Đến nay đã 43 năm, kể từ ngày chàng trung úy Đình Văn đem lòng yêu cô thanh niên xung phong Ksor H’Manh (dân tộc Jơ Rai). Vùng đất đỏ Tây Nguyên như níu kéo đôi chân và đặc biệt là tình yêu ở vùng biên giới Ia Grai (Gia Lai) đã cuốn hút anh ở lại đến bây giờ… Một chuyện tình “Kinh - Jơ Rai” tuyệt đẹp bên dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Gác bút nghiên
Năm 1965, học xong cấp 3, Đình Văn, chàng trai trẻ ở thị xã Yên Bái (Yên Bái) xung phong đi bộ đội. Sau một năm được huấn luyện ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái, anh gia nhập Tiểu đoàn 1 trực thuộc Quân khu Việt Bắc. Đến cuối năm 1966, Đình Văn được tăng cường vào mặt trận Tây Nguyên.
Đoạn đường từ Việt Bắc vào Tây Nguyên đã để lại trong tâm trí người chiến sĩ trẻ ấy nhiều ấn tượng khó quên. Mưa rừng, cơm vắt, rừng rậm, suối sâu, sốt rét, bom đạn… rồi bao nhiêu anh em trong đơn vị nằm lại, tình thương yêu đồng đội đã làm anh nhiều đêm thức trắng, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm đen, hình ảnh đồng đội hy sinh cứ tái hiện, chập chờn. Nhưng cũng từ khổ cực và đạn bom của chiến tranh đã nâng bước chân anh từ một thanh niên mảnh khảnh, nhút nhát “theo chân mẹ” ngày nào, nay đã mạnh mẽ và ngày càng trưởng thành trong “đội hình chiến đấu”. Từ một binh nhì tò toe, bóp cò một lúc 5-7 viên đạn “liên thanh” bay ra khỏi nòng súng, Văn đã vươn lên “xạ tỉa” từng điểm một.
Lúc đầu đơn vị đóng quân và thường xuyên tập kích địch ở Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Glei… (Kon Tum). Sau đó, chiến tranh ác liệt hơn, kẻ thù ngày đêm ném bom, thả biệt kích, thám báo… phản công. Để bảo tồn lương thực, đạn dược, tránh bom, đơn vị anh (lúc đó gọi là Binh trạm) đã được lệnh chuyển sang hồ Lưu Thuận ở nước bạn Campuchia. Nhiệm vụ của đơn vị Đình Văn lúc đó chủ yếu là đánh địch tập kích và thám báo, giữ liên lạc và cung cấp trang bị, vũ khí, thực phẩm cho các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam. Chẳng nhớ bao nhiêu lần đánh nhau, bao nhiêu lần vào chết ra sống, nhưng trận phục kích địch nhảy dù ở khu vực hồ Lưu Thuận vào tháng 2-1969 thì Đình Văn không thể nào quên…
Ông Đình Văn và cháu nội trước căn nhà sàn của mình
Sáng hôm đó, đa số anh em trong Binh trạm đi tải gạo và đạn pháo, ở nhà chỉ còn lại 2 chiến sĩ. Bất ngờ máy bay Mỹ xuất hiện bay vòng quanh, bắn đạn vương vải, vòng tròn sau thấp hơn vòng trước, cây cối gió đánh quần quật. Bằng kinh nghiệm lính trận, Văn biết Mỹ sắp thả biệt kích, thám báo để dò la tin tức… Ngay lập tức, thiếu úy Đình Văn đã cùng với chiến sĩ còn lại vừa cột cây, che hầm, ngụy trang lán trại, vừa dựa vào những ụ mối, gốc cây to, tảng đá mồ côi ẩn nấp để chờ địch tới. Hơn 10 tên biệt kích hung hăng nhảy từ máy bay ra, nhưng đã bị 2 chiến sĩ nổ súng đánh úp. Lực lượng không cân sức, vũ khí lại càng mất cân đối, cứ bắn ở vị trí này, rồi nhảy qua vị trí khác. Nghe súng nổ, địch cứ tưởng gặp phải đại đội “307” nên sau gần 2 giờ quyết đấu, chúng vội vã lên máy bay, chở theo xác 3 tên tử trận…
Chiến tranh kéo dài, đơn vị anh hết đến rồi lại đi, từ Kon Tum, Gia Lai sang đất bạn Campuchia… Đầu năm 1975, gặp lại người bạn trên đường vào Nam chiến đấu, mừng vui ôm nhau trong nước mắt xúc động. Cũng từ đó anh mới biết rằng ở làng quê, lâu rồi gia đình anh không nhận được thông tin gì về anh. Tết năm nào mẹ anh cũng đem số quần áo, sách vở hồi còn đi học của anh ra lau chùi, gấp ủi… chờ ngày đứa con trở về trong niềm vui chiến thắng.
Chuyện sơn nữ H’Manh bắt chồng
Cho đến bây giờ, H’Manh ở làng Cúk, vùng biên giới Ia Grai (Gia Lai) cũng chẳng biết mình bao nhiêu tuổi, song cứ nhớ các mùa rẫy đi qua rồi nối tiếp, thì H’Manh lúc đó chắc cũng trên tuổi 20 khi gia nhập lực lượng thanh niên xung phong trên mặt trận Tây Nguyên. Phải nói H’Manh là sơn nữ đẹp người, đẹp nết, lại có duyên. Nhiều thanh niên trai làng và cả bao chàng lính trẻ gặp H’Manh đều cảm thấy bịn rịn lúc chia tay, nhưng cái bụng, cái tình của nữ TNXP Ksor H’Manh vẫn chưa bắt được ai để làm chồng. Nói như H’Manh, có lẽ duyên trời đã định, nên giữa năm 1972, khi gặp Văn lần đầu tiên trong Binh trạm là trái tim cô nữ TNXP như loạn nhịp. H’Manh đã đem lòng yêu thương và muốn “bắt” cán bộ Văn làm chồng. Đôi mắt cong đen của H’Manh lúc nào cũng hướng về Văn như cây rừng hàng ngày hướng về ánh nắng mặt trời vậy. Cứ gặp nhau là ngại ngùng và vụng về khó tả, bụng thì không muốn, nhưng chân lại bước đi né tránh, để đến khi đêm về trằn trọc hoài, tái hiện mãi hình bóng của người mình “ưng”. Nhận được “tín hiệu” của tình yêu nhưng lúc đầu thiếu úy Đình Văn sợ vi phạm kỷ luật quân đội thời chiến và đặc biệt hơn người đang yêu mình là “gái dân tộc thiểu số”. Nhưng rồi tình yêu đã vượt qua tất cả, họ đã thật sự đến với nhau khi có gần 200 dân làng cùng anh em trong đơn vị tổ chức đám cưới cho Trưởng Binh trạm Đình Văn và nữ TNXP Ksor H’Manh vào năm 1973.
Chiến trường nóng bỏng, đơn vị hết chuyển vị trí này đến vị trí khác, Trưởng Binh trạm Đình Văn đi liên tục nên vợ chồng ít được gặp nhau. Cuối năm 1973, chị H’Manh sinh cho anh một cậu con trai với cái tên rất ấn tượng Hòa Bình, với ước mơ đất nước mau hòa bình thống nhất để vợ chồng, con cái được ở bên nhau. Biết tin Văn mừng lắm, dù chưa gặp mặt con nhưng lúc nào anh cũng vui vẻ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã được phong quân hàm trung úy. Chiến tranh kết thúc, không nghĩ đến chuyện bổng lộc hay quan chức, không tính toán thiệt hơn, Văn xin xuất ngũ và khoác ba lô trở về với làng Cuk, về với vợ con như những người chiến thắng.
Một đêm, hai rồi ba đêm… khi con gà rừng cất tiếng gáy te te ở bãi bồi làng Cúk, tiếng con nước sông Pô Cô vẫn dội vào bờ êm ả, xa xa tiếng dông tố kéo theo những ánh chớp như xé tan màn đêm tĩnh lặng. Biết chồng mình nhiều đêm thao thức; cái bụng, cái đầu cũng căng ra như sợi dây cung trước cuộc sống… H’Manh khẽ gọi chồng trong đêm và nói nhỏ như sợ có ai đó nghe được: “Hết chiến tranh rồi, mọi người ai cũng trở về với gia đình, với quê hương, anh cũng nên về một chuyến, nếu còn thương em thì quay lại... Yêu anh nên em chịu được hết, anh đừng lo. Tiền em đã để dành trong ống lồ ô nhỏ treo gần nóc nhà đó, chắc cũng đủ để anh về quê…”.
Hiểu được tấm lòng của vợ, Văn nói trong xúc động: “Ngày mai anh sẽ về quê thăm lại bà con, rồi sẽ quay lại với em, với con và với người dân vùng đất biên giới này, nơi đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã cưu mang, đùm bọc, che chở, cứu sống anh và đặc biệt bây giờ có em và con bên cạnh, anh đã có tất cả…”.
Mới đó đã 41 năm đi qua, Đình Văn chậm rãi, xúc động nhớ về kỷ niệm sau ngày đất nước thống nhất.
Gặp chúng tôi vừa từ rẫy mì trở về, ông Ksor Luân - Già làng Cuk nói như khoe: “Thằng Văn chính thức về làm rể người Jơ Rai mình ở vùng đất biên giới này đã hơn 41 năm rồi. Vợ chồng nó rất hạnh phúc, là niềm ước mơ của bao cặp vợ chồng ở đây. Ngoài việc phát nương làm rẫy kiếm cái ăn nuôi sống gia đình, vợ chồng Đình Văn còn giúp và hướng dẫn bà con trong làng trồng lúa nước, chăm sóc thu hoạch cây cao su, cà phê… Văn không những là “đại biểu” của bộ đội Cụ Hồ gần dân để giúp dân, mà còn là sự đoàn kết của hai dân tộc Kinh - Jơ Rai”. Nói rồi già làng Cuk cười rất vui.
Ksor Hòa Bình (theo tục người Jơ Rai con sẽ mang họ mẹ) - con trai của vợ chồng H’Manh cũng là một trong những thanh niên đầu tiên ở vùng biên giới này tình nguyện vào bộ đội. Cũng như truyền thống gia đình, sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, Ksor Hòa Bình trở về với làng bản, bà con và vận động thanh niên lập nghiệp, vận động bỏ đi các hủ tục lạc hậu như “năm tui mí” (con chết theo mẹ - nếu không may trong khi sinh người mẹ chết thì dân làng sẽ chôn đứa nhỏ cùng với mẹ), “người chết chôn chung”… Chiều biên giới tím dần sau đỉnh núi xa và dòng Pô Cô, làng Cúk như “tắm” mình trong hơi lạnh. Tạm biệt vợ chồng cựu chiến binh và TNXP cùng ngôi nhà sàn nho nhỏ, tôi hẹn một ngày sẽ trở lại...
LÊ QUANG HỒI