Khát vọng tìm “đường sống” đổi đời nông dân

Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) từng nổi tiếng với nhiều cách làm hay. Thuật ngữ “công nhân nông nghiệp” xuất hiện ở đây để ngợi ca những nông dân bao đời đã “rũ bùn” bước lên thành những công nhân nông nghiệp giỏi. Gần đây, ở Nông trường Sông Hậu xuất hiện mô hình trồng chuối cấy mô, giống Nam Mỹ rất hiệu quả, mở ra triển vọng lớn cho kinh tế nông nghiệp cả vùng.
Khát vọng tìm “đường sống” đổi đời nông dân

Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) từng nổi tiếng với nhiều cách làm hay. Thuật ngữ “công nhân nông nghiệp” xuất hiện ở đây để ngợi ca những nông dân bao đời đã “rũ bùn” bước lên thành những công nhân nông nghiệp giỏi. Gần đây, ở Nông trường Sông Hậu xuất hiện mô hình trồng chuối cấy mô, giống Nam Mỹ rất hiệu quả, mở ra triển vọng lớn cho kinh tế nông nghiệp cả vùng.

Bát ngát rừng chuối sông Hậu

Từ trụ sở Nông trường Sông Hậu, chạy xe hơi 6 - 7km, rồi xuống vỏ lãi lướt thêm vài cây số nữa chúng tôi mới tới địa bàn của Hợp tác xã (HTX) chuối cấy mô Lâm Phát Hưng. Nơi làm việc của HTX mới dựng vài tháng nay với hai dãy nhà tôn. Một dãy chứa phân bón và dụng cụ sản xuất; dãy còn lại đặt vài bộ bàn ghế để ban chủ nhiệm làm việc và hội họp. Còn nhìn quanh nơi làm việc, chỉ thấy toàn chuối và… chuối. Cũng là chuối già nhưng nhìn rất lạ, khác hẳn với giống chuối già thông thường. Một “rừng” chuối cấy mô 87ha xanh ngắt, trải đều khắp 38 bờ kênh, lạch. Chuối chỉ cao hơn 2m nhưng cây nào cũng có buồng, trổ trái. Cảm giác ban đầu, ai đến đây cũng nghĩ trồng chuối đơn giản; nhất là ở những vùng đất tốt như ở ấp kinh 8 này; nhưng khi nghe ông Lâm Văn Hộ (Sáu Hộ), Chủ nhiệm HTX giải thích thì mới thấy không đơn giản chút nào. Đây là loại chuối cấy mô, giống Nam Mỹ, quả to, no tròn; khi chín rất ngọt và thơm. Việc chăm sóc từ khi trồng đến thu hoạch rất công phu, qua nhiều khâu, như: bón phân, chích bắp, cắt bắp, cắt con, lặt râu, bao nải…

Công nhân HTX chuối cấy mô Lâm Phát Hưng chăm sóc rừng chuối già ven sông Hậu

Ông Lâm Văn Ba, thành viên Ban chủ nhiệm HTX, giải thích: Chích bắp là chích thuốc vào bắp chuối cho bắp phát triển đều. Khi bắp ra nải đủ chuẩn thì cắt bắp thừa. Lặt râu đen ở đầu để trái chuối sạch và đẹp. Bao nải để mỗi nải chuối không cà vào nhau, làm trầy xát, vì khi chín, chỗ bị vết trầy sẽ thâm đen, trái chuối không đủ chuẩn xuất khẩu. Cắt con là mỗi cây chuối chỉ để một cây con; cây thừa bị cắt đi. Vòng “luân hồi” của chuối chỉ 3 đời: mẹ, con và cháu. Sau đó đốn bỏ, trồng lại thế hệ mới...

Buổi trưa, đúng vào giờ tan tầm, những chiếc chẹc chở nhân công từ trong rừng chuối chạy dồn về trụ sở của HTX ăn uống, nghỉ ngơi. Nơi đây đang yên bình lại rộn lên tiếng nói, cười tíu tít của họ. Đã vài tháng nay, ngày nào cũng vậy, hơn 100 con người, mỗi người mỗi việc theo sự phân công của Ban chủ nhiệm. Họ tuân thủ theo quy trình hướng dẫn rất nghiêm ngặt vì loại chuối này trồng để xuất khẩu, chứ không tiêu thụ nội địa.

Ông Lâm Văn Tư (64 tuổi), thành viên Ban chủ nhiệm, vui vẻ kể: Anh Sáu Hộ thấy trồng loại chuối này có giá trị nên động viên anh em trong nhà, chòm xóm, bạn bè hùn vốn cùng làm. Ai có điều kiện bỏ vốn sẽ làm thành viên Ban chủ nhiệm hoặc xã viên; không có tiền thì làm công nhân nông nghiệp. Anh Nam - nhân viên hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối cấy mô cho công nhân, bày tỏ: Trồng chuối cấy mô lúc đầu kể ra cũng khó nhưng làm riết rồi quen. Lương nhân công mỗi tháng 4 triệu đồng/người. Năm 2015- 2016 là mùa đầu tiên nên chưa thu hồi được vốn, chứ sang năm lời trọn thì thu nhập còn cao hơn.

Bôn ba tìm mô hình mới

Năm nay, ông Sáu Hộ đã bước sang tuổi 60. Nhìn dáng ông chắc nịch, da rám nắng, gương mặt cương nghị thì cũng hiểu đây là người từng trải. Nhiều năm ông trồng lúa, hoa màu, làm vườn, nuôi cá tra…, việc nào cũng giỏi. Tuy nhiên, kinh tế thị trường “lúc thăng, lúc giáng” nên sản phẩm của ông ra thị trường có khi không được như ý. Năm 2013, tình cờ ông vào mạng đọc được mô hình trồng chuối cấy mô, giống Nam Mỹ có thị trường xuất khẩu rất lớn. Thích quá, ông chú tâm tìm hiểu rồi xuống Trường Đại học Cần Thơ, lên Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam ở Long Định, Tiền Giang xin tài liệu và tìm hiểu về kỹ thuật trồng chuối cấy mô. Có tài liệu rồi và được các nhà khoa học hướng dẫn nhưng ông vẫn chưa an tâm. Vậy là ông xách ba lô lên máy bay sang Indonesia (nơi trồng nhiều loại chuối này) để chính mắt trông thấy những rừng chuối già xanh mướt mát. Nửa tháng học hỏi, ông mới vỡ ra thêm nhiều điều về kỹ thuật trồng và chăm bón chuối. Sau đó, ông đảo qua Hàn Quốc, Nhật Bản tìm hiểu thị trường tiêu thụ và tìm đối tác làm ăn.

Về nước, ông gặp Ban giám đốc Nông trường Sông Hậu trình phương án thuê đất trồng chuối. Được ban giám đốc “gật đầu” và UBND TP Cần Thơ phê duyệt đầu tư; đầu năm 2014, ông thuê 20ha đất gần trụ sở nông trường trồng thử nghiệm loại chuối cấy mô. Khi triển khai, những công việc khó ông đều tự làm rồi hướng dẫn nhân công làm theo… Vào thời điểm cây chuối phát triển được 6 tháng, một đoàn đối tác từ Hàn Quốc sang thăm cơ sở trồng chuối của ông với mục đích tìm hiểu về khí hậu, môi trường và thổ nhưỡng nơi đây và rất ưng ý với vùng đất tốt này nên quyết định hợp tác, đầu tư, thu mua sản phẩm. Đối tác hướng dẫn ông cách thu hoạch, đóng hộp, bảo quản và vận chuyển sao cho đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất…

Thu hoạch chuối cấy mô ở Nông trường sông Hậu (Ảnh: BĂNG THẠCH)

Sức sống mới làng quê nghèo

Sau 9 tháng vun trồng, ông Sáu Hộ cho xuất lứa chuối đầu tiên sang Hàn Quốc được trên 870 tấn với giá 7.000 đồng/kg, trị giá trên 6 tỷ đồng. “Vạn sự khởi đầu nan” và thành công ngoài mong đợi, ông quyết định mở rộng mô hình và vận động hai người anh ruột cùng vài người bạn bỏ vốn ra thành lập HTX, thuê thêm 87ha đất của nông trường trồng 180.000 cây chuối cấy mô. Hơn 5 tháng qua, rừng chuối già của HTX phát triển rất tốt và nếu không có gì thay đổi, dự kiến vào tháng 6 tới sẽ có thêm 3.500 tấn chuối thương phẩm xuất sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, ước tính thu về gần 25 tỷ đồng.

Chị Phương Em, phụ trách công đoạn bao nải của HTX chia sẻ: “Công việc bây giờ đã quen rồi nên không vất vả như thuở ban đầu mới làm công nhân nông nghiệp, vì chưa quen tác phong làm việc mới. Nhà tôi ở ấp Kinh 8 cách đây vài cây số. Buổi sáng nấu cơm, mang theo ăn trưa. Anh chị em trong ấp làm việc ở đây cũng nhiều và thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa”. Tương tự, gia đình chị Tố Hương ở Cần Thơ, có tới 6 miệng ăn, sống dựa vào 5 công ruộng làm lúa 2 vụ nên thu hoạch xong là trắng tay vì phải trả tiền nợ phân, thuốc… Nay nhờ có 2 người vào HTX làm công nhân, lương tháng được 8 triệu đồng nên cuộc sống ở vùng quê khá ổn.

Chủ nhiệm HTX Lâm Văn Hộ cho biết: “HTX càng có nhiều người góp vốn thì càng mở rộng và nhu cầu về nhân công rất cần. Thị trường thế giới về sản phẩm chuối cấy mô nhiều lắm, nào là Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Đông… nên chỉ sợ không đủ sức để làm. Bà con thường nhàn rỗi sau mỗi mùa thu hoạch lúa thì nay đã có công việc để làm thêm, giúp cuộc sống ổn định hơn”.

Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, rất vui với mô hình làm ăn mới của HTX chuối cấy mô Lâm Phát Hưng. Ông Phú cho biết: “Tôi mới về nhận chức giám đốc nông trường được vài tháng và trong lúc nông trường đang gặp khó khăn về vốn để chuyển đổi loại hình hoạt động sang công ty TNHH MTV thì mô hình của HTX chuối cấy mô Lâm Phát Hưng đem lại niềm tin và hy vọng mới cho nông trường và bà con nông nghiệp xứ này. HTX đang chuẩn bị mở rộng thêm 300ha trồng chuối nữa vào tháng 8 này. Mấy chục ngàn hécta đất nông nghiệp của nông trường đều rất tốt, có thể lên liếp trồng chuối cấy mô rất hiệu quả. Ông Sáu Hộ không phải lãnh đạo, càng không phải nhà khoa học nhưng những suy nghĩ, việc làm của ông rất thực tiễn, có tác động xã hội lớn; mở ra triển vọng mới về phát triển kinh tế nông nghiệp không chỉ ở Nông trường Sông Hậu mà của cả vùng”.

Lê Bình

Tin cùng chuyên mục