Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong tuần qua chủ yếu liên quan đến xe khách, xe tải, hoặc đối đầu hoặc xe tự lật. Đây là vấn đề đã được tiên liệu trước nhưng việc này vẫn diễn ra và diễn biến ngày càng nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng nhiều người một lúc, khiến dư luận bàng hoàng, lo ngại.
Để xảy ra tai nạn, theo thống kê, phân tích của cơ quan điều tra, lỗi chủ yếu vẫn thuộc về người điều khiển phương tiện, như cố tình phóng nhanh vượt ẩu, thiếu quan sát, ngủ gật... Vì vậy, để hạn chế tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe tải, xe khách, điều đầu tiên phải nói đến là ý thức người lái xe.
Nếu họ không ý thức được trách nhiệm của bản thân và hàng chục sinh mạng hành khách trong suốt hành trình dài, không nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn một cách nghiêm túc, cẩn trọng thì tai họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Điều phát sinh khác là công tác quản lý đội ngũ lái xe, đặc biệt là xe tải, xe khách, xe container cũng đang có nhiều bất cập, cần phân tích và xử lý thấu đáo.
Lâu nay, chúng ta chú trọng các giải pháp quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe và thực tế trong 10 năm trở lại đây, công tác đào tạo đã có những tiến bộ rõ rệt. 100% cơ sở đào tạo đã có hệ thống sát hạch tự động, các điểm thi được lắp camera giám sát, do vậy tác động của con người vào công tác kiểm tra, sát hạch rất ít. Hiện Bộ GTVT cũng đang triển khai hệ thống quản lý bằng lái xe thống nhất trên toàn quốc nhằm góp phần hạn chế dần tình trạng bằng giả. Thế nhưng, chất lượng đội ngũ lái xe vẫn rất đáng lo ngại. Điều đáng nói ở đây là, công tác hậu kiểm khi lái xe đã tốt nghiệp, đã cầm vô lăng đang bị buông lỏng. Các lái xe đang hành nghề với ý thức thế nào là câu chuyện liên quan đến chủ sở hữu lao động, đó là các doanh nghiệp vận tải. Thế nhưng, có một thực tế rất đáng giật mình là đội ngũ lái xe tải hiện nay hầu như không được các doanh nghiệp ký hợp đồng lao động, để trốn thuế, trốn bảo hiểm. Còn với đội ngũ lái xe khách, các doanh nghiệp cũng đang đẩy áp lực lên vai người điều khiển phương tiện với hình thức khoán doanh thu, doanh số cho lái xe. Khi ý thức sử dụng lao động của chủ doanh nghiệp còn như vậy thì làm sao kiểm soát, quản lý tốt đội ngũ lái xe?
Nghị định 71 sửa đổi và một số thông tư mới được ban hành, từ 1-7-2013, trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải được quy định lớn hơn. Bên cạnh xử phạt lái xe vi phạm còn xử phạt cả doanh nghiệp vận tải, mà hình thức cao nhất trong xử lý hành chính là tước giấy phép kinh doanh. Ngay trong tháng 6-2013, Bộ GTVT cũng sẽ tiến hành quản lý các chủ sở hữu lao động, sở hữu phương tiện thông qua việc triển khai lắp đặt, khai thác thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, các cấp quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu để có những quy định phù hợp hơn, những chế tài đủ mạnh đối với các doanh nghiệp vi phạm liên quan đến an toàn giao thông.
Làm sao để mỗi hành khách lên xe không còn nơm nớp nỗi lo đối diện với tử thần, làm sao để những người ở nhà không phải lo đến cháy gan cháy ruột khi người thân của mình đang giao sinh mạng trên những chuyến xe khách đường dài? Điều đó trông chờ rất nhiều vào chất lượng đội ngũ lái xe và công tác quản lý nhà nước hiệu nghiệm, hiệu quả. Khi sinh mạng của hàng chục con người trong suốt hành trình được gửi gắm vào người lái xe thì việc kiểm soát đội ngũ này phải được đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh hệ thống giao thông của chúng ta còn đang quá tải, chất lượng đường sá xuống cấp, ý thức người tham gia giao thông yếu kém thì ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lái xe càng là yếu tố tiên quyết để hạn chế các tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra. Chính vì vậy mà việc quản lý chặt chẽ từ khâu đào tạo và suốt quá trình hành nghề là mục tiêu trong nhiều chương trình hành động mà Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã và đang triển khai.
Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia)