Thạc sĩ nhập ngũ

Thạc sĩ nhập ngũ

Mỗi năm cả nước có hàng vạn thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong đó, số thanh niên có trình độ văn hóa, tốt nghiệp cao đẳng, đại học tăng theo từng năm. Ở đồng bằng sông Cửu Long, vừa qua có thạc sĩ  Lê Văn Linh, ngụ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành (Hậu Giang) tình nguyện nhập ngũ.

Chiến sĩ Lê Văn Linh tập ngắm bắn súng AK

1. Là anh lớn trong gia đình có hai anh em, ngay từ nhỏ, Linh đã nuôi dưỡng ước mơ sau này được học tập, rèn luyện và phục vụ trong môi trường quân đội, dù ở bất kỳ cương vị nào. Ý thức này càng lớn dần sau mỗi lần nghe người bác kể về những kỷ niệm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mặt khác, câu chuyện của các anh xuất ngũ ở cùng quê cũng gây cho Linh sự tò mò, thích thú. Nhưng rồi có một hiện thực khiến Linh cảm thấy băn khoăn về chiều cao, trọng lượng cơ thể và sức khỏe của mình, đó là chưa kể gương mặt không được khôi ngô “bằng anh bằng em”. Vậy là Linh chú tâm vào học. Học lấy tri thức làm nền tảng để có thể hoàn thiện mơ ước.

Năm 2008, Linh tốt nghiệp cấp 3 và thi đậu vào Trường Đại học Cần Thơ. Cùng thời gian này, Linh tham gia lực lượng dân quân địa phương. Từ nhà đến trường khoảng 20km nhưng Linh hay tranh thủ về nhà cùng anh em dân quân tuần tra, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc các đợt huấn luyện chuyên ngành. Anh Phạm Hoàng Tân, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị trấn Ngã Sáu, nhận xét: “Gia đình Linh luôn gương mẫu, còn bản thân Linh rất nhiệt tình, năng nổ. Dù đang học đại học nhưng Linh vẫn tranh thủ tham gia đầy đủ các hoạt động, phong trào do địa phương phát động. Nhiệm vụ nào Linh cũng hoàn thành tốt”.

Năm 2012, Linh nhận hai tin vui là tốt nghiệp đại học loại giỏi và được địa phương kết nạp vào Đảng. Cũng trong năm này, Linh đăng ký và thi đậu cao học Trường Đại học Vinh, chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Giáo dục chính trị. Lại một năm lên giảng đường Đại học Đồng Tháp thu nạp kiến thức và một năm nghiên cứu, bảo vệ luận án tại Trường Đại học Vinh (Nghệ An). “Tôi đã có một bước đi dài liên tục con đường học vấn và thành công trọn vẹn. Tấm bằng thạc sĩ tôi có được ngoài sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, còn biết bao mồ hôi, công sức của ba má đổ xuống mảnh vườn nhỏ để chắt góp từng đồng cho tôi ăn học. Cũng vì lo cho tôi mà em trai tôi chịu thiệt thòi hơn một số bạn bè khác. Đã đến lúc tôi phải dừng lại để bớt gánh nặng cho ba má”, Linh tâm sự.

Dẫu biết với tấm bằng thạc sĩ trong tay, Linh có nhiều cơ hội làm việc gần gia đình, trong môi trường thuận lợi lập thân và phát triển tương lai. Nhưng không, Linh quyết định chọn con đường mà mình đã mơ ước, nung nấu từ nhỏ, bởi Linh nghĩ chỉ có môi trường quân đội mới thật sự là nơi để Linh rèn luyện, phục vụ và cống hiến. Vậy là Linh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. “Lần đầu đi khám thì tôi không đạt về tiêu chuẩn sức khỏe. Lần thứ hai cũng vậy. Đến năm 2016 này, tôi mới có thông báo trúng tuyển. Tính ra đến giờ này, tôi có ba niềm vui lớn là được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận bằng thạc sĩ và được làm người lính Cụ Hồ”, Linh chia sẻ.

2. Cũng như bao thanh niên khác, những ngày đầu sống trong môi trường quân ngũ, Linh cảm thấy lạ lẫm và bỡ ngỡ. Linh cùng đồng đội học cách đi đứng, xưng hô, chào hỏi, cách xếp nội vụ vuông vắn, cả việc ăn ngủ. Tất cả phải theo giờ giấc và đòi hỏi tác phong nhanh, gọn. Linh kể: “Đêm đầu tiên trong quân đội, tôi cảm thấy thời gian dài nhất, vì lạ chỗ, lạ giường và nền nếp sinh hoạt khuôn phép khiến tôi không ngủ được. Ở đây, tôi chứng kiến một việc rất nhỏ nhưng làm tôi xúc động là khi cán bộ chỉ huy nhẹ nhàng sửa từng vách mùng, kéo từng cánh tay của chiến sĩ vào trong để khỏi bị muỗi cắn. Tôi cảm nhận được sự ấm áp ngay từ khi chập chững bước vào môi trường mới này”.

Rồi những bỡ ngỡ, lạ lẫm ban đầu cũng qua đi. Linh đã trải qua gần 7 năm ở trọ, va chạm nhiều với cuộc sống khác nhau nên hòa nhập vào đội ngũ tân binh không khó khăn lắm. Linh tâm sự: “Chúng tôi được giáo dục về truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội và đơn vị; hiểu thêm về sự cần thiết và biện pháp xây dựng quân đội trong tình hình hiện nay, về tình đoàn kết quân - dân giai đoạn mới. Trong huấn luyện, đồng chí nào chưa hiểu, chưa làm đúng động tác đều được các anh chỉ huy hướng dẫn tận tình, chu đáo bằng cách làm mẫu. Nhìn chiếc áo đẫm mồ hôi, sự tận tâm với từng chiến sĩ của các anh làm cho chúng tôi phải có trách nhiệm và nỗ lực nhiều hơn. Vì vậy, những giờ tập luyện nắng gió trên thao trường cũng trở nên sinh động bởi tinh thần học tập hăng say, đầy nhiệt huyết của các chiến sĩ mới”.

Thượng úy Nguyễn Cao Trí, Chính trị viên Đại đội huấn luyện, Trung đoàn 114, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Từ ngày nhập ngũ, Linh là tấm gương tiêu biểu về chấp hành giờ giấc, thực hiện các chế độ, điều lệnh của quân đội và quy định của đơn vị. Tuy trình độ học vấn cao nhưng Linh không ỷ lại mà luôn cố gắng, không chỉ cho bản thân mà còn giúp đồng đội cùng tiến bộ. Trong giờ thảo luận chính trị, những vấn đề nào chưa hiểu, anh em hỏi thì Linh giải thích cặn kẽ. Chính vì vậy nên anh em rất tôn trọng và quý mến Linh. Qua kiểm tra thử môn ném lựu đạn xa trúng đích, đánh thuốc nổ và bắn súng AK bài 1, Linh đều đạt loại giỏi. Hiện nay, tiểu đội của Linh đang dẫn đầu phong trào thi đua trong 7 tiểu đội của đơn vị”.

Anh Trí kể, có chiến sĩ hỏi Linh sự khác nhau giữa “chủ nghĩa xã hội” và “xã hội chủ nghĩa”, tại sao lúc dùng cụm từ này lúc dùng cụm từ khác? Linh cho rằng: “chủ nghĩa xã hội” là một hệ thống lý luận về cách mạng xã hội của giai cấp vô sản (phân biệt với chủ nghĩa xã hội không tưởng của giai cấp tư bản) do Mác sáng lập và được Lênin tiếp tục phát triển, vận dụng sáng tạo. Còn “xã hội chủ nghĩa” là mô hình cụ thể như xã hội Việt Nam hiện nay đã và đang được xây dựng theo đường lối, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên cơ sở nguyên lý của chủ nghĩa xã hội Mác ấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã vận dụng sáng tạo tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia để tạo ra những sắc thái riêng của “chủ nghĩa xã hội” và “xã hội chủ nghĩa” theo từng quốc gia. Ví như trong Việt ngữ, hai từ “con lớn” và “lớn con” tưởng giống nhau nhưng hoàn toàn khác nhau”. Anh Trí nói thêm: “Cách giải thích của Linh vừa mang tính trừu tượng nhưng cũng rất cụ thể. Do trình độ của chiến sĩ mới không đồng đều nên vẫn có đồng chí chưa hiểu”.

Ngoài thời gian học tập, huấn luyện, Linh cùng đồng đội tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Nhưng Linh đam mê hơn cả là mỗi buổi chiều đơn vị tập trung tăng gia sản xuất. Bởi qua đó, Linh học được phương pháp cải tạo đất, cách trồng và chăm sóc rau xanh. Hơn thế nữa, đó cũng là thời gian thư giãn và tận hưởng thành quả do chính bàn tay của chiến sĩ làm ra, gầy dựng. Điều này càng làm cho Linh thêm yêu môi trường quân đội và tin sự chọn lựa con đường binh nghiệp của mình là đúng.

Mới đó đã 2 tháng trôi qua, Linh cùng đồng đội thật sự trưởng thành, có những suy nghĩ và hành động chín chắn hơn. Mỗi quân nhân biết ý thức trách nhiệm, biết yêu thương, chia sẻ với nhau trong học tập và rèn luyện. Linh biết con đường phía trước của mình còn dài nên cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt thành ước mơ của mình. Đó là được cống hiến và phục vụ lâu dài trong quân đội

HỒ KIÊN GIANG

Tin cùng chuyên mục