
Trong 3 ngày (từ 20 đến 22-2-2006), tại thành phố Quảng Ngãi, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần đầu tiên tổ chức hội thảo Thơ Bích Khê. Đây là một hoạt động văn học có ý nghĩa không chỉ giới thiệu một vầng trăng thơ Quảng Ngãi, mà còn là sinh hoạt văn học bổ ích nhân Ngày Thơ Việt Nam

Năm 1939, tập thơ đầu tay “Tinh huyết” được phát hành, báo hiệu một tài thơ thuộc phái tượng trưng Việt Nam xuất hiện - nhà thơ Bích Khê. Nhân 100 năm sinh Bích Khê, lần đầu tiên có cuộc hội thảo thơ Bích Khê được tổ chức ngay trên quê hương Quảng Ngãi.
Điều đó cho thấy nhận xét của Hoài Thanh-Hoài Chân từ năm 1941 là chính xác khi đọc bài thơ “Duy tân” của Bích Khê: “Tôi không chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa…Mà thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc” (“Thi nhân Việt Nam” NXB Văn học. 2004. Tái bản lần thứ 22. Trang 279)
Thơ Bích Khê, nói như Hoài Thanh-Hoài Chân, đọc đôi ba lần coi như chưa đọc, có nghĩa nhiều ẩn ý và khó hiểu một cách thông thường. Đó là nói về cả một bài thơ hoàn chỉnh, nhưng mỗi bài thơ của Bích Khê đều bắt gặp nhưng câu hay.
Trong Tinh Huyết có những câu thơ hay nhất Việt Nam : “Ô ! Hay hồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi? Thu mênh mông” hay mấy câu trong “Tranh loã thể: Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ/ Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này…/Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?”
Nhà thơ Bích Khê tên thậtä là Lê Quang Lương (1916-1946), người làng Thu Xá, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Làm thơ cùng thời với Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu… nhưng in sách thơ muộn hơn.Trước đó ông thử sức mình qua những bài thơ trên các báo Tiếng Dân, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Người Mới với bút danh Lê Mộng Thu...
Việc một tờ báo yêu nước có tinh thần dân tộc là Tiếng Dân của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng in thơ Bích Khê cho thấy thơ Bích Khê hay, và chất chứa lòng yêu quê hương, đất nước nước. 30 tuổi Bích khê có 4 tập thơ “ Tinh huyết”, “Tinh hoa”, “Đẹp” và “ Những vần thơ cũ”.
Bích Khê cùng với các nhà thơ Chế Lan Viên, Xuâân Diệu, Yến Lan, Quách Tấn, Hàn Mạc Tử… đều mê trăng. Chính họ đã tạo nên trong văn đàn một dòng thơ thú vị - thơ Bình Định. Đó là một dòng thơ vừa kết hợp nhuần nhuyễn tài tình giữa tính truyền thống văn hóa Việt Nam với thơ Đường Trung Quốc, thơ lãng mạn Pháp.
Trong những nhà thơ mới, Bích Khê ít được bàn tới. Hy vọng với sáng kiến của cuộc hội thảo “Thơ Bích Khê” do Hội Nhà văn Việt Nam, hội Văn hoc Nghệ thuật Quảng Ngãi tổ chức sẽ giải mã được thơ Bích Khê và “đưa” nhà thơ có tài đến với cuộc sống hôm nay. Nhất là trong văn học nói chung và thơ nói riêng đang cần sự phát triển đúng hướng…
Dạ Sinh