Bảo hiểm y tế toàn dân!

Hôm nay (1-7), Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam lần thứ 2 và cũng là cột mốc đánh dấu tròn 1 năm Luật BHYT đi vào cuộc sống. Trong 1 năm qua, những quy định mới về chính sách BHYT được thực thi đã có những tác động không nhỏ tới cuộc sống người dân. Với một số quy định thông thoáng, cởi mở hơn giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế, khám chữa bệnh tốt hơn, BHYT đang dần thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều người.

Tính đến nay, cả nước đã có gần 53 triệu người được cấp thẻ BHYT, đồng nghĩa với việc khoảng 62% dân số nhận được sự bao phủ, giúp đỡ của BHYT mỗi khi ốm đau. Không chỉ vậy, rất nhiều nhóm đối tượng khó khăn như người nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thụ hưởng quyền lợi về BHYT.

Đồng thời, với việc mở rộng diện thanh toán và thụ hưởng, trong vòng 1 năm qua, đã có hàng trăm ngàn người bệnh hiểm nghèo sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn như mổ tim, điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo, thay khớp… đã được BHYT thanh toán.

Rõ ràng, BHYT đang mang lại những thuận lợi và sự hỗ trợ không nhỏ cho người dân, nhất là người nghèo. Điều này càng khẳng định thêm tính ưu việt của BHYT - một chính sách góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta. Tuy vậy nhưng không khó để nhận thấy, trong quá trình thực thi một năm qua, chính sách BHYT mới đang bộc lộ không ít vấn đề bất cập, tồn tại, thậm chí làm khó cho cả người dân và cơ quan chức năng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên trong buổi họp báo mới đây về BHYT đã thừa nhận, việc mở rộng, phát triển thêm đối tượng tham gia BHYT vẫn còn rất hạn chế. Quá trình cấp phát và đổi thẻ BHYT mới trẻ em dưới 6 tuổi tại không ít tỉnh, thành phố vẫn rất chậm, gây ra khó khăn, phiền hà cho đối tượng này mỗi khi đi khám chữa bệnh. Tình trạng chỉ định lạm dụng xét nghiệm, thuốc chữa bệnh đối với bệnh nhân đi khám BHYT làm bội chi Quỹ BHYT vẫn diễn ra phổ biến tại không ít bệnh viện.
 
Đặc biệt quy định bắt buộc cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh 5% đã khiến cho người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo, người mắc bệnh mãn tính gặp rất nhiều khó khăn, phiền hà khi khám chữa bệnh BHYT, nhưng đáng tiếc cơ quan chức năng vẫn loay hoay chưa tìm ra được hướng giải quyết thỏa đáng.

Thậm chí, với quy định về thanh toán BHYT cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông còn bị Bộ Tư pháp 2 lần “thổi còi” nhắc nhở Bộ Y tế và cơ quan chức năng khác phải xem xét sửa đổi vì không phù hợp với Luật BHYT, gây khó khăn, thậm chí đánh đố người bệnh và cơ quan chức năng. Thế nhưng cho tới nay, sau không ít lần bàn thảo, xem xét thì hướng giải quyết cho vấn đề này được Bộ Y tế đưa ra vẫn bị đánh giá khó thực thi.
 
BHYT là một chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta, là hình thức bảo hiểm mang ý nghĩa nhân đạo, có tính cộng đồng chia sẻ sâu sắc, không vì mục đích lợi nhuận, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên với không ít vấn đề bất cập tồn tại và cả mới nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật BHYT một năm qua đang có ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới mục tiêu BHYT toàn dân.

Chủ đề hành động của Ngày BHYT Việt Nam năm 2010 là “Tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực thực hiện chính sách pháp luật về BHYT”. Đòi hỏi Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng cần phải quyết tâm, khẩn trương có biện pháp giải quyết hiệu quả những tồn tại, bất cập trong thực hiện chính sách BHYT, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT và tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân khi tham gia BHYT.

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục