Bệnh thành tích xây dựng nông thôn mới

Rạch Chèo là một xã vùng sâu thuộc huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Theo báo cáo của địa phương, quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đạt 19/19 tiêu chí, 4/5 ấp đạt chuẩn văn hóa; thu nhập bình quân đầu người trên 38 triệu đồng/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt trên 85%; hộ nghèo còn 91 hộ, chiếm 3,9% hộ dân; đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội. Chính vì thế, ngày 20-3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định công nhận xã Rạch Chèo đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Sau đó, UBND huyện Phú Tân ban hành thư mời các cơ quan, đơn vị dự lễ công bố.

Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Cà Mau có chỉ đạo tạm dừng. Nguyên nhân tạm dừng là vì qua kiểm tra, khảo sát, Thường trực UBND tỉnh Cà Mau nhận thấy 4 vụ việc xảy ra trên địa bàn xã Rạch Chèo cần tiếp tục rà soát, xác minh làm rõ. Cụ thể như việc cho hộ dân thuê đất để nuôi sò huyết sai thẩm quyền; việc người dân đào đất, chặt cây mắm mọc tái sinh ven sông… Có thể thấy, quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về tạm dừng công nhận xã Rạch Chèo đạt chuẩn NTM là rất dứt khoát, thể hiện sự khách quan, nhằm đảm bảo quá trình xây dựng NTM phải thực chất.

Câu chuyện xã Rạch Chèo không riêng biệt, và tất nhiên, chưa dừng lại ở đó, vì chỉ tính riêng ở ấp Rạch Chèo đã có tới 23 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo rất khó có khả năng thoát nghèo vì những hộ này già yếu, bệnh tật, không điều kiện làm ăn. Ngay như tại huyện NTM thứ 2 của ĐBSCL là huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), một số địa phương vẫn chưa có điện, nước sạch, đường giao thông nông thôn trắc trở. Điều này hoàn toàn đi ngược lại chủ trương xây dựng NTM là làm cho đời sống người dân nông thôn được cải thiện đáng kể!

Hơn 7 năm qua, chương trình xây dựng NTM đã thực sự trở thành một cuộc cách mạng ở nông thôn, đem lại những thay đổi to lớn cả về diện mạo ngành nông nghiệp và chất lượng cuộc sống cho nông dân trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chương trình cũng còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản do bệnh thành tích trong xây dựng NTM. Có thời điểm, nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM trên phạm vi cả nước lên tới hơn 16.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, số nợ trên đã giảm còn khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là bài học lớn cho việc “làm trước, trả sau” mà nhiều địa phương đã mắc phải.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM không chỉ đạt chuẩn rồi thôi. Vì nếu không tiếp tục phấn đấu và giữ vững các tiêu chí, khả năng rớt chuẩn là... bình thường. Theo rà soát ở một số địa phương ở ĐBSCL, số xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2016 có nguy cơ rớt chuẩn cao nhất. Khó khăn đối với nhóm xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2016 là sự điều chỉnh Bộ Tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chỉ tiêu thay đổi, dẫn đến địa phương gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình xác định đánh giá mức độ đạt tiêu chí NTM của xã như chỉ tiêu về đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ tiêu về chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc chỉ tiêu về bình đẳng giới, về lực lượng dân quân vững mạnh rộng khắp. Đặc biệt ở tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, xã phải có hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Các xã được công nhận từ năm 2016 về trước chỉ cần có tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả đã đạt yêu cầu tiêu chí, nên phát triển hợp tác xã kiểu mới là khá gian nan.

Điều đó cho thấy, nếu địa phương nào xây dựng NTM chạy theo thành tích sẽ làm ảnh hưởng đến chủ trương tốt đẹp xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước. Theo các chuyên gia, để xây dựng NTM bền vững, nâng cao đời sống của nông dân, vấn đề cốt lõi không chỉ là tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn mà là cải thiện năng suất lao động nông nghiệp; nâng cao sức cạnh tranh và giá trị nông sản, để người nông dân yên tâm gắn bó với nông thôn, nông nghiệp, từ đó mà làm giàu cho chính mảnh đất quê mình. Để làm được điều này, cần gắn kết chương trình xây dựng NTM với việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn tới, lực lượng chủ thể mới trong nông nghiệp chính là doanh nghiệp liên kết với nông dân với sự hỗ trợ khuyến khích của Nhà nước, nhà khoa học. Không có doanh nghiệp dẫn dắt, nông sản thiếu thị trường, đời sống nông dân khó khăn thì dù hạ tầng nông thôn có khang trang đi chăng nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Tin cùng chuyên mục