Báo động cho khoa học xã hội nhân văn!

Liên tiếp những ngày gần đây, khi mà báo chí tổng hợp kết quả ban đầu điểm thi ở một số trường đại học (ĐH) có khối C, D, đã có những nhận định rất “bi quan” cho tình hình học và thi các môn xã hội.

Năm ngoái, dư luận xã hội đã ngỡ ngàng với kết quả của môn Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, thì năm nay chắc vẫn thế. Ngỡ ngàng ấy không chỉ dành cho môn Sử mà có dấu hiệu lan sang cả môn Văn và Địa. Nếu đúng như thế, thì các môn thuộc khoa học xã hội ở trong trường học nói riêng và cả nền khoa học xã hội nhân văn của nước nhà nói chung, thật sự đang đứng trước một tình cảnh cực kỳ… lo ngại!

Thế hệ trẻ, nền tảng của nhân lực quốc gia tương lai đang quay lưng với văn học, lịch sử, địa lý dân tộc. Một tiên liệu về “lỗ hổng” trong nhận thức lớp trẻ về những nền tảng, giá trị xã hội nhân văn trở nên hiện thực hơn bao giờ hết.

Nguyên nhân, lý do, trách nhiệm thuộc về ai?... Rất nhiều câu hỏi, yêu cầu, nhận định đã được đưa ra, thậm chí cả những đề án, giải pháp chấn chỉnh quy mô. Nhưng cuối cùng, sự thật của những điểm số, những câu chữ của bài thi, những kiến thức được diễn tả trên trang giấy, đọc qua là thấy… rùng mình, vẫn cứ hiển nhiên tồn tại. Có một cái gì đó thật sự không ổn ở cách dạy và học ở phổ thông chăng? Kiến thức sách giáo khoa có vẻ như không có tính định hướng và liên hệ đến thực tiễn chăng?

Một cuộc “chấn hưng” giáo dục đang được phát động! Đổi mới, chấn chỉnh, quyết tâm loại bỏ tiêu cực, gian lận thi cử… liệu có đem lại cho khoa học xã hội một sự “tươi mới” nào, nếu như không xây dựng lại kiến thức.

Điều quan trọng là cần nghiên cứu và mạnh dạn đưa những tác phẩm văn học có giá trị hiện tại, gần gũi với giới trẻ, để các em có thể thấy được bóng dáng mình trong đó, cảm thụ và yêu thích văn học hơn. Mục tiêu xây dựng phát triển kinh tế, khoa học tự nhiên là đòn bẩy, nhưng một xã hội phồn vinh không được xây dựng trên nền tảng của nền giáo dục khoa học nhân văn thực chất, vững chắc, thì nguy cơ “ngoại lai”, “hòa tan” là rất báo động!

NGỌC LỮ
 

Tin cùng chuyên mục