Như địa đạo Củ Chi ở TPHCM, nói đến vùng đất lửa trong kháng chiến chống Mỹ ở tỉnh Phú Yên, nhiều người nghĩ ngay đến gò Thì Thùng ở xã An Xuân, huyện Tuy An. Gò này cao khoảng 400m so với mực nước biển, nằm trên một vùng đất rất rộng cách trung tâm thị trấn Chí Thạnh 15km về hướng Tây. Nơi đây có hệ thống địa đạo lớn từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa bộ đội ta với quân địch. Sau ngày thống nhất đất nước, An Xuân đã đổi thay và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Vùng đất đau thương mà anh dũng
Xã miền núi An Xuân là vùng căn cứ cách mạng trọng điểm của quân và dân tỉnh Phú Yên. Hiện toàn xã có 6 thôn với khoảng 500 hộ dân và hơn 2.000 nhân khẩu. Vùng đất đã từng lập nên nhiều chiến công trước quân thù.
Đầu những năm 1960, trước sự lớn mạnh của kẻ thù, Tỉnh ủy Phú Yên và Ban chỉ huy Quân sự khu 5 đã cử đoàn cán bộ vào Củ Chi học tập kinh nghiệm rồi quyết định chọn gò Thì Thùng để đào hệ thống địa đạo. Vùng đất đỏ này bằng phẳng, rộng lớn, có nhiều cây rừng, lại là địa điểm cao nhất nên ta có thể quan sát được các cứ điểm lân cận. Hơn nữa, quân địch thường cho máy bay trực thăng đổ quân xuống nơi này để càn quét các nơi khác nên mục tiêu quân sự của ta là khống chế, tấn công ngay bước đầu để chúng mất phương hướng. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Duy Luân kể: “Trước khi đào địa đạo, đồng chí Đỗ Hòa Thái (lúc đó là Thường vụ Tỉnh ủy) được phân công làm trưởng ban và ông Huỳnh Là (Bí thư Huyện ủy Tuy An) làm phó ban công trình đã họp, giải thích cho toàn thể nhân dân, cán bộ xã An Xuân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc việc đào địa đạo; đồng thời quán triệt tinh thần tuyệt đối bí mật và huy động nhân dân từ các xã An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh, An Định (huyện Tuy An); xã Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định (huyện Sơn Hòa) luân phiên nhau mỗi nhóm đào mỗi đợt 10 ngày.
Du khách tham quan địa đạo Thì Thùng
Nói về công việc bí mật này, bà Lê Thị Nhi (nay 79 tuổi), người từng tham gia đào địa đạo ở thôn Xuân Trung, xã An Xuân, nhớ lại: “Chúng tôi được phân công bí mật đào từ buổi chiều đến tối để tránh sự theo dõi của địch. Dụng cụ đào hầm cũng rất thô sơ như cuốc, xẻng và cần vọt để đưa đất lên; từng tiểu đội chia nhau đào theo từng miệng giếng. Công việc rất nặng nhưng ai cũng tham gia hăng say không biết mệt”. Công trình khởi công vào tháng 4-1964 và sau hơn một năm bí mật, kiên trì và bền bỉ, đến tháng 8-1965 đã hoàn thành. Toàn bộ hệ thống dài 1.948m, sâu 4,5m, rộng 0,8m; có các hầm chỉ huy, hầm chứa lương thực, vũ khí, nước uống dự trữ, chống được đạn pháo và bom loại nhỏ. Địa đạo có 486 giếng, trên miệng giếng lấy gỗ đặt rầm, cách 20m chừa một cửa hông có ngụy trang. Bên trên địa đạo đặt vọng gác có đài quan sát. Bên trong địa đạo là hệ thống giao thông hào chằng chịt chạy ngang dọc. Khi máy bay địch đổ quân, bộ đội ta xuất hiện tấn côn; đánh xong lại bí mật rút xuống nên địch không phát hiện và nhân dân tuyệt đối giữ bí mật an toàn.
Khi thất bại nặng trên chiến trường, quân Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Theo địa chí Phú Yên (trang 220), ngày 25-6-1966, các tiểu đoàn của Sư đoàn 4 Mỹ bị lực lượng ta tấn công, buộc địch điều thêm quân chi viện. Khi Lữ đoàn dù 173 tập trung hàng trăm trực thăng đổ quân xuống cao nguyên An Xuân, Tiểu đoàn 14 thuộc Trung đoàn 10 và Tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn 20 của ta ở địa đạo Thì Thùng “từ dưới đất chui lên” bất ngờ đánh giáp la cà với quân địch từ trên máy bay vừa đổ bộ. Cuộc chiến diễn ra suốt một ngày đêm, ta tiêu diệt 378 quân Mỹ, bắn hạ 6 máy bay. Từ sau trận đánh này, quân và dân Phú Yên liên tiếp lập được nhiều chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào chiến thắng “Chiến tranh cục bộ” ở chiến trường miền Nam.
Tôi nhớ sau năm 1975, tàn tích chiến tranh như hố bom, vỏ đạn, thuốc súng, bãi mìn… trên gò Thì Thùng còn in rõ. Đến đầu những năm 1990, con đường từ trung tâm huyện Tuy An lên xã An Xuân vẫn còn đầy trở ngại bởi đèo dốc đá, cây rừng phủ kín, bụi mù suốt mùa nắng và lầy lội khi mưa về.
Những đổi thay
Thế nhưng sau đó sức người lại được huy động rầm rộ như năm xưa đào địa đạo. Không lâu sau, những đồi đất, cỏ dại đã trở thành nông trường chè thẳng tắp. Những đứa trẻ ở An Xuân như chúng tôi mỗi ngày qua mấy con dốc đá quanh co, cao ngút để đến trường làng. Ngôi trường mái tranh lúc đó còn vách đất nằm trên gò Thì Thùng lộng gió vào mùa hè, tê tái vào mùa đông nhưng chúng tôi cũng nô nức đến trường và trưởng thành.
Năm 2003, vùng đất An Xuân có lưới điện quốc gia. 7 năm sau, đường lên An Xuân được trải nhựa, bê tông hoàn chỉnh. Đời sống kinh tế từng bước nâng cao, hành trình ngược xuôi thuận lợi, khoảng cách thành thị - nông thôn rút ngắn. Đặc biệt, đất đỏ bazan ở An Xuân màu mỡ phù hợp nhiều loại cây công nghiệp như mía, sắn, cà phê, cao su, hồ tiêu; cây ăn quả như mít, chuối, bơ, su su nên nền kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh. Ngày nay, An Xuân là vùng nguyên liệu mía, sắn lớn của tỉnh. Ông Lê Văn Nhơn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Hơn 70% số hộ tại các thôn Xuân Trung, Xuân Thành, Xuân Hòa sống bằng nghề trồng mía, sắn. Nơi đây đã trở thành vùng nguyên liệu lớn cho Nhà máy đường KCP của Ấn Độ đặt tại huyện Sơn Hòa và Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phú Yên đóng tại huyện Đồng Xuân”. Hơn thế, mấy năm gần đây, cả một vùng rộng lớn đất đồi núi ở xã An Xuân đã được người dân phủ một màu xanh của những rừng keo lai bạt ngàn. Cây keo mang lại thu nhập đáng kể, góp phần cho người dân An Xuân làm giàu. Theo ông Nhơn, bình quân thu nhập của mỗi hộ từ 50 - 70 triệu đồng/năm, những hộ khá giả có thể thu vài trăm triệu đồng/năm là chuyện bình thường.
Ngoài đời sống vật chất được nâng cao, cơ sở hạ tầng như điện - đường - trường - trạm, nhà văn hóa, bưu điện và hệ thống đường liên thôn cũng đã được bê tông hóa. Con em trong xã được đến trường và thành đạt ngày một nhiều. Mới đây, con đường nối liền An Xuân với các huyện miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên) và các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk cũng đã hoàn thành. Được nhà nước quan tâm, người dân phấn đấu lao động, cuộc sống trên vùng đất thép An Xuân năm xưa đã thoát nghèo và đang làm giàu chính đáng nhờ một số cây trồng chủ lực.
Di tích và lễ hội độc đáo
Hiện An Xuân là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Năm 2009, địa đạo gò Thì Thùng được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cùng với địa đạo Củ Chi (TPHCM), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), hiện địa đạo gò Thì Thùng là một trong ba địa đạo lớn ở nước ta. Năm 2013, di tích này được trùng tu giai đoạn 1 với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Công trình làm mới 2 nhà che cửa hầm, 3 nhà che giếng địa đạo, lối đi xung quanh di tích, khôi phục 95 đoạn giao thông hào và lắp đặt 10 bia hướng dẫn trong khu vực. Đầu năm 2016, địa đạo tiếp tục được trùng tu, tôn tạo giai đoạn 2, gồm xây mới nhà tiếp đón, quản lý và trưng bày hình ảnh, hiện vật sưu tầm trong chiến tranh, diện tích 154m2; lắp đặt hệ thống điện, cấp - thoát nước... với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Phúc Ánh, người trông coi địa đạo, cho biết: “Du khách trong tỉnh và các nơi về tham quan địa đạo rất nhiều, nhất là trong dịp tết và lễ 30-4 vừa qua”. Đến đây, khách như được trở về với chiến trường xưa, quan sát toàn bộ công trình di tích dưới lòng đất, sa bàn tái hiện diễn biến trận đánh ngày 25-6-1966 và sự phát triển của vùng đất An Xuân hôm nay.
Ngày hội đua ngựa truyền thống vào mùng 9 Tết hàng năm
Ngoài tham quan địa đạo, An Xuân còn có ngày hội đua ngựa truyền thống trên gò Thì Thùng vào mùng 9 Tết hàng năm, ngày hội duy nhất ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Hội đua ngựa ở An Xuân có từ thời chống Pháp và tạm gián đoạn trong những năm chiến tranh ác liệt. Sau ngày thống nhất đất nước, người dân mới tổ chức trở lại và được thống nhất ấn định vào mùng 9 Tết hàng năm. Ngày hội này đông vui bởi có nhiều điều dí dỏm. Trường đua là khoảng đất gò rộng, được rào hàng cọc cây rừng. Kỵ sỹ đa dạng về tuổi tác, nghề nghiệp; còn chiến mã là những con ngựa cái mà hàng ngày được người dân dùng thồ hàng từ ruộng rẫy về nhà. Khi ra sân, những “chị” ngựa này chỉ được phủ thêm tấm vải màu trên lưng nhưng vào trận đã dốc sức, bám chân, ngẩy đuôi phi làm bụi đất tung mù, tranh nhau về đích tạo sự hấp dẫn cho hàng chục ngàn người xem. Đây là ngày hội mang tính giải trí cao, mỗi năm tổ chức một lần nên thu hút được sự chú ý của rất nhiều người.
Ngoài ra, đến An Xuân du khách còn được thưởng thức nhiều món đặc sản quê hương như canh chua lá dít thịt gà, thịt gà kho mắm thơm, các loại rau rừng, trái cây đặc sản và được hưởng khí hậu trong lành dịu mát. Từ An Xuân, còn có một con đường bê tông kiên cố dài 10km dẫn đến tham quan khu Nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa). Ông Trần Quang Minh, Bí thư Đảng ủy xã, tâm sự: “Dù nơi đây chưa có nhiều dịch vụ đa dạng phục vụ du khách nhưng vài năm gần đây, khách đến An Xuân ngày một đông hơn. Địa phương sẽ lên kế hoạch phát triển kinh tế đi đôi với du lịch đễ nhân lên niềm tự hào của nhân dân vùng “đất thép” An Xuân”.
ĐÀO TẤN TRỰC