Năm 2007, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Chỉ 4 năm sau ngày thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (HBTBNN) tỉnh Kiên Giang, ông đã nhận được phần thưởng xứng đáng không chỉ riêng mình mà cho tất cả những người có trái tim nhân ái. Đó là Nghệ sĩ nhiếp ảnh FIAP Trần Lam (Bảy Lam), Chủ tịch HBTBNN tỉnh Kiên Giang.
Ông Bảy Lam (đội nón tai bèo) trong dịp khánh thành cầu giao thông nông thôn ở vùng sâu tỉnh Kiên Giang
Nhân hậu những trái tim
HBTBNN tỉnh Kiên Giang nằm trên bến Bạch Đằng, nơi được coi là đẹp nhất TP Rạch Giá. Kế bên là phòng khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo của hội mang tên Thái An. Hơn chục năm qua, địa điểm này là nơi giao lưu của hàng chục ngàn người nghèo; hàng ngàn nhà tài trợ và hàng trăm lượt giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ. Ở đây, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân nghèo tới đây thăm khám, bốc thuốc, chạy thận… Hôm đó, tôi gặp bà Lâm Thị Hên, dân tộc Khmer, ngoài 50 tuổi, da dẻ hồng hào, “vác” một buồng chuối già khoảng trên 10 nải đến gặp ông Bảy Lam để biếu quà cho hội. Bà Hên nói: “Tôi ở Kiên Lương cách TP Rạch Giá hơn 70km đến đây, có buồng chuối già trồng được, biếu anh chị em trong hội, gọi là của ít lòng nhiều; cảm ơn ông Bảy Lam và HBTBNN Kiên Giang đã cứu sống tôi”.
Cách nay vài năm, người phụ nữ Khmer này gầy rộc vì bị bệnh u nang buồng trứng đã chuyển sang ung thư. Nghe tin, HBTBNN Kiên Giang có chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo, bà mừng quá nhưng do không có tiền làm lộ phí nên đành đứt ruột bán đi con chó khôn, lấy 50.000 đồng đi xe đò qua TP Rạch Giá tìm đến hội. Ông Bảy Lam thấy thương hoàn cảnh, tìm cách gửi bà lên Bệnh viện Ung bướu TPHCM chữa bệnh. Hàng tháng, bà đều phải đi xạ trị và nhận thuốc uống. Mọi chi phí ăn ở của bà, HBTBNN tỉnh Kiên Giang nhận thanh toán hết. Sau cả năm trị bệnh, bà đã từ cõi chết trở về với cuộc sống đời thường. Hơn 13 năm qua, chuyện như vậy ở hội nhiều lắm.
Tháng 3-2005, HBTBNN tỉnh Kiên Giang do ông Bảy Lam chủ trì đã dẫn “bầu đoàn” gồm hàng chục bác sĩ của Bệnh viện Mắt TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1 và hàng chục xe đò chở “nhà tài trợ” là những nhà doanh nghiệp, buôn bán ở TPHCM, tỉnh Kiên Giang sang tỉnh Tà Keo, nước bạn Campuchia khám bệnh, cấp thuốc, mổ mắt miễn phí cho người nghèo. Cũng vào những ngày tháng bên nước bạn nắng nóng đổ lửa như bây giờ, nơi mổ mắt “dã chiến” không một ngọn gió; từ bác sĩ đến những nhà tài trợ, nhân viên phục vụ, bảo vệ… ai cũng nhễ nhại mồ hôi. Nhưng được chữa bệnh, lo cho người nghèo chén cơm, chai nước thì ai cũng vui vẻ, nhiệt tình… Chuyến đi xuất ngoại từ thiện đầu tiên ấy đã khắc sâu trong lòng ông Bảy Lam và các cộng sự của HBTBNN tỉnh Kiên Giang. Kể từ đó đến nay đã qua 13 mùa thay lá, năm nào ông Bảy Lam cũng tổ chức đoàn sang Campuchia ít nhất 2 lần, nhiều là 4 lần mổ mắt miễn phí cho người dân nghèo. Ông kể: “Lần mổ mắt nhiều nhất ở nước bạn lên đến 1.200 ca. Bà con bên ấy còn nhiều người nghèo quá. Mỗi bệnh nhân nghèo được khám chữa bệnh, cấp thuốc, phát cơm miễn phí là lòng tôi vơi bớt nỗi ưu tư”.
Đoàn y bác sĩ do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang tổ chức đến khám chữa bệnh cho người nghèo ở vùng sâu Kiên Giang
Vai trò một thủ lĩnh
Năm 1994, khi đang giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Bảy Lam xin thôi chức vì bị bệnh. Thuốc thang nhiều nhưng căn bệnh viêm gan C đã bào mòn sức lực và tâm tưởng ông. Vì vậy, ông rất thấm thía nỗi khổ của người bệnh; đặc biệt là bệnh nhân nghèo ở vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Được những người như ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp (Sáu Tường, cố Chủ tịch UBND TPHCM), Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương, nghệ sĩ Hương Lan và một số nghệ sĩ, doanh nghiệp ở TPHCM, tỉnh Kiên Giang sẵn sàng giúp đỡ, ông Bảy Lam trình lãnh đạo tỉnh đề án thành lập HBTBNN của tỉnh. Sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh đã khích lệ tinh thần ông tìm gặp những người có tâm trong sáng, lòng nhiệt thành hợp lại, thành lập hội. Kể sao hết những ngày gian khổ đi vận động, xin tiền của các nhà hảo tâm để giúp người nghèo. Buổi đầu, không phải ai cũng tin tưởng vào hội. Có người khó tính, nói năng đụng chạm đến lòng tự ái của những người đi vận động; nhưng nghĩ đến người nghèo, họ nín chịu, bỏ qua tất cả… Chính những người lương tháng chỉ có 3 - 4 triệu đồng ấy đã “cảm hóa” được nhiều mạnh thường quân quyên góp cho quỹ hội, như bà Tư bán xôi ở TP Rạch Giá, cứ đều đặn mỗi tháng góp 20.000 đồng cho quỹ hội. Bà Tư bảo: “Của ít lòng nhiều thôi, vì bản thân gia đình tôi cũng nghèo”. Chị Út Hương, 45 tuổi, bị tai nạn giao thông, 2 chân tê xụi, hoàn cảnh khó khăn, phải lết đi bán vé số nuôi 2 con nhỏ. Thấy hoàn cảnh vậy, hội mua tặng chị chiếc xe lăn. Có xe, chị Hương hàng ngày đi bán vé số dễ dàng hơn; cuộc sống cũng nhờ thế ổn định. Đáp lại tấm lòng của hội, mỗi tháng chị Hương đến trụ sở, gửi quỹ hội 100.000 đồng...
Ông Bảy Lam vẫn thường tới lui các bệnh viện, vào các khoa có bệnh hiểm nghèo như: ung bướu, chạy thận, bệnh phụ khoa… để tiếp cận người nghèo. Ông thăm hỏi từng người, xem họ có khó khăn gì để giúp đỡ. Trong hàng trăm lần như vậy, ông Bảy Lam nhớ mãi trường hợp cách nay 7 năm, một người đàn ông tên Năm, 55 tuổi, quê U Minh Thượng, đến khám ở Bệnh viện Bình An. Người đàn ông nông dân ấy cầm trên tay toa thuốc, mặt hớt hơ hớt hải tìm ông Bảy Lam, không nói được lời nào, nước mắt cứ trào ra. Ông Năm bị bệnh rất nặng nhưng không có tiền chữa trị vì nhà rất nghèo. Thấy hoàn cảnh như vậy, ông Bảy Lam mời giám đốc bệnh viện đến đề nghị giúp trị bệnh miễn phí cho ông Năm. Bệnh viện Bình An được thành lập năm 2004 tại tỉnh Kiên Giang do ông Bảy Lam đứng ra huy động. Bệnh viện có 150 giường; trong đó có 10 giường dành riêng cho bệnh nhân nghèo (trước khi có phòng khám chữa bệnh miễn phí Thái An).
Những ngày mới thành lập, quỹ hội có hạn, công việc lại đa đoan; ông Bảy Lam tranh thủ đến các doanh nghiệp lớn, vận động họ góp quỹ hội. Nhờ uy tín cá nhân, rất nhiều mạnh thường quân nhiệt tình ủng hộ, như Tập đoàn Vincom nhiều lần tài trợ với số tiền lên đến 43 tỷ đồng; ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo TPHCM đã “mua” bức ảnh “Bên Lăng Bác” của Bảy Lam với giá 1 triệu USD (trên 20 tỷ đồng)… để gây quỹ.
Còn mãi với người nghèo
Ông Bảy Lam sinh năm 1941 ở một vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh Kiên Giang. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo; lớn lên đi kháng chiến, ông cũng được người nghèo yêu thương, che chở. Được giúp cho người nghèo, ông coi như bổn phận. Vì thế, khi HBTBNN lớn mạnh; ông chỉ đạo mở rộng loại hình hoạt động; từ khám chữa bệnh, thêm xây nhà tình thương, bắc cầu, làm đường, khoan giếng, dựng trường học… Chỗ nào khó là có mặt ông. Sức khỏe có hạn, chương trình nào kéo dài từ tuần lễ trở lên là ông bị bệnh. Nhưng công việc đa đoan, ông chỉ uống thuốc, rồi tiếp tục “bám” chương trình đến khi kết thúc chứ không chịu nằm bệnh viện. Ông lo cho người nghèo, người bệnh hơn bản thân mình. Ông thường hướng dẫn nghiệp vụ cho những cộng sự và nhắc nhở họ dù lương ít nhưng đã làm việc nghĩa, phải trong sạch vì quỹ hội là quỹ của người nghèo. Hàng năm, ông đều nhờ kiểm toán đến kiểm tra quỹ hội.
Hơn 13 năm qua, HBTBNN tỉnh Kiên Giang đã huy động được gần 700 tỷ đồng để khám chữa bệnh cho 350.000 lượt người; mổ mắt, cấp thuốc gần 44.000 ca; 1.653 trẻ em dị tật được mổ tim; tặng 3.693 xe lăn, xe lắc tay cho đối tượng tàn tật; chi vài chục tỷ đồng cất nhà tình thương; dựng 10 bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện huyện, tỉnh…
Tháng 4 vừa qua, ông và các cộng sự lại lên đường sang Campuchia khám bệnh, mổ mắt miễn phí cho dân nghèo bên đó. Ông bảo: “Sức khỏe tôi bây giờ rất tốt! Bệnh viêm gan C đã điều trị khỏi. Tôi lo cho người nghèo khi nào trái tim ngừng đập thì thôi, còn sự nghiệp của HBTBNN tỉnh Kiên Giang đối với người nghèo là mãi mãi”.
| |
LÊ BÌNH