Hạnh phúc ngọt ngào

Ở khu vực Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, có anh thương binh 1/4 Trần Thanh Tùng “tàn nhưng không phế”. Gần 30 năm qua, hai cánh tay trở thành “đôi chân” giúp anh di chuyển hàng ngày và cũng đôi tay ấy đã vun đắp, xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, một hạnh phúc bình dị, ngọt ngào…
Hạnh phúc ngọt ngào

Ở khu vực Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, có anh thương binh 1/4 Trần Thanh Tùng “tàn nhưng không phế”. Gần 30 năm qua, hai cánh tay trở thành “đôi chân” giúp anh di chuyển hàng ngày và cũng đôi tay ấy đã vun đắp, xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, một hạnh phúc bình dị, ngọt ngào…

1. Năm 1985, khi vừa tròn 18 tuổi, Trần Thanh Tùng đăng ký lên đường nhập ngũ. Mãn khóa huấn luyện, anh cùng đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Là lính công binh, anh cùng đồng đội đi xuyên rừng, vượt núi, xuôi ngược trên đất nước Chùa Tháp thu dọn bom mìn, trả lại sự yên lành để giúp nhân dân nước bạn khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Mùa khô năm 1986, trong lần mở đường ở gần biên giới Thái Lan, anh Tùng giẫm phải mìn của địch, đơn vị cấp tốc đưa anh về tuyến sau phẫu thuật cắt bỏ đôi chân gần đến bẹn. Sau 3 tháng điều trị, Trần Thanh Tùng trở về quê trên chiếc xe lăn với chứng nhận thương binh hạng 1/4, vĩnh viễn mất 95% sức lao động.

Những tưởng cuộc đời anh từ đây sẽ mãi gắn liền với chiếc xe lăn và tiền trợ cấp thương binh, nhưng giữa dòng người tất bật kiếm cái ăn cái mặc thời kỳ đầu đất nước đổi mới, anh gặp chị Nguyễn Thị Đức ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Cảm thông trước hoàn cảnh của người thương binh đã mất đôi chân vì nhiệm vụ quốc tế cao cả, chị Đức đem lòng yêu mến anh, rồi quyết định về làm vợ anh dù biết rằng vô vàn khó khăn, vất vả đang chờ phía trước. Năm đó, chị vừa tròn 18 tuổi. “Lúc đầu, bên nhà vợ biết chuyện cũng buồn, bởi lấy tôi sẽ thiệt thòi vô cùng. Hàng xóm cũng có người nói ra nói vào nhưng chúng tôi thương nhau thật tình nên sau đó gia đình hai bên mới tác hợp cho hai tôi thành đôi”, anh Tùng chia sẻ.

Sau ngày cưới nhau, không thể mãi để vợ hàng ngày chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, tắm giặt đến việc mưu sinh, anh Tùng bắt đầu tập đi. Anh di chuyển bằng cách đóng hai cái ghế con, anh đặt một ghế lên trước, sau đó dùng tay nâng cơ thể chuyển sang, tiếp đó chuyển cái ghế thứ hai lên trước… Cứ thế, anh dò dẫm, chậm chạp và nhọc nhằn đầy thử thách, kiên trì. Ban đầu khoảng cách ngắn, dần dần giãn dài hơn. Anh Tùng kể: “Lúc tập đi, tôi cứ nhấc người lên rồi té, nhiều lần cũng đau lắm nhưng phải ráng cố gắng. Bà xã cũng động viên và mỗi lần tôi tập đi thì cô ấy đứng phía sau, khi thấy tôi sắp ngã liền đỡ. Tập tành cũng cả năm tôi mới tự đi một mình”.

Sau khi anh chị có con trai đầu lòng, kinh tế gia đình càng thêm chật vật nên anh nói vợ mua lưới cho anh đi giăng trên sông Bằng Lăng. “Nhưng anh không có chân sao bơi?”, tôi hỏi. “Hễ xuống nước là đầu tôi chúi xuống nên vợ tôi phải ôm ngang lưng, còn tôi dùng tay tập bơi để giữ thăng bằng. Ban đầu gửi con ở nhà hàng xóm, hai vợ chồng đi thả lưới kiếm con cá đổi gạo. Sau mấy tháng tôi tự bơi, lặn được nên vợ mới yên tâm cho đi một mình”, anh Tùng tâm sự.

Nhiều năm qua, anh Tùng di chuyển gần nhà bằng hai chiếc ghế con

Cuộc sống của người dân vùng Phước Thới ngày đó còn nhiều khó khăn, với anh Tùng còn vất vả hơn bởi anh không có đất đai canh tác, nhất là khi con gái thứ hai chào đời. Chuyện cơm áo chỉ trông chờ vào công việc thả lưới, giăng câu, đặt lợp, bắt lươn, cào hến của anh và gánh rau cải chạy chợ mỗi ngày của vợ. Nhưng rồi tôm cá trên dòng Bằng Lăng ngày một cạn kiệt do có nhiều người dùng phương pháp đánh bắt như thể tận diệt và nước sông bị ô nhiễm bởi nước thải từ các khu công nghiệp. Vậy là anh Tùng đành từ giã dòng sông để tìm công việc khác.

2. Không còn mưu sinh trên sông Bằng Lăng, cũng không thể gánh vác những việc nặng nhọc nên anh cặm cụi bên mấy gốc tre sau nhà trong khoảnh vườn nhỏ hẹp. Anh chọn những cây tre già, thân cứng, đóng lồng cho bà con hàng xóm nhốt gà. Anh Tùng cho biết, mỗi lồng gà được trả công 50.000 đồng, nhưng ngày có ngày không. Giữa lúc thiếu trước hụt sau, thì vợ anh xin vào làm công nhân ở Khu công nghiệp Trà Nóc, thu nhập hàng tháng cũng được trên 1 triệu đồng. Những ngày chị đi làm, anh thay chị làm công việc nội trợ, lo cơm nước cho hai con đang tuổi ăn học. Vốn tính hay làm, anh nhận vá lưới chài cho người dân trong xóm, nhưng cá tôm không còn, họ bỏ nghề và anh lại… thất nghiệp. Không ngồi yên, anh chuyển sang nuôi gà, vịt quanh nhà; xẻ gỗ đóng bàn ghế; trồng vài gốc mai bán cho người chơi hoa kiểng; thậm chí anh còn leo bẻ dừa mướn. Hễ ai có yêu cầu anh đều nhận lời, miễn kiếm thêm được tiền để trang trải cuộc sống.

Có một ước mơ luôn ấp ủ khiến anh nhiều đêm trằn trọc nhưng không dám nói cho vợ con biết. Đó là anh muốn đưa đón con đến trường như những người cha ở cùng xóm, hoặc chở vợ đi chơi, đến chỗ này chỗ kia thăm bạn bè, bà con. Nhờ “trời thương” nên vào một ngày đẹp trời năm 2014, Tùng tình cờ gặp lại anh Hoàng Hải. “Tôi và Hải nhập ngũ cùng đơn vị. Biết hoàn cảnh của tôi, Hải đã nhờ cô em họ - đạo diễn, diễn viên điện ảnh Việt Trinh giúp đỡ. Chưa đầy một tháng sau, tôi nhận được chiếc xe gắn máy hai bánh cải tiến thành xe ba bánh, trị giá gần 20 triệu đồng của Việt Trinh gửi tặng. Tôi rất bất ngờ và xúc động…”, anh Tùng chia sẻ.

Để sử dụng chiếc xe, anh Tùng phải dùng hai chiếc ghế và cánh tay nâng người lên yên, sau đó đặt hai ghế trên phooc-ba-ga, sau đó đề máy. Giống như trước đây khi anh tập đi bằng ghế hay tập lội thả lưới trên sông, chị lại ở bên cạnh hỗ trợ do lo anh ngã bị xe đè. “Tôi lái xe còn vợ chạy bộ theo sau. Chú em tính đi, chạy bộ sao nhanh bằng xe được. Tôi biết mệt lắm nhưng vợ không than phiền gì hết, tối đến còn đấm lưng cho tôi...”, dứt lời, anh Tùng cười lớn. Nhưng trong mắt anh long lanh như có nước.

Từ khi có xe, mỗi ngày hai chuyến anh đưa đón con gái học lớp 11 đến trường, cách nhà chừng 7 cây số. Lần đầu tiên đưa con đi học, anh vừa chạy xe vừa khóc. Con hỏi: “Sao ba khóc?”. Anh nói tại bụi đường bay vô mắt. Nhưng anh biết rõ mình đang khóc thật sự. “Chú em nghĩ đi! Tôi làm ba mà con đến 17 tuổi mới lần đầu được đưa cháu đi học, thử hỏi…”, anh Tùng mỉm cười mà mắt ngân ngấn nước. Lát sau anh nói tiếp: “Tôi có đứa con trai đã lập gia đình, còn con gái phải cố gắng lo cho cháu năm nay thi vào đại học. Cháu thích ngành dược nhưng nghe nói học ngành này tốn kém lắm, nếu đậu, sợ kham không nổi”.

Giờ đây, mỗi sáng thức dậy anh đưa chị đi làm, luôn tiện ghé chợ mua ít thịt cá, rau cải về cho con dâu và hai đứa cháu nội. Rồi anh luyện cho hơn chục con cu cườm tập gáy để bán cho người chơi chim cảnh; kế đến chăm sóc đàn bồ câu Pháp, đàn gà mái, trồng vài bụi rau cải quanh nhà. Mới đây anh còn mua hai con thỏ về nuôi thử. “Lao động cho vui, vừa thêm thu nhập vừa có sức khỏe. Tôi làm lụng quen rồi, ở không chịu sao nổi”, anh Tùng mỉm cười hài lòng.

3. Tôi luôn nghĩ và tin rằng, được như ngày hôm nay là một hành trình đầy gian khổ nhưng không kém phần quyết liệt. Có lúc, anh tưởng chừng gục ngã nếu như không có vợ bên cạnh động viên, an ủi. “Nhiều khi tôi quên mình mất đôi chân, ngủ thức dậy bỏ hai chân xuống đất thì bật ngửa ra sau, đầu đập xuống giường bởi cơ thể không cân bằng. Bà xã biết vậy nên lúc nào cũng thức sớm để dìu đỡ tôi. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bị ngã phải lấy vai đỡ, giờ lớn tuổi nên mỗi khi trở gió là hai bên vai lại đau nhức”, anh Tùng chia sẻ.

Trong ý niệm mỗi người khi mang trong mình nghị lực và niềm tin, nếu chẳng may gánh chịu những thiệt thòi, thiếu thốn thì họ sẽ tìm cách vun xới, lấp đầy. Anh Tùng cũng vậy, sau khi mất đi đôi chân trên chiến trường, tương lai anh như những khoảng trống vô biên nên anh đã tìm cách khỏa lấp lại. Và anh đã được bù đắp bằng tình yêu chân thành của chị. Tình yêu đó tiếp thêm nghị lực cho anh vươn lên trong cuộc sống. Anh tâm sự: “Vợ tôi tuy không đẹp nhưng với tôi là đẹp toàn diện. Nếu không có vợ “cứu vớt”, giúp tôi thoát khỏi chán chường thì làm gì tôi có hạnh phúc như bây giờ! Mỗi ngày thấy con cháu lớn khôn, trưởng thành, tôi không mong ước gì hơn nữa”.

Cùng nhau trải qua những năm tháng cơ cực nên giờ đây anh chị rất hiểu rõ tấm chân tình của nhau, đó là sự trung thành với kỷ niệm, lòng chung thủy với ước mơ xưa: Anh mãi là cái đầu, đôi mắt/Em sẽ là đôi chân/Những đứa con là một ước mơ gần/Rất chăm ngoan và luôn học giỏi. Những câu da diết trong bài “Lời vợ người thương binh” của nhà thơ Quân Tấn gần như rất phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng, nỗi lòng và cả niềm hạnh phúc ngọt ngào từng ngày, tràn ngập trong ngôi nhà nhỏ bé của anh chị: Hơn hai mươi năm vật lộn với mưu sinh/Đôi cánh tay đưa anh qua thời giông tố/Dù bây giờ hai chân không còn nữa/Anh vẫn là người chồng yêu quý nhất đời em/Anh vẫn là người chiến sĩ của lòng em/ Em tự hào về anh/Con tự hào về anh/Người thương binh tàn nhưng không phế/Có vui không anh, chia cùng em một nửa/Như vui buồn, mặn ngọt đã từng chia.

HỒ KIÊN GIANG

Tin cùng chuyên mục