Bệnh hình thức?

Vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với UBND các quận, huyện về vấn đề thực hiện cơ chế thu và sử dụng học phí, miễn giảm học phí trên địa bàn từ năm 2010 đến 2013.

Ở phần trao đổi với các trường THCS trên địa bàn quận 1, đại diện Trường THCS Trần Văn Ơn đã nêu lên một bất cập khiến nhiều đại biểu “mắt tròn mắt dẹt”. Đó là khi đề cập đến vấn đề tổ chức các môn ngoại khóa, đại diện nhà trường cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đưa bơi lội vào một trong những môn học thể dục lấy điểm bắt buộc của nhà trường. Đối với những học sinh bị bệnh mãn tính hoặc có lý do chính đáng không thể xuống hồ bơi, giáo viên cho các em học lý thuyết trên bờ và cũng thi lấy điểm như những bạn học dưới hồ. Riêng những em đã giành huy chương vàng, bạc, đồng các giải bơi lội cấp thành phố, đạt danh hiệu đại kiện tướng ban đầu không có ý định học bơi nhưng qua sự thuyết phục của nhà trường, tất cả đều đồng ý theo học”. Đây là một trong những trường THCS hiếm hoi của quận 1 có điều kiện xây hồ bơi ngay tại trường, phục vụ nhu cầu học tập và rèn luyện ngoại khóa của học sinh.

Tuy nhiên, không ít người có mặt tại hội trường hôm đó lắc đầu ái ngại. Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, cũng bày tỏ: “Chủ trương phổ cập bơi lội cho học sinh TP là cần thiết. Song đối với những trường hợp các em không thể tham gia học bơi, việc dạy lý thuyết có thực sự mang lại hiệu quả? Những em đã là đại kiện tướng, đạt danh hiệu, huy chương tại các cuộc thi bơi lội lớn, nhỏ của TP nay chỉ vì một con điểm mà bắt các em học lại từ vỡ lòng thì có quá tội nghiệp các em?”. Làm không khéo, dạy bơi trên bờ sẽ trở thành một hình thức dạy học đối phó, nặng tính hình thức hơn là mục đích hạn chế tai nạn đuối nước và rèn luyện sức khỏe cho học sinh.

“Học thuộc lòng lý thuyết bơi trên bờ tin rằng học sinh nào cũng đạt điểm 9, 10. Dựa vào đó, nhà trường có thể tự hào công bố đã phổ cập 100% kiến thức bơi lội cho học sinh song trên thực tế không phải em nào cũng có thể thực hành hiệu quả”, một đại biểu bày tỏ.

Như vậy, vô hình trung chúng ta đã cổ vũ cho căn bệnh thành tích nhiều năm qua của ngành giáo dục, trong khi người chịu thiệt thòi là chính học sinh.

Tương tự là trường hợp của môn giáo dục công dân, môn học mà hiện nay được nhiều người đặt tên là “tả-pín-lù”. Khi tình hình giao thông đất nước có nhiều bất cập, giáo dục công dân đẩy mạnh tuyên truyền đội nón bảo hiểm và bảo đảm an toàn giao thông. Trước đó, khi phong trào yêu thử, sống thử rộ lên trong một bộ phận giới trẻ, môn học này được tích hợp thêm hàng loạt nội dung về giới tính… Kể ra sơ sơ vậy để thấy, cách làm của chúng ta hiện nay quá cứng nhắc, nội dung tích hợp trong các môn học chạy theo phong trào nhiều hơn là quan tâm nhu cầu chính đáng của học sinh.

Trong khi bản thân các môn học ở chương trình chính khóa đã có sẵn những nội dung này, dung lượng ít hoặc nhiều tùy vào mỗi cấp học. Vì vậy, việc tích hợp thêm một nội dung nào đó chỉ khiến các em thêm quá tải, ngao ngán học môn này hoặc môn khác. Và trên hết, điều đó thỏa mãn sự an lòng cho xã hội nhiều hơn là bảo vệ quyền lợi chính đáng của những chủ nhân tương lai của đất nước.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục