Bất lực với xe dù, bến cóc

Mặc dù TPHCM đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử phạt xe dù, bến cóc nhưng vấn nạn này vẫn không giảm. Điều này đã buộc dư luận đặt ra nhiều câu hỏi…
Bất lực với xe dù, bến cóc

Mặc dù TPHCM đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử phạt xe dù, bến cóc nhưng vấn nạn này vẫn không giảm. Điều này đã buộc dư luận đặt ra nhiều câu hỏi…

Có người chống lưng?

Thanh tra Giao thông (TTGT) Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã chỉ rõ các hình thức xe dù, bến cóc đang hoạt động trên địa bàn TP như sau: Xe chạy tuyến cố định liên tỉnh hoạt động trong bến, có lên tài, chuyến nhưng khi ra khỏi bến thì đón khách dọc đường; xe đăng ký hoạt động trong bến nhưng lại không vào bến; xe du lịch lữ hành (open tour), xe hợp đồng đăng ký chở khách du lịch theo lịch trình nhưng trá hình chở khách theo tuyến cố định. Nhận diện rõ ràng như thế nhưng các ngành chức năng như TTGT, cảnh sát giao thông (CSGT) vẫn cho rằng có nhiều khó khăn trong việc xử lý xe dù, bến cóc.

Một số quy định của Luật Giao thông đường bộ và Luật Du lịch còn chồng chéo nhau, vận dụng luật này, không khéo sẽ vướng luật kia. Doanh nghiệp vận tải lại thường đăng ký kinh doanh cùng lúc nhiều loại hình vận tải hành khách hoặc một phương tiện được đưa vào hoạt động dưới nhiều hình thức vận tải khác nhau… Điều này gây khó cho ngành chức năng trong việc xác định xe có chạy “dù” hay không…

Xe dù hoạt động trên địa bàn TPHCM

Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều chuyên gia về giao thông lại nhận định Nghị định 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô cùng Thông tư 63 của Bộ GTVT quy định về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã xác định rõ những điểm khác nhau giữa xe khách liên tỉnh và xe khách đăng ký chở khách du lịch theo lịch trình cụ thể. Theo đó, xe khách liên tỉnh đón trả khách tại bến xe khách liên tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền công bố, đưa vào khai thác. Xe đăng ký chở khách du lịch được đón trả khách tại địa điểm thỏa thuận giữa hai bên và được ghi trong hợp đồng. “Địa điểm đón khách rất khác nhau như vậy. Họ cố tình không hiểu hay là vì lợi ích riêng tư khác?”, một chuyên gia nhận định.

Trong nhiều cuộc họp về chấn chỉnh tình trạng xe dù, bến cóc, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã thẳng thắn nhận xét: “Nói bảo kê thì có thể chưa hẳn nhưng chắc chắn phải có ai đó đứng ra tổ chức điều hành thì các xe mới vào nội thành đón trả khách trái quy định được. Tình trạng xe dù, bến cóc diễn ra nhức nhối, song TPHCM xử lý khá ì ạch. Tại sao hơn 300 cán bộ TTGT mà không xử lý được? Vô lý!”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường cũng cho rằng, việc nhận diện xe dù, bến cóc đã rõ. Các giải pháp đã được đưa ra như đề xuất gắn camera theo dõi lộ trình xe, cắm biển cấm dừng, đậu đối với ô tô lớn… Nhiều quy định đã được sửa để lực lượng chức năng có đủ điều kiện xử lý vấn nạn này. Lãnh đạo TP cũng chỉ rõ các cơ quan thực thi nhiệm vụ, trong đó Sở GTVT chủ trì, Ban An toàn giao thông là cơ quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Ai không làm nghiêm túc sẽ bị xử lý. Đơn vị nào làm không được thì phải giải trình với Chủ tịch UBND TPHCM. Vậy tại sao xe dù, bến cóc vẫn tồn tại?

Xe đậu đón khách trên đường Hùng Vương ngày 5-10. Ảnh: THÀNH TRÍ

Luật vẫn có… vấn đề?

Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Hoàng Minh cho rằng, đã có sự “vận dụng” các quy định của pháp luật trong các đơn vị vận tải. Điều luật thường được “vận dụng” là: Xe du lịch được đón khách tại địa điểm ghi trong hợp đồng, nên các đơn vị vận tải thành lập văn phòng, chi nhánh, địa điểm kinh doanh trong nội thành và sử dụng xe hợp đồng, xe du lịch đón trả khách tại các địa điểm này. Trong khi đó, sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, việc hậu kiểm ở nhiều nơi còn chưa được thực hiện (kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện - PV). Lợi dụng việc này, nhiều đơn vị vận tải đã “dùng” địa điểm kinh doanh làm nơi đón, trả khách không khác gì một bến xe. Đó là cách một “bến cóc” hình thành.

Ngoài ra cũng phải nói, nhiều đơn vị vận tải bỏ bến ra ngoài hoạt động do chỉ được xuất bến theo quy định. Nhiều bến xe khách tự xây dựng một số loại giá, mức thu và các đơn vị vận tải phải chịu các loại giá đó mới được đưa xe vào bến hoạt động. Đã vậy, tại một số bến xe còn chưa tổ chức tốt dịch vụ phục vụ cho các đơn vị vận tải và hành khách khi vào bến lên xe. Tuy nhiên, ở góc độ khác, ông Văn Công Điểm, Phó Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang - một trong 10 doanh nghiệp vận tải có đơn gửi Thành ủy, UBND TPHCM kiến nghị xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, cho rằng các quy định của pháp luật đã đầy đủ và rõ ràng. Chỉ cần quan sát, đi thực tế sẽ không khó để phát hiện ra “cách vận dụng luật để nhập nhằng giữa xe du lịch và xe khách liên tỉnh”.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, nhận xét mỗi lần triển khai chống xe dù, bến cóc, cơ quan thực thi nhiệm vụ đều nói luật pháp còn thiếu cái này, cái kia nên khó xử lý. Vậy tại sao cùng chung hệ thống pháp luật mà ở nhiều địa phương không có xe dù, bến cóc, còn TPHCM lại có? Những kẽ hở của pháp luật mà các doanh nghiệp vận tải “vận dụng” đã được nhiều chuyên gia đề cập tới, TP đã chống xe dù, bến cóc hàng chục năm, vậy tại sao không khắc phục được ?

Xe trá hình hoạt động đưa đón khách trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TPHCM

Để giải quyết tình trạng xe dù, bến cóc, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM thành lập tổ liên ngành kiểm tra hoạt động đón trả khách trên địa bàn TP do Ban An toàn giao thông làm tổ trưởng. Ngoài quy định quản lý chuyên ngành về vận tải đường bộ, tổ liên ngành sẽ xem xét tổng hợp các quy định khác về quy hoạch, quyền sử dụng đất, thương mại, an ninh trật tự, an toàn giao thông (chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi đón trả khách); qua đó sẽ đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp chấn chỉnh.

Đối với các tụ điểm bến cóc, xe dù gây mất trật tự an toàn giao thông, sở sẽ công bố trên trang web. Sở GTVT sẽ tiếp tục lắp đặt biến báo cấm dừng, cấm đỗ đối với phương tiện xe khách trên 9 chỗ ngồi tại các khu vực, tuyến đường có xe khách vi phạm quy định hoạt động vận tải. Đối với các tuyến cố định, rà soát và tiến hành công bố những vị trí, điểm được thực hiện đón, trả khách. Hiện trên địa bàn TP có 57 đơn vị vận tải tham gia khai thác 200 tuyến vận tải hành khách với 2.003 xe hoạt động.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM, Bộ GTVT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những quy định quản lý vận tải hành khách đường bộ phù hợp với thực tiễn quản lý, không để quy định có kẽ hở, dễ hợp thức hóa hoặc dễ lợi dụng để hoạt động biến tướng.

Tình trạng xe dù, bến cóc đã xuất hiện ở TPHCM gần 20 năm nay. TPHCM đã rất nhiều lần ra quân xử lý nhưng chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”. Xe dù, bến cóc tồn tại, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự nói chung và trật tự an toàn giao thông TPHCM nói riêng.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục