Diện mạo mới ở vùng đất “dữ”

Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã được 41 năm. Quê hương thay đổi từng ngày, có những vùng quê hằn bao nỗi đau binh lửa cũng đã hoàn toàn thay da đổi thịt, mọi lĩnh vực từng bước phát triển đi lên. Trong đó có một vùng ven ở phía Tây Bắc TPHCM.
Diện mạo mới ở vùng đất “dữ”

Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã được 41 năm. Quê hương thay đổi từng ngày, có những vùng quê hằn bao nỗi đau binh lửa cũng đã hoàn toàn thay da đổi thịt, mọi lĩnh vực từng bước phát triển đi lên. Trong đó có một vùng ven ở phía Tây Bắc TPHCM.

Công viên Phần mềm Quang Trung ngày nay

Đất dữ năm xưa

Trước năm 1975, bất cứ người dân bình thường nào khi đi ngang qua đoạn xa lộ Đại Hàn (bây giờ là quốc lộ 1A hay còn gọi đường Xuyên Á thuộc quận 12), từ cầu vượt Tân Thới Hiệp đến ngã 4 An Sương rồi xuôi theo quốc lộ 22 lên ngã 4 Trung Chánh (Hóc Môn), đều phải e dè, lo ngại bởi trùng trùng doanh trại quân sự, đầy rẫy súng đạn và binh lính. Nơi đó có Trung tâm 3 tuyển mộ - nhập ngũ (TT3TM-NN) và Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, một trong những nơi đào tạo tân binh đa binh chủng quy mô nhất của quân đội Sài Gòn. Trước năm 1953, nơi đây thuộc vùng Quán Tre, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Năm 1953, người Pháp đã xây dựng tại đây một trung tâm huấn luyện quân sự cho các tân binh người Việt lấy tên Trung tâm Huấn luyện Quán Tre. Sau này, chế độ Ngô Đình Diệm đổi tên thành Trung tâm Huấn luyện Quang Trung (TTHLQT).

Theo tài liệu lịch sử truyền thống huyện Hóc Môn, cuộc đấu tranh giữa nhân dân ta và địch ở khu vực TTHLQT vào những năm 1957-1959 diễn ra ác liệt, nhiều ông cụ bà lão quyết giữ đất của tổ tiên không chịu dời nhà, đã dùng đến dao mác, gậy đá để chống trả việc lập doanh trại. Cuối cùng do nhân dân nhiều lần đấu tranh lên tới cấp chính quyền trung ương ở Sài Gòn nên tốc độ xây dựng có chựng lại, nhưng đến đầu thập niên 1960 thì khu trại huấn luyện này cũng hoàn thành, gồm 12 trại huấn luyện với nhiều tên gọi khác nhau (Trung tâm 3 tuyển mộ - nhập ngũ; trại Quang Trung, Mỹ Huề, Tây Sơn, Lê Lợi, Võ Tánh, Bùi Khư Duệ, Bạch Đằng, Nguyễn Tri Phương, Châu Văn Tiếp, Trần Quốc Toản, Vương Mộng Hồng), trong đó nổi tiếng nhất là trại Vương Mộng Hồng chuyên đào tạo lính dù, biệt kích - đơn vị tổng trù bị khét tiếng lúc bấy giờ. Mỗi trại có từ 6 - 14 tiểu đoàn tân binh, ngoài ra còn có cả tiểu đoàn bộ binh vũ trang phòng vệ túc trực và thường xuyên được tăng cường bởi một tiểu đoàn an ninh thuộc Bộ Tổng tham mưu và một số lực lượng an ninh đặc biệt trực thuộc Ty An ninh Gia Định.

Vào thời điểm ác liệt nhất của “mùa hè đỏ lửa”  năm 1972 - 1973, tân binh và lính thuộc các quân binh chủng khác ở TTHLQT tăng đến gần 20.000 người. Trong suốt cuộc chiến chống Mỹ, lò đào tạo này đã cung cấp gần cả triệu lính phục vụ cho bộ máy chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai.

TT3TM-NN và TTHLQT chiếm trọn phạm vi rộng lớn, bao gồm địa bàn các phường Trung Mỹ Tây, Tân Chánh Hiệp, Tân Thới Hiệp, Hiệp Thành, Thới An...  của quận 12 bây giờ. Những bậc lão niên sống gần TTHLQT vẫn còn nhớ như in trận đánh của đội nữ Biệt động 67A vào nơi này ngày 15-2-1967 nhằm tiêu diệt sinh lực địch - nơi cung ứng đội quân tổng trù bị sừng sỏ của địch. Trận đánh này có 3 nữ chiến sĩ là Nguyễn Thị Sáu (Sáu Lan), Nguyễn Thị Ơi và Nguyễn Thị Vân làm chỉ huy. Trận đánh diễn ra vào lúc 15 giờ, thời điểm bọn lính được nghỉ ngơi giữa giờ thao luyện, tụ tập nơi có bóng mát quanh cây bã đậu, cách tổ của các nữ Biệt động 67A đặt mìn khoảng 20m, khoảng cách khi mìn nổ sẽ có mức sát thương cao nhất. Đúng giờ hẹn, quả mìn được kích hoạt nổ, tiêu diệt tại chỗ 80 tên và bị thương nhiều tên; bọn địch còn sống sót hoảng loạn giẫm đạp lên nhau tháo chạy mong thoát thân vì sợ còn quả mìn thứ hai nổ tiếp. Số lính này thuộc tiểu đoàn dù khoảng 200 tên, gồm hạ sĩ quan và binh lính người Nùng.

Khu vực Bệnh viện Quận 12 khi xưa là thao trường huấn luyện binh sĩ của chế độ cũ

Những đổi thay hôm nay

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, vùng đất này vẫn là khu quân sự do Trung đoàn Gia Định đóng giữ và quản lý đến tận năm 1985. Lúc đó, lãnh đạo TPHCM là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng bí thư) đã ra quyết định tách một phần diện tích cũ của TTHLQT để xây dựng thành Khu Hội chợ Triển lãm Quang Trung theo mô hình các trung tâm hội chợ chuyên nghiệp của nước ngoài. Đây cũng là trung tâm hội chợ chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Hiện nay dinh lũy huấn luyện tân binh của quân đội Sài Gòn đã không còn vết tích, toàn bộ khu TT3TM-NN ngày xưa hôm nay đã trở thành những khu phố sầm uất.

Con đường xẻ đôi khu TTHLQT dày đặc hàng rào dây thép gai, công sự, lô cốt ngày nào, bây giờ mang tên vị tướng lừng danh Tô Ký. Dọc theo con đường này hiện giờ đã khoác lên mình chiếc áo mới với hàng chục trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… biểu thị cho sức sống của tuổi trẻ thành phố không ngừng vươn lên, hàng loạt khu phố lầu kiến trúc hiện đại cũng đã mọc lên từ nền của các trại lính ngày xưa. Một phần của TTHLQT thuộc các trại Lê Lợi, Vương Mộng Hồng… đối diện quốc lộ 1A hiện nay là Công viên Phần mềm Quang Trung (CVPMQT) với diện tích 430.000m2, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, nơi làm việc và học tập của hàng ngàn trí thức trẻ thành phố.

CVPMQT là khu công nghiệp tập trung chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT) cách trung tâm thành phố hơn 15km, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2001. Trước đó, vào tháng 12-1999, trong một buổi làm việc với Hội Tin học TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Trương Tấn Sang khi đó đã nêu ý kiến chuyển đổi Khu Hội chợ Triển lãm Quang Trung (đã xuống cấp) thành một công viên phần mềm. Một năm sau, ngày 7-7-2000, UBND TPHCM đã ký quyết định thành lập CVPMQT sau khi tham quan một số mô hình khu công viên phần mềm thành công của một số nước như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan…

Đất lành chim đậu

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc CVPMQT cho biết: “Từ nguồn ngân sách khoảng 210 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và với trên dưới 20 doanh nghiệp ban đầu, đến nay CVPMQT đã thu hút hơn 119 doanh nghiệp sản xuất phần mềm, dịch vụ CNTT vào hoạt động. Trong giai đoạn 2001 - 2015, CVPMQT đã thu hút đầu tư được 8.160 tỷ đồng, doanh số của các doanh nghiệp ở trong năm 2015 đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 200 lần so với năm 2001. Trong số này có 10 doanh nghiệp nằm trong danh sách 50 công ty hàng đầu Việt Nam, 4 doanh nghiệp hàng đầu thế giới như HP, IBM (Hoa Kỳ). KDDI, Hitachi (Nhật Bản)… Đây cũng là nơi đào tạo nhân lực cho các ngành mũi nhọn của thành phố và cả nước”. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chọn CVPMQT làm nơi an cư lạc nghiệp, hiện có đến 18.260 người làm việc và học tập tại đây, trong đó có 7.700 kỹ sư CNTT. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã xây dựng và cung cấp hơn 140 sản phẩm dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu được xuất khẩu đến trên 20 quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập CVPMQT và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng, ban lãnh đạo ở đây đã công bố một số dự án, chương trình trọng điểm sẽ thực hiện trong  những năm kế tiếp, như: hoàn thiện môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp, an toàn và hướng đến việc mở rộng quy mô hoạt động, thu hút thêm các nhà đầu tư mới vào ngành mũi nhọn này. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thí điểm thành lập chuỗi CVPMQT. Theo đó, chuỗi CVPMQT là tổ chức liên kết giữa CVPMQT và Khu Công nghệ phần mềm (Đại học Quốc gia TPHCM) nhằm kế thừa, phát huy thương hiệu CVPMQT, tạo hạ tầng đồng bộ, nâng cao năng lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh ngành công nghiệp - CNTT.

Tân Chánh Hiệp (TCH) là một trong 2 phường (cùng Trung Mỹ Tây) trước đây nằm gọn trong vòng đai thép gai của TTHLQT. Hiện nay, TCH là địa phương phát triển đô thị hóa nhanh nhất ở quận 12. Phường có diện tích 422ha với gần 15.000 hộ dân và trên 65.000 nhân khẩu. Trên địa bàn TCH có 432 công ty, đơn vị (trong đó có CVPMQT) và 1.200 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ. Có 5 trường phổ thông, trên 30 nhóm - trường mầm non và các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp…

Nhiều người dân ở vùng đất không yên bình khi xưa, nay không giấu được niềm hân hoan phấn khởi: “Quận 12 thật sự trở thành vùng “đất lành chim đậu” thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư từ các nơi tìm đến. Chính họ đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế địa phương theo định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Đảng bộ và chính quyền quận đề ra”.

Vùng ven phía Tây Bắc TPHCM có những địa danh đã in đậm trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ngoài địa danh “Đất thép - Thành đồng” với địa đạo Củ Chi vang danh khắp thế giới, còn phải kể đến quê hương “18 Thôn vườn trầu” Bà Điểm - Hóc Môn, rồi Chiến khu An Phú Đông - Vườn Cau Đỏ của quận 12. Tách ra từ huyện Hóc Môn vào ngày 1-4-1977, quận 12 đã hoàn toàn thay đổi và hòa nhập với tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước. Ấn tượng nhất của người dân nơi đây và cả những người xa quê lâu năm là sự đổi thay đến không ngờ ở một vùng đất dữ 41 năm về trước.

TRỊNH HẢI

Tin cùng chuyên mục