Bảo hiểm y tế giá rẻ gặp khó

Khi Heni Karmilac muốn tìm một bác sĩ khám cho mẹ mình tại một bệnh viện công ở Jakarta, cô phải xếp hàng chờ 9 giờ. Heni than thở: Người chờ đến lượt lấy số khám bệnh rất đông, gồm cả người cao tuổi, phụ nữ mang thai và cả những em bé rất nhỏ. Đây là tình trạng phổ biến tại Indonesia trong 3 năm qua, kể từ khi chính phủ nước này tạo ra một hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia được cho là lớn nhất thế giới. Hệ thống này nhằm mục đích cung cấp cho 255 triệu người dân của Indonesia một mạng lưới y tế dễ tiếp cận hơn trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2019. Hiện đã có hơn 160 triệu người dân Indonesia đăng ký tham gia hệ thống bảo hiểm y tế mới với mức phí từ 2 - 6 USD. Đây là mức phí bảo hiểm thấp ở một đất nước với mức thu nhập bình quân đầu người hơn 3.500 USD/năm. Trước khi chương trình này ra đời, hàng chục triệu người dân Indonesia phải sống mà không có bảo hiểm y tế.

Với hệ thống nói trên nhiều người nghèo đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế với chi phí thấp, điều mà trước đây họ chưa từng nghĩ tới. Đối với nhiều người nghèo Indonesia, trước đây khi bị chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo, họ không còn cách nào khác là đi về nhà nhưng bây giờ, họ có thể đủ khả năng điều trị. Hệ thống bảo hiểm mới của Indonesia còn thu hút người tham gia bảo hiểm có các vấn đề sức khỏe nặng và thường không được điều trị trong một thời gian dài, chẳng hạn như bệnh tim, ung thư và tiểu đường.

Cũng nằm trong chương trình cải cách hệ thống bảo hiểm y tế mới, những người có hoàn cảnh khó khăn có thể được điều trị phẫu thuật miễn phí nhờ vào chương trình có tên gọi JKN. Chương trình JKN đã cứu sống được nhiều bệnh nhân và giúp họ có cơ hội được phẫu thuật kịp thời.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phạm vi bảo hiểm y tế được áp dụng tại tất cả các bệnh viện công ở Indonesia với mức phí thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải hiện nay. Bên cạnh đó, chương trình bảo hiểm này đang khiến nhiều người lo thâm hụt ngân sách của chính phủ, do thu không đủ chi.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiện Chính phủ Indonesia chỉ chi khoảng 3% GDP cho hệ thống chăm sóc sức khỏe trong nước, vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Điều này đã dẫn đến tình trạng cơ sở hạ tầng tại các bệnh viện công chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu khám chữa bệnh đang gia tăng nhanh chóng tại quốc gia này. Đã có một số khuyến cáo cho rằng, Chính phủ Indonesia cần phải làm tốt hơn việc tính toán mức phí bảo hiểm sao cho khả thi nhất hoặc tìm kiếm các nguồn tài trợ bổ sung cho chương trình. Nếu chương trình thất bại có khả năng gây biến động xã hội. Thâm hụt ngân sách từ chương trình còn gây bất ổn cho nền kinh tế của Indonesia.

Người Indonesia rất hưởng ứng chương trình bảo hiểm y tế mới, bằng chứng là có hơn 80% cho biết họ hài lòng với các dịch vụ y tế giá rẻ. Tuy nhiên, nếu mức phí bảo hiểm tăng trong thời gian tới theo khuyến cáo thì e rằng những người dân đang quen với mức phí bảo hiểm giá rẻ sẽ có phản ứng.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục