Lập facebook để giúp học trò nghèo

Bao năm qua, hình ảnh ông giáo già với mái tóc bạc phơ và nụ cười hiền hậu đã khắc sâu trong lòng nhiều thế hệ học trò và người dân huyện miền núi Định Quán (Đồng Nai). Dù đã bước qua tuổi 76, nhưng ông giáo già Nguyễn Tiến Minh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Định Quán, vẫn hàng ngày trên chiếc xe máy cũ băng suối lội rừng làm công tác khuyến học.
Lập facebook để giúp học trò nghèo

Bao năm qua, hình ảnh ông giáo già với mái tóc bạc phơ và nụ cười hiền hậu đã khắc sâu trong lòng nhiều thế hệ học trò và người dân huyện miền núi Định Quán (Đồng Nai). Dù đã bước qua tuổi 76, nhưng ông giáo già Nguyễn Tiến Minh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Định Quán, vẫn hàng ngày trên chiếc xe máy cũ băng suối lội rừng làm công tác khuyến học.

Duyên nợ với nghề giáo

Sinh năm 1941 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, mãi đến năm 11 tuổi (1952), Nguyễn Tiến Minh mới được đến trường. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai trẻ Tiến Minh gia nhập lực lượng thanh niên xung phong tại địa phương rồi tình nguyện đi B. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tháng 10-1975, anh xuất ngũ, trở về quê hương. Nhớ lại thời tuổi trẻ phải đi học trễ, rồi việc học dở dang do thời cuộc, anh ôm ấp ước mơ đến trường, trở thành thầy giáo. Tháng 6-1976, anh thi đỗ vào khoa Sử Trường Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1980, khi đã gần 40 tuổi anh ra trường và bắt đầu nghề dạy học. Bấy giờ miền Trung đang rất khó khăn. Gia đình nghèo, làm không đủ nuôi vợ con nên anh xin chuyển vào Nam công tác. Cơ duyên đưa anh đến với Trường THPT Tân Phú (thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Anh dạy môn Sử tại đây và gắn bó liên tục với mái trường này suốt hơn 20 năm. “Vào thời điểm đó, ở tuổi 36 không dễ gì thi đại học được. Tuy nhiên, tôi đã phấn đấu hết mình để có thể bước chân vào trong giảng đường đại học”, thầy Minh tâm sự.

Thầy Nguyễn Tiến Minh đang tìm tư liệu cho học trò

Trường THPT Tân Phú được thành lập vào năm 1976. Suốt gần 10 năm đầu, phòng học chỉ là những mái nhà tranh vách nứa nằm tại xã Gia Canh. Học trò vừa đi học vừa cùng các thầy đi rừng cưa gỗ, chặt nứa về tu sửa lớp học. Không ít lần, ngay trước kỳ thi tốt nghiệp, học trò còn phải đốn gỗ, cắt lá tranh để dựng lại trường vì bị những cơn dông làm hư hỏng. Là người sống ở nông thôn và từng làm nông, đi rừng nên thầy Minh luôn dẫn đầu nhóm học trò của mình vào rừng, cùng học trò sửa chữa trường lớp. Bởi vậy, nhiều thế hệ học trò đã xem thầy như người anh, người cha gần gũi của mình. Trong những năm đầu, vào ngày nghỉ, thầy thường vào các khu nương rẫy làm thuê, khi thì làm cỏ, trỉa đậu, bẻ bắp... kể cả nghề mộc để kiếm thêm thu nhập. Vất vả như thế nên thầy rất thông cảm và sống chan hòa với học trò của mình, nhất là các học trò nghèo. Thầy sẵn lòng cho nhiều học trò ở nhờ nhà mình hoặc giúp đỡ để họ học tập tốt hơn.

Suốt hơn 20 năm dạy Sử, thầy không quan trọng việc bắt học trò phải thuộc lòng các sự kiện, nhân vật mà cơ bản là phải hiểu được từ sự kiện, nhân vật đó, bản thân người học phải rút ra được điều gì và có học được điều đó hay không. Tuy sống gần gũi với học trò nhưng thầy rất nghiêm khắc trong việc giảng dạy để giúp học trò có ý thức học tập tốt hơn.

Nhiều năm thầy làm Bí thư chi bộ nhà trường và tham gia đào tạo hàng ngàn học sinh, lần lượt nhiều thế hệ học trò của thầy tiếp tục về dạy ở Trường THPT Tân Phú, khiến trường được mệnh danh là “tứ đại đồng đường”. Thầy đã góp phần tích cực vào thành tích Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của Trường THPT Tân Phú (năm 2001) - một trong những ngôi trường đầu tiên của phía Nam được tặng danh hiệu cao quý này.

Gầy dựng phong trào khuyến học

Tháng 9-2001, sau khi về hưu, thầy Minh chuyển sang công tác tại Hội Khuyến học huyện Định Quán. Năm 2002, thầy cùng với các thành viên khác của hội đi làm công tác vận động thành lập hội khuyến học ở các xã, thị trấn. Thế nhưng, ở thời điểm đó, khi cuộc sống của người dân miền núi còn nhiều khó khăn, chạy cơm ăn từng bữa đã khó, nói chi đến phong trào khuyến học nên thầy Minh và đồng nghiệp gặp phải nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, thầy còn bị nhiều gia đình và hàng xóm phản đối vì “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Khó khăn là thế, nhưng thương học trò miền núi, nhận thức được tầm quan trọng của vai trò khuyến học, nên ông giáo già không nản lòng, vẫn miệt mài đến từng xóm, ấp, các ban ngành vận động. Và phải đến năm 2004, thầy mới mãn nguyện khi thành lập xong tổ chức hội khuyến học ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện.

Năm 2005, thầy Minh được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học huyện Định Quán. Kể từ đó đến nay, thầy là người gắn bó nhất với công tác khuyến học ở huyện này. Không quản ngại xa xôi, vất vả, thầy luôn là người trực tiếp đến tận nhà các học trò nghèo để tìm hiểu hoàn cảnh sống của từng em nhằm tìm cách giúp đỡ thiết thực và hiệu quả nhất.  Với uy tín của mình, thầy Minh có điều kiện thuận lợi để vận động cho hội. Chẳng hạn như ở xã Túc Trưng, thầy động viên cơ quan UBND xã “Mỗi tuần một ngày không uống cà phê”, ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện là “Mỗi tháng tiết kiệm 2.000 đồng” để tiếp sức cho các sinh viên khó khăn; tham mưu UBND huyện phát động phong trào nuôi heo đất “Vì Trường Sa thân yêu”… Đặc biệt là “Bếp cơm” khuyến học cho học sinh trong huyện.

Dù là giáo viên thuộc thế hệ “máy tính, internet chỉ là thứ xa xỉ” nhưng để phục vụ tốt công tác khuyến học, thầy Minh quyết tâm tự học sử dụng vi tính để soạn thảo văn bản cho Hội, cũng như viết báo tuyên truyền về các gia đình hiếu học... Thầy Minh tâm sự: “Hồi đó, mình dạy học trò, giờ nghỉ hưu thì học lại kiến thức vi tính từ các học trò của mình. Việc nào cũng chú tâm thì mới có kết quả và niềm vui”. Thầy còn vận dụng mạng xã hội như facebook cá nhân trở thành kênh thông tin khuyến học hiệu quả. Thầy Minh thường xuyên đưa những thông tin về trường hợp các học sinh nghèo cần được giúp đỡ lên facebook. Thông qua đó, bạn bè, học trò cũ và các mạnh thường quân đã đồng hành cùng thầy để giúp cho nhiều học trò nghèo có nguy cơ bỏ học, được tiếp tục đến trường.

Ngoài ra, thầy Minh còn thường xuyên liên hệ, cung cấp thông tin về các trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cho các báo, đài. Từ sự lên tiếng của các cơ quan truyền thông, con đường học hành của nhiều học trò nghèo đã được nối dài. Như trường hợp em Nguyễn Thị Thùy Dương (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) được thầy vận động các mạnh thường quân tặng nhiều suất học bổng và xây được nhà tình thương cho gia đình em, hay như trường hợp em Huỳnh Văn Hùng (Trường THPT Định Quán) tránh được nguy cơ bỏ học vì nhà quá nghèo.

Hạnh phúc khi học trò thành đạt

Những nỗ lực trong công tác khuyến học đã mang lại cho thầy Minh nhiều thành tựu. Với thầy Minh, đó không phải là những bằng khen, giấy khen hay những lời tán thưởng của mọi người mà chính là sự thành đạt của học trò. Trong số những học sinh nghèo được thầy giúp đỡ, hiện nhiều người đã ra trường, có công việc làm ổn định; cũng có người đang tiếp tục con đường chinh phục tri thức mà thành tích học tập của họ rất đáng nể phục, trong đó có hai học trò Lê Minh Cường và Nguyễn Chính Thụy. Minh Cường hiện đang là sinh viên  Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Gia cảnh nghèo đến nỗi Cường phải đi bắt chim để lấy tiền trang trải việc học. Lên cấp 3, Cường có nguy cơ phải bỏ học vì nhà quá xa trường. Khi gặp thầy Minh, Cường chỉ dám ước mong được cho một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, những gì em nhận được còn hơn thế nữa, đó là một “học bổng toàn phần” trị giá 180 triệu đồng. Cường được Trường Tư thục liên cấp Quốc Văn (TPHCM) tài trợ toàn bộ chi phí ăn, ở, học tập tại trường trong 3 năm cấp THPT. Nhờ đó, em trở thành thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT ở TPHCM và thủ khoa của Trường Đại học Sư phạm. Còn trò Nguyễn Chính Thụy cũng là học sinh nghèo được thầy Minh xin cho suất học bổng tại Trường Tư thục liên cấp Quốc Văn. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia vừa qua, Thụy đoạt giải nhì môn Lý. Sau đó, Thụy đã được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi môn Vật lý quốc tế và đang chờ kết quả.

Sau khi xin được các suất học bổng, thầy còn thường xuyên liên lạc để nắm bắt tình hình học tập, sinh hoạt và động viên để các em không xao nhãng việc học hành. Mỗi dịp nghỉ học, thầy cũng là người thân chinh lên TPHCM để đón các em về thăm gia đình. Vì quá tâm huyết với công tác khuyến học nên dù sức khỏe hiện nay không được tốt như xưa nhưng thầy vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, đến những vùng sâu, xa nhất của huyện để tìm hiểu thực tế về hoàn cảnh của học trò. Hiện nay, ngoài thời gian công tác tại Hội Khuyến học huyện Định Quán, thầy Minh còn là một “lão nông tri điền” với nghề “tay trái” là nuôi heo và làm vườn. Cuộc sống tuy còn bộn bề khó khăn nhưng thành quả của những thế hệ học trò chính là niềm vui khôn tả của ông giáo già có mái tóc bạc phơ và nụ cười đôn hậu.

THÁI KHUÊ 

Tin cùng chuyên mục