Nhớ dòng sông, con người quê hương tôi

Là người con của đồng bào dân tộc Êđê, sinh ra và lớn lên ở vùng đất núi Sông Hinh (Phú Yên), Y Điêng đã đi theo tiếng gọi cách mạng từ nhỏ, suốt đời cống hiến cho đất nước. Khi về hưu, ông hướng dẫn cộng đồng ở các buôn làng thoát dần khỏi những hủ tục lạc hậu.
Nhớ dòng sông, con người quê hương tôi

Là người con của đồng bào dân tộc Êđê, sinh ra và lớn lên ở vùng đất núi Sông Hinh (Phú Yên), Y Điêng đã đi theo tiếng gọi cách mạng từ nhỏ, suốt đời cống hiến cho đất nước. Khi về hưu, ông hướng dẫn cộng đồng ở các buôn làng thoát dần khỏi những hủ tục lạc hậu.

Giã biệt núi rừng đi làm cách mạng

Một ngày cuối tháng 4-2016, tôi vượt đường xa hơn 7km từ TP Tuy Hòa (Phú Yên) lên huyện miền núi Sông Hinh tìm đến nhà riêng của nhà văn lão thành cách mạng Y Điêng. Đầu hè, thời tiết vùng cao còn mát mẻ nhưng sức khỏe của Y Điêng không được như trước vì ông vừa mổ mắt ở TPHCM trở về. Y Điêng không chịu tiếp khách ở căn nhà bê tông nền lát gạch hoa mà đưa chúng tôi lên căn nhà sàn ông làm bằng gỗ trước sân để trò chuyện. Từ căn nhà truyền thống của đồng bào mình, ông bắt đầu kể và cho chúng tôi xem những tập sách ông viết về bản thân, về chính vùng đất và người dân tộc mình.

Nhà văn Y Điêng và những công trình văn học do ông góp sức làm nên

Y Điêng tên đầy đủ là Y Điêng Kpăhôji, sinh năm 1928 ở buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh (Phú Yên). Thời đó, Y Điêng sớm được học và biết chữ. Tháng 8-1945 tròn 17 tuổi, ông được phân công làm thư ký Xã bộ Việt Minh ở xã Ca Bin (Đắk Lắk). Năm 1947, ông thoát ly gia đình tham gia cách mạng; rồi từ năm 1948 đến năm 1952, ông lần lượt dạy học, nhập ngũ làm cán bộ an ninh tỉnh Đắk Lắk. Đến năm 1953, Y Điêng tập kết ra Bắc và được cử đi học tại một trường đào tạo cán bộ công an ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc,

Y Điêng tham gia đoàn quân về tiếp quản thủ đô Hà Nội rồi sau đó công tác tại Trường Dân tộc miền Nam. Đến năm 1958, ông chuyển sang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách phát thanh tiếng các dân tộc Tây Nguyên. Tháng 10-1963, ông được chuyển lên Khu tự trị Tây Bắc, công tác tại Đài Phát thanh khu. Tháng 9-1964, Y Điêng trở lại chiến trường Tây Nguyên - Khu 5 và miền Đông Nam bộ, công tác tại cơ quan dân tộc của Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và làm thư ký riêng cho cụ Y Bi Alêô, Phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Theo bản thảo cuốn hồi ký Kể chuyện đời tôi theo thời gian (phần Thời thơ ấu và năm tháng làm cách mạng), Y Điêng dành nhiều trang viết về những ngày tháng ông rời quê hương ra miền Bắc tập kết, được học tập và làm việc; niềm vui nhiều và nỗi khổ cũng không ít. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là lần đi cùng cụ Y Bi Alêô ra Bắc và được gặp Bác Hồ vào tháng 3-1969. Theo Y Điêng, chuyến đi này là một “hành trình ngược” để đảm bảo thông tin bí mật, an toàn. Đó là vào khoảng tháng 6-1969, Khu ủy Khu 5 sẽ tổ chức Đại hội Quốc dân thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cử cụ Y Bi Alêô làm trưởng đoàn đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số tham dự. Đoàn bí mật có hai người, gồm cụ Y Bi Alêô và thư ký Y Điêng ngược ra Bắc, sau đó một thời gian, cấp trên sẽ đưa hai ông vào Tây Ninh dự đại hội như kế hoạch đề ra. Ra Bắc lần này, Y Điêng được gặp và trò chuyện với đồng chí Phạm Văn Đồng và Bác Hồ. Khác với hơn 10 năm trước ở đất Bắc, Y Điêng chỉ nhìn thấy Bác, còn lần này được Bác trò chuyện, hỏi thăm, động viên nhiều việc. Điều này đã được ông ghi chép lại rất kỹ trong cuốn hồi ký Kể chuyện đời tôi theo thời gian.

Duyên nợ với văn chương

Dù hiện nay trí nhớ không còn minh mẫn như trước đây vài năm nhưng khi hỏi điều gì thôi thúc ông trở thành nhà văn thì Y Điêng cho biết có lẽ do duyên nợ, nhất là từ khi tham gia làm báo, được cử đi học lớp bồi dưỡng viết văn khóa 1 ở Quảng Bá (Hà Nội) và sau đó viết các tác phẩm Ông già T’Rao, Em chờ bộ đội Bác Hồ, Drai Hlinh đi về phía sáng khi công tác tại Đài Phát thanh khu. Sau khởi điểm này, Y Điêng bắt đầu nghiệp cầm bút, được nhiều người đọc biết đến. Khi vào chiến trường miền Nam và sau ngày đất nước thống nhất, ông vẫn say mê viết. Y Điêng nổi tiếng với các tác phẩm: Chuyện bên bờ sông Hinh (tiểu thuyết 2 tập); Drai Hlinh đi về phía sáng (truyện ngắn); Hờ Giang (truyện dài); Sông Hinh, con sông quê hương (ký); Lửa trong tay chúng tôi (truyện ngắn); Trung đội người Ba Na (tiểu thuyết)…

Hàng ngàn trang viết của Y Điêng tập trung về những con người và vùng đất bên bờ Sông Hinh phía Đông dãy Trường Sơn rộng lớn. Chính vì vậy, trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, ông tâm sự: “Trong quá trình sáng tác văn học, tôi luôn nghĩ về con sông, con người của quê hương tôi. Sông núi đẹp, con người hiền hòa, bảo vệ quê hương. Dân tộc mình chính mình biết và chính mình viết mới đúng sự thật”. Nhân vật trong sáng tác của Y Điêng là hình tượng những con người Tây Nguyên nhân hậu, đảm đang, thủy chung và nghĩa tình như chính đất rừng Tây Nguyên. Bức tranh hiện thực đó hiện lên sinh động, đậm bản sắc văn hóa và giàu giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc. Ở đó có những con người anh hùng, những con người bé nhỏ bất hạnh và cả những nhân vật phản diện, tiêu cực.

Mấy mươi năm cầm bút, số lượng tác phẩm không ít, đã từng nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 với các tác phẩm Hơ Giang và Chuyện bên bờ sông Hinh nhưng ông kỷ niệm nhất là khi đoạt giải thưởng truyện ngắn của Báo Thống Nhất với tác phẩm Em chờ bộ đội Bác Hồ từ lúc còn ở miền Bắc. Y Điêng nhớ lại: “Lúc đó nghe tin mình được giải, tôi không ngờ đó là sự thật. Phần thưởng này giá trị không lớn nhưng cao quý và tạo động lực thúc đẩy tôi mỗi khi ngồi vào bàn viết”.

Giữ hồn văn hóa dân tộc

Còn nhớ tháng 12-2015, khi về TP Tuy Hòa dự Đại hội Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên lần thứ 5, Y Điêng còn khỏe mạnh. Vậy mà cuối tháng 4-2016, trông nhà văn đã yếu nhiều. Ông chỉ lên vách nhà: “Đó, tôi vừa đi Hà Nội nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình Ngữ văn dân gian vì đã tham gia giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc do đồng chí Trương Tấn Sang (khi đó là Chủ tịch nước) ký”. Niềm vui của ông ánh lên trên khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn và đôi mắt đã mờ làm chúng tôi cảm phục.

Trong căn nhà sàn này, ông treo nhiều giấy khen, bằng khen và trưng bày những viên đá có nhiều hình thù kỳ lạ, đẹp mắt do ông tự sưu tầm và cất giữ như những kỷ vật thiêng liêng gắn ông với núi rừng, quê hương. Mỗi viên đá được ông chăm chút cẩn thận và đặt tên từ những địa danh nổi tiếng của quê hương. Nhiều hơn hết vẫn là sách. Ngoài các đầu sách do ông sáng tác, còn lại là những công trình, tuyển tập văn học dân gian ông tham gia dịch, biên soạn. Cuốn nào cũng dày từ vài trăm trang đến mấy ngàn trang. Khi chứng kiến những đầu sách này, chúng tôi mới biết Y Điêng có cả một quá trình sáng tác, nghiên cứu, làm việc nghiêm túc, bền bỉ. Và chính lúc này, trong tôi nảy ra một câu hỏi với chính mình: Tại sao mình không giới thiệu một học viên, một đồng nghiệp nào đó chọn sáng tác của Y Điêng làm đối tượng nghiên cứu cho đề tài cao học nhỉ? Xứng đáng quá chứ! Ấp ủ đó, tôi nguyện với lòng mình sẽ làm được, nếu có điều kiện.

Y Điêng được xem là người giữ hồn văn hóa Êđê không phải chỉ viết văn, dịch sử thi sang tiếng Việt mà ông còn là thầy giáo đầu tiên dạy tiếng Êđê cho nhiều thế hệ cán bộ các ban ngành từ xã đến tỉnh. Nhờ việc này mà nhiều cán bộ biết tiếng Êđê để gần dân, ngược lại dân hiểu và tin cán bộ. Ngoài ra, ông còn là một biên tập viên đặc biệt của Đài Truyền thanh huyện Sông Hinh. Việc làm này xuất phát từ cái tâm của người con núi rừng; ông đề nghị lãnh đạo đài xây dựng chuyên mục phát thanh tiếng Êđê và ông đảm nhiệm công việc đó không công với lý do: “Vùng đất này người Êđê nhiều, nếu phát tiếng Việt thì bà con ít tiếp thu được chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì thế cần phải phát tiếng Êđê mới tuyên truyền vận động và dân mới hiểu được vấn đề”. Ông còn là người đào tạo phát thanh viên và biên dịch viên cho Đài Phát thanh tỉnh Phú Yên mở chương trình phát thanh tiếng ÊĐê.

Sau ngày đất nước thống nhất, Y Điêng làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Đắk Lắk 6 năm rồi về làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Phú Khánh (cũ). Khi về hưu, ông rời thành phố biển Nha Trang trở lại buôn làng bên bờ sông Hinh. Về quê, ông tiếp tục sáng tác và bắt tay vào dịch trường ca Tây Nguyên từ tiếng Êđê sang tiếng Việt. Các trường ca như: Xing Nhã, Đăm Di, Khinh Dú, Y Ban, Y Brao, H’Bia Mlin và truyện cổ tích dân tộc Êđê lần lượt được xuất bản và đến tay người đọc. Trong tủ sách của ông, mấy chục tập sách Kho tàng sử thi Tây Nguyên, Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, mỗi cuốn dày vài ngàn trang và hàng loạt bản thảo do ông viết tay rồi nhờ người đánh máy nhưng chưa in, được chất chồng tầng tầng lớp lớp.

Đến nay, Y Điêng đã bước sang tuổi 89. Tuổi cao, sức khỏe suy giảm nhưng ông vẫn ngày đêm miệt mài làm việc. Công việc chính của ông vẫn là dịch sử thi và viết văn trên căn nhà sàn của mình. Nhìn những chồng bản thảo chưa kịp in và nghe những lời tâm huyết tận đáy lòng của ông với dân làng, tôi mới thấu được tấm lòng của ông luôn hướng về những điều mới mẻ tốt đẹp cho dân tộc mình. Một điều nhà văn tha thiết muốn nhắc nhở đến thế hệ con cháu mai sau là làm sao tiếp cận được những điều văn minh tiến bộ và bảo lưu được giá trị văn hóa của dân tộc mình. Những điều này, Y Điêng cũng đã đề cập trong nhiều bài viết và những đầu sách chờ in. Mong rằng, ước mơ của ông sớm trở thành hiện thực.

ĐÀO TẤN TRỰC

 Mời bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ: Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; hoặc gửi qua địa chỉ email: cuocthiphongsukysu@sggp.org.vn. Tác giả dự thi ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016: “Ấn tượng đất nước -  con người Việt Nam”, cùng địa chỉ cư ngụ, số điện thoại liên lạc.  Bài gửi dự thi chưa đăng trên bất kỳ ấn phẩm nào hoặc đã phổ biến qua mạng. Ban tổ chức không hoàn trả bản thảo tác phẩm dự thi. Thể lệ cuộc thi đăng tại địa chỉ www.sggp.org.vn.
Nhớ dòng sông, con người quê hương tôi ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục