Có thể nói, với sự chỉ đạo, đốc thúc của Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, không để người dân nào không có tết. Những ngày cận tết đã không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Hoạt động chúc tết, thăm hỏi, động viên nhân dân, chiến sĩ đón tết an vui của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, mặt trận, các cấp, các ngành tổ chức kịp thời, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Hộ nghèo, những người hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, người không có nơi nương tựa... cũng được quan tâm, giúp họ ấm lòng, có điều kiện đón tết vui xuân.
Kỳ nghỉ tết còn kéo dài đến hết mùng 6 tháng Giêng, sau đó mới là sự “trở lại” để bắt đầu với nhịp độ công việc, học tập của toàn thể xã hội. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” - đó là tâm lý tồn tại lâu nay với khá nhiều người, vì thế rất dễ tạo thành rào cản làm chậm lại tiến độ xử lý công việc ở nhiều bộ phận, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung. Đó là lý do mà năm nào, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cũng chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, cơ quan, địa phương bên cạnh vui tết và lo tết cho người dân, cần lo sản xuất, đời sống kinh doanh, dịch vụ để đẩy mạnh phát triển, để ngay sau nghỉ tết bắt tay vào việc, không được chậm trễ, chểnh mảng, kể cả cơ quan hành chính, dịch vụ. “Hạn chế những mặt tiêu cực của lễ hội trong dịp tết và sau tết. Xử lý, giải quyết công việc ngay ngày làm việc sau tết, không để chậm trễ công việc do nghỉ tết, nhất là những công việc tồn đọng từ trước tết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công việc của người dân…”, đó là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong những năm qua.
Có thể thấy, tình hình kinh tế xã hội tháng đầu tiên của năm 2019 tiếp tục xu hướng tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã nhìn nhận thời cơ của chúng ta rất lớn, các ngành, các địa phương phải sẵn sàng đón nhận. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 0,1% so với tháng 12-2018; tỷ giá, lãi suất ổn định (Ngân hàng Nhà nước đã mua được trên 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối). Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng gần 8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 9,2%, vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 27,3%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 114%; xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 3,2% (kể cả dầu thô)... Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6% năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, cao hơn bình quân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và ASEAN. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong danh sách 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới do hãng tin Bloomberg xếp hạng (45,92/100 điểm)… Dù có nhiều tín hiệu tốt, nhưng trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam quá lớn. Việc chủ quan, sơ suất trong điều hành sẽ dẫn đến hậu quả lớn.
Do đó, việc thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới cơ chế điều hành ngay sau tết, ngay từ quý 1, nhất là những lĩnh vực, công trình quan trọng mà đất nước đang có nhu cầu cao. Đặc biệt là trong vấn đề giao vốn, phải xử lý nhanh, đúng quy định, công khai, minh bạch, đi liền với đó là giao sớm, đôn đốc giải ngân kịp thời, để “đồng tiền hạt gạo” đến nơi, đến chốn, không được để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xử lý các nguồn vốn liên quan. Hay đối với các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cần chủ động rà soát, nắm tình hình, đời sống của người dân, xử lý bất cập, tồn tại, không để tái diễn những vấn đề mà năm qua mắc phải…
Việc thực hiện phải đồng bộ từ trên xuống dưới, không để “trên nóng dưới lạnh”. Cần vào việc với tinh thần “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Hơn ai hết, các thành viên Chính phủ cần tập trung đổi mới trong công tác điều hành và quản lý để tập trung vào những việc quan trọng của đất nước. Như Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngay sau tết, sẽ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để quyết định một số vấn đề đối với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ để bảo đảm tuyến đường nhanh chóng đi vào hoạt động, phục vụ sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long…