Giữa khuya, ký ức về những con người của ngôi làng ấy lại hiện về trong tôi như một sự thôi thúc, một nghĩa tình. Nhớ mãi hôm ấy, cũng một chiều nắng cháy, nắng Ninh Thuận không dịu dàng như Đà Lạt, không oi ả như nắng Lào miền Trung mà hầm hập rát bỏng đến sạm đen da người. Giữa sự khắc nghiệt ấy, những người Chăm ở làng An Nhơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) vật vã cứu giúp chiếc xe tải chở hàng chục tấn bắp vừa bị lật nhào trên quốc lộ. Hòa mình vào cuộc sống của ngôi làng này còn cho tôi cảm giác như một chiếc bao tải nghĩa tình khổng lồ, càng ngụp lặn vào càng vỡ ra thêm nhiều điều quý báu.
Năng động
Làng An Nhơn có gần 100% dân số là người Chăm nhưng nhà nào cũng xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ông Đạo Hai, một trong những người Chăm lớn tuổi ở làng, khoe: “Năm 2016 này, có bói cũng không ra một căn nhà tạm bợ nào nữa đâu. Người Chăm mình giờ đây xông xáo làm ăn lắm. Nhà nước hướng dẫn gì là thi nhau làm theo ngay. Ai cũng tự nhủ với lòng mình phải một lòng theo Đảng, Nhà nước. Thế rồi, từ những quyết sách đúng, các cánh đồng lúa bạt ngàn, những trang trại chăn nuôi bò, cừu được dựng lên, xen vào đó là những ruộng nho. Cứ thế, chẳng mấy chốc cuộc sống nơi đây khá lên”. Ông Hai cũng cho biết: Cả thôn có hơn 100 gia đình người Chăm và nhà nào cũng đạt chuẩn văn hóa hết. Có lần, người con của ông Hai vì ham vui không nghe theo cán bộ xã đi tập huấn cách chăn nuôi cừu theo kỹ thuật mới, ông Hai đã tự phạt mình đứng giữa trời nắng suốt hai giờ vì “không biết dạy con”. Con ông thấy vậy, về sau chỉ chuyên tâm làm ăn.
Đường sá, nhà cửa ở làng An Nhơn không thua gì ở thị trấn
Nhớ lại 10 năm trước tôi đến An Nhơn thì cái đói nghèo còn đeo bám đầy ám ảnh. Vì vậy, những thành tựu bây giờ là sự kết hợp của các chính sách nhà nước và từng người Chăm đã biết hiện thực hóa khát vọng của mình bằng cách chăm chỉ làm việc và không ngừng có những sáng tạo riêng. Nông dân Đạo Huy Tuấn cho biết: Không chỉ nuôi cừu đơn thuần mà tôi còn kết hợp mô hình nuôi dê lai lấy thịt vì địa hình vùng đất Ninh Thuận này rất thích hợp để nuôi dê. Vậy là từ nghèo khó, giờ tôi đã vươn lên khá giả rồi. Trong làng Chăm này còn nhiều người như mình lắm.
Là người Chăm chính hiệu của làng, anh Pân Ta hồi tưởng: “Cách đây 8 năm, tôi được cử đi học, xong về đây làm cán bộ. Với tuổi trẻ năng động và hừng hực khí thế muốn đổi thay quê hương mình, trong đầu tôi lúc nào cũng nung nấu một ý định làm cuộc cách mạng tư duy. Những mô hình trồng bo bo cao sản, nuôi cừu theo khoa học kỹ thuật, theo mô hình trang trại được tôi ráo riết triển khai và đem lại kết quả đầy khả quan. Hiệu quả ấy đã xua tan nỗi lo âu, lấn cấn của đồng bào Chăm trong làng. Thế là ai cũng lao vào lao động, sản xuất, quyết tâm chiến thắng cái nghèo”.
Không chỉ xông xáo làm ăn, ở An Nhơn còn có nghề bốc thuốc nam. Cũng như nhiều bài thuốc gia truyền của các dân tộc khác, các bài thuốc và cách bốc thuốc của người Chăm ở làng An Nhơn cũng lắm công phu. Đến nay có hơn 20 lương y trong làng thông thạo các loại thuốc, nhưng họ đều có chung một nguyên tắc là không tiết lộ ra bên ngoài, kể cả người quen ở xa tới, vì nếu ai tiết lộ sẽ bị trưởng làng tước quyền bốc thuốc. Bởi nếu lộ ra thì cây thuốc quý sẽ có nguy cơ bị tận diệt, không còn để cứu giúp người khác nữa. Họ còn lập lời thề phải cứu người bằng cái tâm. Theo các lương y người Chăm, những cây thuốc mọc trong các hẻm đá thường có chất lượng cao hơn mọc ngoài đất thịt. Bởi vậy, công phu đi tìm cây thuốc cũng gian nan hơn. Khi sắc và bào chế thuốc cũng có nhiều bí quyết riêng. Lương y Đạo Huy Trung thổ lộ: “Cũng có người Kinh từ nơi xa đến học cách sắc thuốc ở làng thuốc gia truyền này, chúng tôi chỉ bảo cho họ một ít phương pháp, ấy thế nhưng khi về họ tự bào chế thì lại không có công hiệu hoặc hiệu quả giảm đi rất nhiều. Hiện ở Phú Yên, Bình Định cũng có các loại cây thuốc này nhưng không có được chất dược liệu quý như cây ở núi Cà Đú và Bác Ái của Ninh Thuận.
Tình nghĩa hơn cả bạc vàng
Đã nhiều lần ngồi trò chuyện với nhau, lương y Đạo Thị Nữ vẫn nhắc đi nhắc lại với tôi một câu nói “Tình nghĩa là hơn tất cả”. Lương y Nữ giải thích: “Người Chăm mình không chỉ ở làng này mà ở hầu hết làng khác, khi thấy có người hoạn nạn luôn sẵn sàng cứu chữa ngay. Dẫu trải qua bao thăng trầm, có lúc làng chìm trong khó khăn, mất mùa, thiên tai địch họa, ấy thế nhưng không có một người nào nảy sinh ý đồ xấu là đi trộm cắp hay làm việc phi pháp. Tôi nhớ cách đây hơn một tháng, chưa đến mùa gặt, lúa trong bồ nhà ai cũng cạn. Vậy mà nhiều lần thấy xe tải bị lật bên cạnh làng, các bao đựng gạo lăn ra đầy đường nhưng không một người nào hôi của. Nếp sống đầy hơi ấm tình người như một mạch nước trong lành ngấm sâu vào tiềm thức của mỗi người dân làng”.
Rồi nữa, mỗi khi ai đó đau ốm, hoạn nạn hoặc nhà nào có chuyện như cưới hỏi, đám tang, họ lại tìm đến nhau bằng sự sẻ chia, trợ giúp mà chẳng hề có một toan tính gì. Lặng lẽ hồi lâu, chỉ tay về phía đường quốc lộ, chị Nữ tâm tình tiếp: “Ngoài đường ấy từng xảy ra nhiều vụ thanh niên nơi khác kéo đến đánh nhau rồi. Cuộc sống vốn có nhiều cám dỗ, nhất là tuổi trẻ thường khó tránh khỏi lúc này hay lúc khác sa ngã. Nhưng chuyện đó xa lạ với người dân ở làng này. Từ thuở lọt lòng, đám trẻ chúng tôi đã được những người lớn tuổi trong làng dạy cách thương yêu, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau rồi”.
Cũng như những lương y khác trong làng, mới ngoài 40 tuổi nhưng lương y Đạo Thị Nữ không nhớ nổi bàn chân mình đã đi qua bao nhiêu bản nghèo để giúp bà con cách uống thuốc, cách đi lên rừng tìm cây thuốc. “Trên núi Cà Đú cũng như núi Bác Ái này có rất nhiều loại cây thuốc quý mà đôi khi mình không biết. Chúng tôi đi bán thuốc nếu thấy bệnh không giảm hoặc không ngăn chặn được thì không bao giờ dám lấy tiền. Có lấy cũng lấy tiền công thôi chứ không phải mục đích kinh doanh làm giàu”, chị Nữ tâm sự. Kéo tôi xuống kho chứa thuốc của gia đình mình, chị Nữ bảo hiện có đầy đủ các loại thuốc chữa bệnh viêm gan, loét dạ dày, u tá tràng… Thuốc được xắt ra thành lát và phơi khô, hiện chỉ bán với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg. Người nghèo khó được tặng thuốc điều trị miễn phí. Hôm chúng tôi đến làng An Nhơn, hàng chục bệnh nhân khác mang theo con gà, vài gói bánh đến cảm ơn những lương y như chị Nữ vì đã được cho thuốc chữa khỏi bệnh. Món quà không nặng về vật chất ấy cũng được chia đều ra như sự san sẻ niềm vui vậy.
Chị Nữ cười tươi kể thêm một kỷ niệm nhỏ trong hàng ngàn lần đi bốc thuốc cứu người, rằng: Cuối năm 2015, có 3 ngư dân nghèo ở tận làng chài Ninh Chữ không có nổi 100.000 đồng đi mua thuốc giảm đau. Biết số điện thoại của chị Nữ, các ngư dân này gọi đến cầu cứu. Giữa cơn mưa dông dữ dội và đang lên cơn sốt 380C, chị Nữ vẫn gọi thêm 2 lương y khác trong làng cùng mình đội mưa gió mang thuốc đến cứu người. 3 ngư dân bị viêm đại tràng và sau 10 ngày được các thầy lang làng Chăm nhiệt tình chăm sóc nên hết bệnh, không ai lấy tiền công hay tiền thuốc của các ngư dân này. Sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhưng tất thảy mọi người trong làng An Nhơn đều một lòng thành kính với rừng, với thiên nhiên. Họ tâm niệm, nếu làm cho môi trường ô nhiễm cũng là cái tội. Vậy nên hầu như trong làng lúc nào cũng tinh tươm, sạch sẽ.
Tạo dựng thương hiệu làng thuốc Chăm
Theo UBND xã Ninh Hải, dân làng người Chăm ở An Nhơn không chỉ tích cực xây dựng nông thôn mới để vươn lên làm giàu về kinh tế, mà về văn hóa, các điệu múa, lời hát đặc trưng của người Chăm cũng được họ giữ gìn như máu thịt của mình. Tình nghĩa và quyết tâm vươn lên ở đó luôn thường trực trong mỗi gia đình. Chính quyền địa phương cũng hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện để An Nhơn nhanh chóng được công nhận là thương hiệu làng nghề thuốc nam truyền thống. Khi làng thuốc này có thương hiệu, bà con chẳng cần đi xa mà người ta sẽ tìm đến. Cũng theo UBND xã Ninh Hải, vài năm trở lại đây, dự án về bảo tồn cây thuốc, bảo tồn nghề thuốc của người Chăm đang được thúc đẩy ráo riết. Nếu dự án thành công, đây sẽ là mô hình trình diễn bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc nam truyền thống của người Chăm Ninh Thuận.
Lương y Đạo Thị Nữ cùng chồng (bên phải) bốc thuốc cho người bệnh từ nơi xa tìm đến
Chị Đạo Thị Nữ và nhiều lương y khác còn bộc bạch những lời từ đáy lòng mình, rằng: Người Chăm đối đãi với khách không bao giờ tô vẽ thêm mà bằng chính thứ tình cảm đôn hậu, chân chất lắm. Cố gắng xây dựng thương hiệu làng thuốc Chăm để mọi người tìm đến bốc thuốc và xin thuốc nhiều hơn.
Chia tay An Nhơn khi chiều kéo Mặt trời xuống chân núi Cà Đú. Những ánh đèn điện bật lên. Những ngôi làng người Chăm khác dọc mảnh đất Ninh Thuận - Bình Thuận, nơi tôi đã từng đi qua lại hiện về như một cuốn phim quay chậm đầy cảm xúc. Ngôi làng nào cũng đậm nghĩa tình, cháy bỏng khát vọng như làng An Nhơn vậy!
HÀ VĂN ĐẠO