“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” - tinh thần đó ngàn đời nay đã tạo nên nét văn hóa của con người Việt Nam. Và nét văn hóa đó càng được vun đắp bởi những con người thầm lặng như ông Lê Đình Bộ (ảnh) ở thôn Yên Phú (xã Văn Phú, Thường Tín, Hà Nội) khi ông đã hiến đất nhà mình cho người hàng xóm khuyết tật.
Xung phong ra trận
Theo lời giới thiệu của Trưởng thôn Yên Phú Nguyễn Văn Thành, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Lê Đình Bộ ở xóm 6, thôn Yên Phú. Ra đón chúng tôi là một người đàn ông dáng cao, nét mặt phúc hậu và nụ cười thân thiện, không ai nghĩ rằng người đàn ông đó năm nay đã sắp lên chức kỵ.
Ông Bộ năm nay đã bước sang tuổi 85, có gần 60 năm tuổi Đảng, 13 năm là Bí thư Đảng ủy xã Văn Phú, 10 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam và với ông không có khái niệm nghỉ ngơi khi hàng ngày vẫn miệt mài đạp xe tới khắp mọi nhà trong xã để vận động bà con xây dựng nông thôn mới.
Ông Bộ nhớ lại tuổi thơ của mình bằng những mẩu chuyện nhỏ, đó là những lần ông trốn lính Pháp khi trai làng bị ép đi lính tay sai cho chúng. Có lần ông bị lính Pháp nhốt giam, đánh đập tàn bạo để buộc ông cầm súng đàn áp người dân nhưng ông vẫn nhất quyết không gia nhập hàng ngũ lính lê dương. Năm 1954, sau khi miền Bắc giải phóng, ông được kết nạp vào Đảng và hăng hái hoạt động cách mạng; đến năm 1957, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Văn Phú. “Tôi làm Bí thư đến năm 1965 thì hay tin Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, phát động chiến tranh cục bộ, tuy là cán bộ được miễn nhập ngũ để lo công tác Đảng ở địa phương nhưng tôi vẫn xung phong vào quân đội để tham gia chiến đấu”, ông Bộ hào hùng kể lại. Lúc nhập ngũ, ông Bộ đã có vợ và 8 người con, nhưng vì đất nước và cũng vì tương lai các con, ông không ngại vào chiến trường miền Nam khói lửa. Ông Bộ nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, mình được miễn đi bộ đội đâu phải sướng, mà được mặc quân phục và vào Nam đánh giặc mới là vinh quang, hãnh diện mấy chú ạ”.
Với tinh thần bất khuất đó, ông Bộ đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba. Tấm huân chương ấy giờ đã phai màu nhưng vẫn được ông treo trang trọng giữa nhà như để lưu giữ những ngày đẹp nhất của cuộc đời, cũng như giáo dục con cháu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xuất ngũ năm 1975, ông Bộ trở về quê hương và tiếp tục được cấp ủy và nhân dân tin tưởng giao trọng trách làm Bí thư Đảng ủy xã Văn Phú. Với kinh nghiệm cũng như bản lĩnh của người bộ đội Cụ Hồ, ông Bộ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. đến năm 1980, ông chuyển sang công tác ở Mặt trận Tổ quốc xã Văn Phú cho đến lúc nghỉ hưu. Tưởng chừng cuộc sống về già sẽ được hưởng thụ an nhàn khi quây quần bên con cháu, nhưng cũng chính từ đó, ông nhận ra sự khó nhọc, vất vả của gia đình người hàng xóm có vợ khuyết tật và ông đã động lòng trắc ẩn rồi đi đến quyết định cắt 40m2 đất nhà mình cho nhà hàng xóm. Quyết định này được cho là dứt khoát nhất của đời ông.
Tiếc chi ít đất
Ông Bộ nhớ lại buổi chiều hôm đó, khi ông đang đọc sách trong phòng thì bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc dữ dội ở gần nhà. Bất giác, ông chạy ra sân và cố gắng nghe xem tiếng trẻ con khóc thất thanh từ đâu và nhận ra cháu Hùng (3 tuổi), con chị Nguyễn Thị Nhịp hàng xóm nhà ông đang khóc trên giường trong khi chị Nhịp không có ở nhà. Điều đáng nói là cháu Hùng khóc vì khói từ dưới bếp nhà chị Nhịp bay lên làm cháu khó thở.
Ông Bộ vội vượt qua hàng rào sơ sài giữa nhà ông và nhà chị Nhịp và chạy vào nhà bế cháu Hùng ra ngoài sân. Nhà chị Nhịp có 60m2 đất ở, lại còn cả chuồng lợn và bếp nữa nên chật hẹp, chị Nhịp bị khuyết tật từ nhỏ, đi lại phải dùng nạng, chồng chị đi làm ăn xa nên ít khi về nhà. Thương gia cảnh ba mẹ con chị vất vả và nhất là sau sự việc cháu Hùng suýt chết ngạt trong nhà, ông Bộ đã suy nghĩ rất kỹ trước khi đi đến quyết định cắt đất nhà mình cho chị Nhịp xây bếp ra ngoài.
Thật ra, mảnh đất nhà ông Bộ cũng không rộng rãi gì, đó lại là mảnh đất mà ông và vợ tích góp mãi mới mua được, nay có ý định cho bớt người ngoài nên ông phải bàn với vợ rất kỹ. Ông Bộ nhớ lại những ngày trong quân ngũ, một mình vợ ông trông nuôi 8 người con để ông yên tâm chiến đấu, quay về với thời bình, ông là một Bí thư liêm khiết, chỉ ăn cơm chính quyền cấp, không mảy may lợi lộc gì, những của cải lớn trong nhà phần nhiều do vợ tảo tần tích lũy.
Khi ông Bộ đề xuất việc cắt đất cho nhà chị Nhịp, ban đầu bà không đồng ý và bảo rằng: “Bây giờ ông có làm Bí thư nữa đâu, làm việc tốt đó thì ai ghi nhận cho ông”. Nghe lời bà phân trần, ông Bộ cũng rất đắn đo, ông thương bà một đời vất vả vì chồng vì con nhưng cũng thương hoàn cảnh chị Nhịp tập tễnh bế hai đứa con lo ăn từng bữa.
Thấy ông cứ trằn trọc, bà biết ngay ông đang rất khó nghĩ. Là một cựu Bí thư, cựu chiến binh, tính tình của ông bà không còn lạ nhưng mảnh đất nhà bà cũng chỉ ngót nghét 200m2 mà ông bà có tới 3 người con trai. Rồi bà chủ động nhắc lại việc cắt đất: “Có phải ông đang giận tôi không? Tôi cũng muốn cắt cho nhà chị Nhịp một ít lắm nhưng còn mấy đứa con của mình thì sao? Chia đất ra, chúng ở cũng sẽ rất chật chội”. Ông Bộ dường như cũng thấu hiểu nỗi lòng của bà, nên càng quyết tâm lay động lòng nhân ái trong trái tim bà. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, tuy nhà ta không rộng nhưng cũng đủ ở, hàng xóm láng giềng sống với nhau cả đời không nên tiếc bà ạ!”, ông tiếp tục thuyết phục. Ban đầu, bà đề nghị “bán rẻ” để lấy một ít tiền gọi là cho có nhưng ông phân trần “tặng là tặng, còn bán là bán, việc tặng có ý nghĩa vô giá, chứ bán lấy tiền lại làm mất tấm lòng của tôi và bà”.
Thế là suốt buổi tối hôm đó, ông đã thuyết phục được bà tặng cho nhà hàng xóm 40m2 đất và hỗ trợ chị Nhịp xây bếp ở mảnh đất đó. “Lúc đó, tôi vui lắm, cuối cùng thì bà nhà cũng hiểu. Thế là ngay hôm sau tôi sang bàn với chị Nhịp chuyện xây bếp”, ông Bộ hào hứng kể lại.
Tình làng nghĩa xóm
Từ khi được ông Bộ cắt đất cho để xây bếp mới, tránh xa phòng ngủ của gia đình, chị Nhịp rất vui và xúc động. Cái bếp nhỏ xinh nhưng chứa tình làng nghĩa xóm lớn lao của vợ chồng ông Bộ. “Bác Bộ là người tốt, biết tôi khó khăn, hai bác bên đó có gì đều mang sang cho mẹ con tôi. Chỗ đất kia bác cho nhà tôi, tôi chỉ biết đáp lại bằng sự biết ơn thôi chú ạ!”, chị Nhịp trầm ngâm tâm sự. Ngắm quanh gian bếp sạch sẽ của nhà chị Nhịp, chúng tôi hình dung được tấm lòng vì dân của ông cựu Bí thư.
Ngoài việc làm nghĩa cử trên, hàng ngày ông Bộ vẫn đạp xe quanh xã để vận động bà con xây dựng nông thôn mới. Từ những việc như vận động hiến đất mở đường, cải thiện hệ thống tưới tiêu, trường, trạm… ông Bộ đều tham gia với vai trò “tuyên truyền viên”. Cũng vì thế ông được Hội Nông dân TP Hà Nội tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đoàn kết - Đổi mới - Năng động - Sáng tạo xây dựng nông thôn mới, xây dựng hội vững mạnh” năm 2015.
Ông Nguyễn Đức Giang, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Văn Phú, khẳng định: “Ông Bộ là cựu Bí thư gương mẫu, liêm khiết, cả cuộc đời đã cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, nay về hưu nhưng vẫn phát huy được những đức tính kiên trung, giản dị, tình cảm của người cộng sản chân chính. Việc ông hiến đất cho gia đình chị Nhịp là một nghĩa cử đẹp, thể hiện triết lý tương thân tương ái của dân tộc ta”.
Tạm biệt ông khi trời đã đứng bóng. Tặng chúng tôi cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, ông Bộ nói: “Tác phẩm này tóm tắt phần nào cuộc đời của Bác Hồ, chú mang về đọc hữu ích lắm đấy”. Cầm trên tay cuốn sách, chúng tôi càng thêm kính trọng ông, cả một đời vì Đảng, vì dân, vì lý tưởng của Bác Hồ mà không quản ngại bất cứ khó khăn gì, sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.
NGUYỄN VĂN CÔNG