“Biển Việt Nam dài và rộng lắm
Vóc dáng, hình hài từ sóng khắc thành tên”
(Huỳnh Thúy Kiều)
Tôi lớn lên ở vùng quê nghèo tỉnh Quảng Trị, nơi cũng có những bờ biển đẹp như Cửa Tùng một thời được mệnh danh “Nữ hoàng bãi tắm”, rồi biển Cửa Việt, biển Mỹ Thủy. Thuở nhỏ tôi được bố mẹ thưởng cho một chuyến về miền biển chơi vì có thành tích một năm học chăm chỉ. Lần đầu tới biển, tôi thích thú nô đùa theo những đợt sóng tung bọt trắng xóa, xây những lâu đài trên cát, rồi hòa mình vào dòng nước trong xanh.
Cửa ngõ quốc gia
Nước biển tung vào mắt tôi cay xè và tôi nếm những giọt nước biển mặn chát. Tôi ngu ngơ hỏi: “Mẹ ơi nước biển sao mặn thế?”. Mẹ trả lời một cách vô tư: “Nước biển thì phải mặn”. Đúng rồi chính cái mặn mòi của biển quê đã ru lớn tâm hồn tôi, nuôi dưỡng tình yêu với biển trong tôi lúc nào không biết nữa - như tình yêu đôi lứa. Và tôi ước mình là biển để mỗi lần “Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ” (1) .
Tôi yêu biển quê mình vì biển đối với tôi như hơi thở cuộc sống. Biển cho tôi niềm tự hào sâu sắc về biển đảo quê hương, một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt, trong đó có tôi. Bởi biển đảo có vị trí quân sự vô cùng quan trọng, là mặt tiền, là sân trước, cửa ngõ quốc gia như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển”.
Theo dòng lịch sử, biển Việt Nam đã ban tặng cho dân tộc Việt những bờ biển dài, đẹp thu hút khách du lịch và nhiều thế mạnh kinh tế khác đem lại nguồn lợi cho quốc gia. Yêu biển, tôi yêu sự ồn ào của những phiên chợ sáng, cảnh thuyền về tấp nập, hương vị của biển và những sân phơi cá trải rộng. Những ngày hè, biển cho tôi cảm giác thoải mái trong làn nước mát rượi, thưởng thức những món ngon của biển.
Yêu biển, chính là tôi yêu những ngư dân Việt Nam quyết tâm vươn khơi, bám biển để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, mặc cho các thế lực bên ngoài đe dọa, uy hiếp. Họ đi từ sáng sớm đến chiều về, quăng quật với con nước gần bờ, tìm kiếm những đàn cá bằng kinh nghiệm dân gian. Đối với họ, mỗi chuyến ra khơi thường mang theo nhiều hy vọng. Và mỗi chuyến tàu về luôn là sự mong đợi của người thân trên bờ.
Diễn đàn Tự hào biển đảo Việt Nam
Khẳng định chủ quyền
Nhưng trên hết, tôi yêu biển chính là yêu sự kiên trung, bất khuất của những chiến sĩ hải quân sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Khi nhìn thấy trên báo mạng hình ảnh người chiến sĩ hải quân đang nghiêm trang chào cờ, tôi vô cùng xúc động. Giữa biển khơi, hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời một lần nữa khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam.
Tôi ước mình được đặt chân đến nhiều bãi biển trên dãi đất hình chữ S, đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để thấy rằng: “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi” (2), Tổ quốc mình thật đẹp vì có biển, đảo.
Biển, đảo - hai tiếng thiêng liêng ấy, vậy chúng ta làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo? Hãy trang bị cho mình những kiến thức về địa lý, lãnh thổ và chủ quyền của biển đảo Tổ quốc. Tất cả chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục về biển đảo Việt Nam. Hơn ai hết, chính mỗi con người Việt Nam phải luôn ý thức được chủ quyền biển, đảo Việt Nam và có trách nhiệm phải giữ gìn. Bởi Trường Sa và Hoàng Sa là hai hòn đảo được xây dựng từ máu xương của bao thế hệ cha ông ta ngày trước, là bằng chứng không thể chối cãi được.
Những cái tên như Trường Sa, Hoàng Sa... luôn đem đến cho tôi và các bạn niềm tự hào với bạn bè quốc tế về biển đảo quê mình, như người Mỹ nói về Hawaii, hay học sinh Hàn Quốc nói về đảo Jeju. Nhưng giữa những điều đẹp đẽ ấy, chúng ta cũng đang phải lo ngại mỗi khi nghe những tranh chấp về chủ quyền biển đảo, nghe những câu chuyện thời sự về biển Đông. Nhưng tôi tin tình yêu, niềm tự hào và nỗi lo sẽ hóa thành sức mạnh khi mỗi người Việt Nam sẵn sàng hành động bằng chính phần công sức, dù nhỏ bé của mình với những việc làm thiết thực xuất phát từ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trong khuôn khổ pháp luật. Một khi khối đại đoàn kết của “một dân tộc gan góc” phát huy sức mạnh ắt sẽ làm nên lịch sử.
Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước. Mỗi người trẻ chúng ta phải tích cực học tập, rèn luyện để khi Tổ quốc cần sẵn sàng xung phong lên đường dựng xây đất nước giàu mạnh.
Trách nhiệm với quê hương
Tôi là một giáo viên dạy môn Lịch sử. Tôi dạy Lịch sử như một cách để tri ân, tôn trọng quá khứ; để hiểu về lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam, rồi từ đó có trách nhiệm hơn với biển đảo quê hương. Thông qua các giờ học, tôi đã cung cấp cho học sinh những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi được về chủ quyền biển đảo Việt Nam, khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Qua đó, tôi khơi dậy thế hệ trẻ niềm tin, lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo trước bất cứ thế lực nào như lời huấn thị của vua Trần Nhân Tông: “…Các ngươi phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được lọt vào tay kẻ khác. Ta muốn lời nhắn nhủ này như một lời di chúc cho con cháu muôn đời sau”. Lời của vua Lê Thánh Tông với các triều thần: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại”. Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn giữ lấy nó.”
Tôi yêu biển đảo Việt Nam và tôi tự nhủ với lòng mình phải đem nhiệt huyết của nhà giáo đến với học sinh qua những bài giảng lịch sử, thổi hồn dân tộc và tình yêu biển đảo đến cho các em; xem đây là cơ hội cho tôi tri ân sự hy sinh thầm lặng của những người lính hải quân đã ngã xuống vì màu xanh biển đảo:
“Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình”
(Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến)
-----------
(1) Bài thơ Thuyền và biển - Xuân Quỳnh
(2) Bài hát Gần lắm Trường Sa - Huỳnh Phước Long
THU THANH