Khoảng 21 giờ tối ngày 2-5, điện thoại tại tòa soạn Báo SGGP liên tục đổ chuông. Cầu Đồng Nai sập rồi! PV chạy ngay ra hiện trường. Gần 1 giờ sau, từ Đồng Nai, PV báo về: Cầu vẫn còn y nguyên!
Đây là lần thứ hai trong năm 2008 TPHCM nhốn nháo vì thông tin cầu Đồng Nai sập. Lần thứ nhất, tin đồn lan nhanh vào ngày 21-2-2008. Giao thông trong khu vực giữa Đồng Nai với TPHCM và các tỉnh lân cận hôm đó “rối nùi” vì các tài xế rẽ ngang rẽ dọc tìm đường khác vào-ra TP! Trước đó nữa, vào cuối năm 2007, tin đồn này cũng đã một lần làm mọi người xôn xao.
3 lần trong vòng mấy tháng tin cầu Đồng Nai sập được tung ra. Lạ là lần nào cũng có nhiều người tin hoặc chí ít, cũng bảy phần tin ba phần ngờ, kể cả cánh báo chí vốn tỉnh táo trước tin đồn các loại.
Vì sao? Người ta tin vì tính hợp lý của sự kiện!
Ở tuổi 44, cầu Đồng Nai đã rệu rã. Giữa năm 2007, Cục Đường bộ Việt Nam cảnh báo về tình trạng xuống cấp trầm trọng của cây cầu được xây từ 1964 này và đặc biệt lưu ý đến sự quá tải của nó khi mỗi ngày, bình quân có hơn 40.000 lượt phương tiện giao thông qua cầu, đại bộ phận trong đó là các xe tải nặng!
Gần một năm sau ngày Cục Đường bộ lên tiếng, hiện tại, cầu Đồng Nai vẫn “oằn lưng cõng” không dưới 36.000 lượt phương tiện qua lại mỗi ngày (giảm được một ít so với trước vì ngành GTVT đã phân luồng buộc một số loại xe đi theo hướng qua cầu Hóa An) và hàng dài các xe tải, xe khách vẫn nối đuôi nhau qua cầu ở khoảng cách nhiều khi không quá 1m, bất chấp quy định giữ khoảng cách lúc qua cầu giữa các xe là 30m.
Các lái xe chắc không phải xem thường mạng sống của mình. Cũng không phải vì nhiều người trong số họ không chấp hành luật giao thông. Đó là sự bức bách!
Cùng với sự phát triển của nhu cầu đi lại và giao thương kinh tế, số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một nhiều thêm. Hệ thống giao thông từ các tỉnh phía Bắc và miền Đông Nam bộ dẫn về TPHCM, bao năm qua, gần như không được bổ sung. Hai tuyến đường đi qua cầu Đồng Nai và cầu Hóa An vẫn gần như là hai tuyến huyết mạch dẫn về TP.
Cầu Hóa An, cây cầu “chia lửa” cho cầu Đồng Nai, là một cây cầu vá nhịp với tải trọng không lớn bởi nó đã từng sập nhịp giữa một lần sau giải phóng vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Vì thế, rốt cuộc, các xe tải nặng vẫn chỉ có con đường phải qua cầu Đồng Nai nếu muốn xuống phía Nam.
Không có sự lựa chọn! Hạn chế lượng xe qua cầu Đồng Nai trong trường hợp này, chỉ bằng biện pháp hành chính. Mà mệnh lệnh hành chính không làm thay đổi được quy luật tự nhiên của cuộc sống!
44 năm trước, các nhà xây dựng đã làm cầu Đồng Nai theo thiết kế chịu tải là 30 tấn/xe cho 43.000 lượt phương tiện qua lại mỗi ngày. 44 năm sau, vì nhiều lý do, việc duy tu bảo dưỡng cầu rất giới hạn, cầu ngày một “già” nhưng vẫn phải chịu tải y như thời “trai trẻ” (thậm chí còn cao hơn), thì chuyện các cơ quan hữu quan khẳng định cầu vẫn an toàn – sau khi đã hạ tải còn 25 tấn – vẫn là chuyện khó thuyết phục, kể cả thuyết phục ngay chính các cơ quan công quyền. Nguy cơ đổ sụp cầu Đồng Nai là có thật. Đây là yếu tố tạo niềm tin vào tin vịt của người dân!
Chúng ta luôn phải tỉnh táo đồng thời kiên quyết loại trừ những tin đồn gây hại cho an ninh trật tự xã hội, gây ảnh hưởng xấu lên mọi mặt đời sống xã hội.
Ngành công an, chính quyền các địa phương và thế trận an ninh nhân dân phải phát huy sức mạnh của mình, tìm cho ra những “con vịt” gây hại cho xã hội và có biện pháp trừng trị thích đáng. Tuy nhiên, ở một góc độ khác và trong một số trường hợp nhất định, tin đồn là một kiểu dự báo, một cách báo động giả bắt nguồn từ một nguy cơ có thật.
Cầu Đồng Nai mới sau hơn 4 năm đệ trình giờ vẫn chưa khởi công. Cầu Đồng Nai cũ đang ngày một yếu. Xe cộ qua cầu thì ngày một đông. Một giải pháp tích cực hơn cho vấn đề này chưa có. Nếu an nhiên xem đó chỉ là những tin đồn vu vơ, báo động giả sẽ thành báo động thật và thảm họa được báo trước sẽ xảy ra!
TRÚC QUÂN