Bản quyền thư pháp: Tiếng nói yếu ớt

Thư pháp cũng là một hình thức sáng tạo nghệ thuật, tuy nhiên người trong giới lẫn công chúng vẫn chưa mấy quan tâm đến chuyện bản quyền với những tác phẩm này.

Bức thư pháp với nội dung chữ “Tết” được anh Lưu Thanh Hải (ngụ quận 3, TPHCM) viết vào năm 2009. Qua lời mời của một người bạn, anh Hải chụp ảnh bức thư pháp và đăng tải lên website honchuviet.vn để chia sẻ với cộng đồng người yêu thư pháp. Bức ảnh đăng tải với chất lượng cao nhất để người xem được rõ nét “rồng bay phượng múa”, vô tình trở thành điều kiện tốt để “đạo chích” sao chép.

“Từ hình ảnh tôi đăng tải lên trang honchuviet.vn, một trang web khác chuyên cung cấp vector (một cách biểu diễn hình ảnh trong đồ họa - PV) miễn phí đăng tải lại, cắt bỏ những phần râu ria, chỉ tập trung vào chữ “Tết” và làm thành vector cung cấp miễn phí. Cũng từ đó, một số đơn vị sử dụng chữ “Tết” thư pháp của tôi đủ mục đích - từ hoạt động cộng đồng đến thương mại”, anh Lưu Thanh Hải kể.

Thư pháp hiện tại được lan tỏa theo hình thức truyền nghề,  chưa có trường lớp đào tạo chính quy. Vì thế, trình độ thẩm mỹ để thưởng thức thư pháp trong công chúng chưa cao, đa phần người xem vẫn không phân định được những nét chấm phá, độc lạ khác nhau trong phong cách viết chữ của các nghệ nhân.

Anh Thanh Hải cho biết thêm: “Sau khi phát hiện một số đơn vị sử dụng chữ thư pháp “Tết” của tôi với mục đích thương mại, trong đó có 2 công ty xổ số in lên tờ vé số, tôi liên lạc và trao đổi về chuyện bản quyền chữ thư pháp thì hai đơn vị này thừa nhận sơ suất và trả phí. Một số nơi khác in lịch, in lên áo dài, đến lúc mình hay thì mọi chuyện cũng xong rồi. Nếu in vì mục đích cộng đồng, trang trí mừng xuân cho khu vực công cộng, tôi cũng không gây khó dễ gì, nhưng mục đích kinh doanh thì cần phải rõ ràng chuyện bản quyền để đảm bảo quyền lợi đôi bên. Nếu cách viết thư pháp đều viết ra những chữ giống nhau, không có gì khác biệt thì bức thư pháp tiền tỷ với những bức thư pháp bình thường đâu có gì khác nhau. Và nếu đánh đồng như vậy thì công sức, thời gian và chi phí bỏ ra để rèn luyện của nghệ nhân khác nào vô nghĩa. Cái tôi cần là giá trị lao động sáng tạo nghệ thuật được công nhận”.

Đó là những trường hợp phát hiện được, với những đơn vị kinh doanh không đăng ký thì trường hợp chữ thư pháp “Tết” của anh Hải coi như chuyện đã rồi. Bởi sau khi chữ thư pháp được anh Hải chia sẻ lên honchuviet.vn, website cung cấp vector miễn phí chia sẻ lại và dân làm thiết kế sử dụng từ trang web miễn phí này mặc nhiên coi như được phép mà không hề hay biết mình đã vi phạm bản quyền.
Trước mắt, rất cần sự nhìn nhận rõ ràng và chặt chẽ đối với chuyện bản quyền thư pháp, để nghệ nhân được công nhận lao động sáng tạo nghệ thuật một cách chuẩn mực.

Tin cùng chuyên mục