “thọ nạn” còn thảng thốt đâu đó trong ký ức người châu thổ. Nhưng con cháu họ hôm nay đã có thế và lực mới, không còn cô đơn chống chọi nữa. Mekong dù có cạn dòng, nhưng đồng bằng sẽ vượt thoát. Bản lĩnh người châu thổ luôn là vậy.
VŨ THỐNG NHẤT