Người “tát biển Đông”

Người ta thường nói: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Điều này rất đúng đối với trường hợp của vợ chồng ông Phạm Tấn Phúc và bà Nguyễn Thị Xuân Dung ở thôn Ninh Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Người “tát biển Đông”

Người ta thường nói: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Điều này rất đúng đối với trường hợp của vợ chồng ông Phạm Tấn Phúc và bà Nguyễn Thị Xuân Dung ở thôn Ninh Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Dù cuộc sống của vợ chồng ông không mấy đủ đầy nhưng vì thấy dân nghèo thôn bên cạnh không có đường đi thuận tiện, ông Phúc về mượn tiền của vợ để làm đường. Và rồi sau đó, ông trở thành “con nợ đáng yêu” của vợ mình.

Góp sức cùng chính quyền

Câu chuyện về ông Phúc (51 tuổi) mượn tiền của vợ để làm đường giao thông nông thôn cho người dân đi lại đã diễn ra đã hơn 1 năm, nhưng khi nhắc lại ai cũng nể phục, cảm động. Không phải nơi chôn nhau cắt rốn nhưng vùng đất mới Nam Tây Nguyên cứ như hằn sâu và gắn bó với tâm trí của ông, đặc biệt là hình ảnh những phận đời cơ cực nơi đây. Chính vì vậy, dù bản thân và gia đình sống tại thôn Ninh Hòa nhưng thấy người dân thôn Đăng Srôn, xã Ninh Gia phải đi trên con đường quá mức gian khổ nên ông chủ động xin ý kiến của UBND xã để vận động nhân dân đóng góp làm đường. Được chính quyền xã “bật đèn xanh”, ông Phúc thành lập tổ vận động đóng góp tiền làm đường. Nói thế nhưng khi vận động lại gặp khó khăn chất chồng vì ở thôn Đăng Srôn có tỷ lệ gần 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế của nhân dân còn nghèo khó nên qua mấy tháng chỉ vận động được 10 triệu đồng, trong khi đơn vị thi công đòi ứng trước 50 triệu đồng. “Với hy vọng được sự đóng góp thêm lần nữa từ người dân địa phương, tôi tiếp tục vận động nhưng lần này kết quả chỉ là con số không vì chưa đến mùa thu hoạch nên bà con cũng chẳng lấy đâu ra tiền để đóng”, ông Phúc kể lại câu chuyện với vẻ trầm buồn.

Con đường thôn Đăng Srôn hoàn thành tạo sự thuận lợi cho người dân đi lại

Trở thành con nợ của… vợ

Gần như không còn cách nào khác, để có tiền làm đường, ông Phúc đành phải nghĩ đến cách mượn tiền của vợ mình để ứng trước cho đơn vị thi công 50 triệu đồng - số tiền không phải nhỏ nhưng ông Phúc làm liều thuyết phục và cả năn nỉ vợ. Khi nghe chuyện này, bà Nguyễn Thị Xuân Dung (vợ ông Phúc) một mực không chấp nhận vì tiền không có sẵn; hơn nữa, biết khi nào mới đòi được nợ của… chồng. Lần thứ hai ông nhắc lại bà cũng chẳng xiêu lòng. Phải đến lần thứ ba, ông nói với vợ bằng tất cả tâm huyết: “Mình à! Làm đường vì lợi ích chung chứ đâu phải tôi mang tiền đi chơi bời gì đâu. Nếu giờ không làm thì đến bao giờ hàng xóm láng giềng mới có đường đi thuận tiện, sạch sẽ”. Trước lời chân thành của chồng, bà Dung nghe xuôi tai và bằng lòng bỏ tiền túi cũng như đi mượn thêm của người thân để đưa cho ông đủ số tiền 50 triệu đồng. Có được số tiền này, ông Phúc đã mời đơn vị thi công triển khai làm đường.

Tuy nhiên, sau thi công lại phát sinh vấn đề khác là lấy đất, đá ở đâu, phương tiện nào để vận chuyển? Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra thì vận may lại đến với ông Phúc và tổ công tác khi có người trong xã cần múc đất làm chòi cà phê nên ông lập tức xin số đất đá đó chở về đổ mặt bằng cho con đường. Suốt thời gian làm đường, ông Phúc giao toàn bộ việc nhà cho vợ quán xuyến, còn bản thân ông bám trụ với nhà thi công. Hàng ngày, ông cũng xắn tay cào rãnh, móc mương thoát nước, đặt ống bi, lao động cật lực với mục tiêu hoàn thành sớm con đường chừng nào hay chừng đó. Có lúc vừa làm đường nhưng khi nghe có người từ TP Đà Lạt hỗ trợ tiền thi công, ông lập tức lên nhận ngay để kịp chi cho các khoản chi khác. Hàng trăm ngày công với bao mồ hôi, công sức đổ xuống, qua gần 2 tháng thi công, khi con đường cấp phối sắp hoàn thành, lại một lần nữa ông Phúc đau đầu với chuyện tiền nong vì các khoản phát sinh. Chẳng đặng đừng, ông lại nghĩ đến vợ - một “chủ nợ”, bà Dung một lần nữa trăn trở, ngần ngại với đề nghị của chồng nhưng rồi bà cũng đồng ý cho chồng mượn thêm 70 triệu đồng để trả tiền nhân công và nhiều khoản khác. “Chẳng biết có thu hồi được số tiền không, nhưng trước việc làm ý nghĩa và thiện ý của ông xã nên tôi cố gắng xoay xở cho chồng mượn tiền để làm nốt những việc còn lại”, bà Dung chia sẻ. Cuối cùng con đường dài 3,5km với tổng kinh phí hơn 180 triệu đồng qua thôn Đăng Srôn cũng hoàn thành và ông Phúc nghiễm nhiên trở thành “con nợ” của vợ mình.

Giá trị của sự đồng thuận

Con đường thôn Đăng Srôn hoàn thành như chở theo bao nhiêu khát vọng của người dân vì cảnh sình lầy, ổ gà, bụi bặm lùi vào quá khứ, thay vào đó là niềm vui xen lẫn sự tin yêu đối với ông Phạm Tấn Phúc. “Dân làng nơi đây ai cũng mừng, có đường mới bà con vui lắm. Nhờ ông Phúc mà dân thôn tôi được đi trên đường mới”, bà Phạm Thị Dương ở thôn Đăng Srôn, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, phấn khởi cho biết. Người dân thôn Đăng Srôn vui một thì ông Phúc vui mười. Ông vui không chỉ vì ước mơ giúp dân thành sự thật, mà còn vì ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã chuyển biến tích cực. Nhận thức được tầm quan trọng của con đường sau khi được đưa vào sử dụng, bà con thôn Đăng Srôn sau mùa thu hoạch đã tự nguyện đóng góp thêm tiền làm đường cho ông Phúc. Tuy nhiên, đối với những gia đình còn quá khó khăn, ông Phúc không lấy tiền của họ. Vì vậy đến nay, ông Phúc vẫn còn nợ vợ 20 triệu đồng.

Chuyện của ông Phúc mượn tiền của vợ làm đường giao thông nông thôn vẫn còn nguyên giá trị về sự đồng thuận giữa “của chồng, công vợ”. Điều này cho thấy, dù công việc có khó khăn đến mấy nhưng nếu thuận vợ, thuận chồng thì tát biển Đông cũng cạn và ông Phúc chính là người “tát biển Đông” ở xã Ninh Gia.

Ông Lê Lưu Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, cho biết: “Việc làm của ông Phạm Tấn Phúc trong thời gian qua được chính quyền xã cảm ơn và đánh giá rất cao. Ông Phúc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cựu chiến binh đối với công tác xây dựng đường giao thông nông thôn tại địa phương, góp công lớn trong việc xây dựng nông thôn mới. Con đường hoàn thành tạo thuận lợi cho người dân thôn Đăng Srôn đi lại và phát triển kinh tế”.

ĐÔNG HÀ

Tin cùng chuyên mục