Bảo tồn làng cổ phải tôn trọng cộng đồng

(SGGP).- Một lần nữa, câu chuyện về bảo tồn làng cổ lại được các nhà khoa học, nhà quản lý đã đưa ta bàn thảo trong hội khoa học với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ tại Hà Nội” do Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 27-12 tại Hà Nội. Rất nhiều ý tưởng hay và giải pháp đã được đưa ra.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, hiện Hà Nội có khoảng 60 làng cổ như Đông Ngạc (Từ Liêm), Bát Tràng (Gia Lâm)… Nhiều ngôi làng có sự đan xen phong cách truyền thống với phong cách Pháp như làng Cựu (Phú Xuyên), Cự Đà (Thanh Oai)… nhưng chỉ có một làng cổ được công nhận là Di tích quốc gia, đó là Đường Lâm. Song không chỉ Đường Lâm mà nhiều làng cổ ở ven đô như làng Mơ, làng Đông Ngạc cũng đang chịu ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa dẫn đến sự thay đổi về cảnh quan, văn hóa trong làng xã cũng như cuộc sống của người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, cũng tỏ ra vô cùng tiếc nuối trước không gian của các làng cổ đang ngày càng mai một và đang đối diện với nguy cơ bị biến mất như làng Cự Đà bởi rất nhiều kiến trúc cổ, làng cổ đã bị phá đi xây mới. Tuy nhiên, không thể trách người dân đã phá nhà cũ, xây nhà mới, làm mất không gian làng cổ.

Đồng tình với quan điểm trên song PGS-TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nhấn mạnh, việc bảo tồn phải nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng ở làng, xã hội, vì vậy, phải đặt con người và nhu cầu của họ ở làng đó vào trung tâm của việc bảo tồn. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn chủ yếu quan tâm đến việc kéo dài tuổi thọ, giữ nguyên gốc và ít quan tâm đến sự sống xung quanh di tích. Trong khi, việc bảo tồn là phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phải góp phần đem lại lợi ích cho cộng đồng.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục