Bệnh viện quận huyện dần lớn mạnh

Song song với việc triển khai Đề án 1816 nhằm giúp đỡ tuyến y tế cơ sở các địa phương khu vực phía Nam, những năm qua các bệnh viện lớn tại TPHCM còn lồng ghép Chương trình 1816 cho y tế cơ sở trên địa bàn. Qua đó, nhiều bệnh viện tuyến quận huyện ở TPHCM đã không ngừng phát triển góp phần không nhỏ vào việc giảm tải bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người dân.
Bệnh viện quận huyện dần lớn mạnh

Song song với việc triển khai Đề án 1816 nhằm giúp đỡ tuyến y tế cơ sở các địa phương khu vực phía Nam, những năm qua các bệnh viện lớn tại TPHCM còn lồng ghép Chương trình 1816 cho y tế cơ sở trên địa bàn. Qua đó, nhiều bệnh viện tuyến quận huyện ở TPHCM đã không ngừng phát triển góp phần không nhỏ vào việc giảm tải bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người dân.

  • Chuyên môn tăng lên, chuyển viện giảm xuống

Sau 2 ngày biếng ăn, nhức đầu, sốt 39,50C, cháu Nguyễn Thị Oanh được bố mẹ đưa vào Bệnh viện quận Bình Thạnh, TPHCM cấp cứu. Qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Do kịp thời chẩn đoán chính xác và điều trị tích cực nên tình hình bệnh của cháu Oanh ngày càng tiến triển tốt. Nhiệt độ cơ thể giảm dần, bệnh nhân tỉnh táo hơn và đặc biệt là việc ứ nước màng phổi do gia đình bệnh nhân đưa cháu đi truyền dịch, cũng dừng lại kịp thời.

Theo bác sĩ Lê Hoàng Quý, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh, với những trường hợp sốt xuất huyết cấp độ 3 ở bệnh nhi những năm về trước bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên điều trị ở tuyến trên. Cụ thể là Bệnh viện Nhi đồng 1 hoặc Nhi đồng 2. Còn hiện nay, sau khi được hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ từ bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện quận Bình Thạnh đã có thể chẩn đoán chính xác bệnh tình và cấp độ của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ, để từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Không chỉ có vậy, thừa hưởng thành quả từ Đề án 1816, các bác sĩ Bệnh viện quận Bình Thạnh hiện đã thực hiện được nhiều danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và vượt tuyến, mạnh dạn điều trị tại chỗ những ca bệnh khó mà trước đây phải chuyển viện như: cấp cứu OAP, nhiễm Ceton máu, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, viêm phổi nặng có suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, tay chân miệng cấp độ 2, mổ ruột thừa…

Các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Tại Bệnh viện huyện Cần Giờ, trước đây, gần như chỉ là trạm trung chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì sau khi được sự “tiếp sức” của các bệnh viện như Phụ sản Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Tai - Mũi - Họng, hiện đã có thể “tự lực cánh sinh” khám, điều trị cho những bệnh nhân mắc các bệnh thông thường như sốt do virus, bệnh lý về răng - hàm - mặt, mắt, tai - mũi - họng, sản phụ khoa… thậm chí là xử lý các trường hợp chấn thương, tai nạn ở cấp độ trung bình.

Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng việc Bệnh viện Cần Giờ làm chủ được một số kỹ thuật cơ bản đáp ứng việc khám chữa bệnh thông thường cho người dân tại địa phương cũng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám và điều trị, đỡ mất công phải vào tận nội thành. Đồng thời góp phần “chia lửa” áp lực quá tải cho các bệnh viện nội thành.

Tuy chưa phải là một con số ấn tượng nhưng với những gì đạt được, đây là hiệu quả rất đáng ghi nhận.

  • Phát huy hơn nữa

Chỉ hơn 2 năm thực hiện hỗ trợ các bệnh viện tuyến quận huyện, các bệnh viện tuyến trên đã có 152 cán bộ y tế luân phiên xuống hỗ trợ bệnh viện tuyến quận huyện. Chuyển giao 43 kỹ thuật, tập huấn 28 lớp y tế với 142 lượt người tham gia. Tổ chức khám chữa bệnh cho gần 10.000 bệnh nhân và phẫu thuật, điều trị tại chỗ cho 129 bệnh nhân nặng.

Đặc biệt theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo thực hiện việc triển khai một số phòng khám chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến quận, huyện theo mô hình phòng khám vệ tinh.

Cụ thể như Bệnh viện Nhi đồng 2 lập phòng khám tại Bệnh viện quận Bình Thạnh, mỗi ngày giải quyết khám cho 200 bệnh nhi. Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM lập phòng khám tại Bệnh viện quận 5, mỗi ngày giải quyết cho hơn 100 ca. Bệnh viện Mắt TPHCM lập phòng khám tại Bệnh viện huyện Nhà Bè. Viện Tim mở phòng khám tại quận 7 và Nhà Bè…

Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi thu hút nhiều bệnh nhân đến điều trị, giúp giảm tải tuyến trên. Ảnh: TR.NG.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi thu hút nhiều bệnh nhân đến điều trị, giúp giảm tải tuyến trên. Ảnh: TR.NG.

Dự kiến năm 2012, ngoài việc tiếp tục thực hiện triển khai Đề án 1816 theo kế hoạch cho các tỉnh thành phía Nam, tại TPHCM cũng sẽ tiến hành hỗ trợ cho các bệnh viện khu vực ngoại thành như Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh…

Theo Sở Y tế TPHCM, sau hơn 2 năm tham gia hỗ trợ các tỉnh thành phía Nam theo sự phân công của Bộ Y tế, TPHCM đã có 24/31 bệnh viện trực thuộc tham gia thực hiện Đề án 1816 để hỗ trợ 64 bệnh viện thuộc 28 tỉnh thành trong khu vực. Chương trình đã huy động được hơn 2.700 y bác sĩ luân phiên về hỗ trợ tuyến dưới. Có tới 26 lĩnh vực chuyên môn và 1.859 kỹ thuật được chuyển giao trong thời gian qua, trong đó 90% được nghiệm thu đánh giá tốt gồm: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Tai - mũi - họng, Răng - hàm - mặt, Mắt, Ung bướu, Chẩn đoán hình ảnh…

Theo thống kê ban đầu, chương trình đã khám, chữa bệnh cho 137.599 lượt người và phẫu thuật cho 5.454 ca tại chỗ thay vì chuyển viện tới TPHCM, góp phần giảm tải không nhỏ cho các cơ sở y tế tại TPHCM và giảm được những khó khăn cho người bệnh.

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục