Việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến ra đời năm 2015 đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong tiếp cận thị trường rộng lớn (quy mô dân số khoảng 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP gần 2.000 tỷ USD), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh.
Với AEC, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội trong việc hướng ra thị trường chung. Đặc biệt khi ASEAN đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Với khoảng 90% số dòng thuế giảm xuống 0% vào năm 2015 và phần lớn các dòng thuế sẽ về 0% vào năm 2018, các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN sẽ được hưởng lợi, không phải chịu thuế nhập khẩu, nên có thể hạ giá bán để tăng năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường tại các nước ASEAN cần phải có tính toán chiến lược với từng nhóm thị trường trong khối. Theo Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương), với nhóm các nước ASEAN 6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan), Việt Nam có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản hay học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, công nghệ, quản lý… Song tại các thị trường phát triển này hàng hóa chịu sự cạnh tranh cao như tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã; yêu cầu, thị hiếu người tiêu dùng cao; khó khăn khi tiếp cận các kênh phân phối.
Còn với thị trường nhóm nước phát triển chậm hơn trong khu vực gồm Campuchia, Lào, Myanmar, doanh nghiệp cần tận dụng các lợi thế sẵn có về giá cả, thị trường, những thuận lợi khi đầu tư vào một số lĩnh vực như bất động sản, phân phối, tài chính, sản xuất chế biến. Còn theo GS Noel Jones, Chủ tịch Tổ chức Xây dựng năng lực quốc tế, cơ hội tốt nhất mà AEC mang lại cho Việt Nam nếu biết tận dụng sẽ là cơ hội phát triển thành trung tâm phân phối, trụ sở của các công ty đa quốc gia và nơi tập trung của một số ngành công nghiệp (ví dụ như chế biến thực phẩm).
Tuy nhiên, thị trường ASEAN cũng đang mang lại không ít thách thức cho Việt Nam. Theo nhận định của ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa tận dụng tối đa lợi thế giảm thuế theo các FTA các nước đã ký với ASEAN, thiếu các thông tin về ưu đãi thuế liên quan đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của hàng hóa.
Một nghiên cứu khác của VCCI cũng chỉ ra, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam chính là nhận thức về Cộng đồng kinh tế ASEAN còn hạn chế, khi chỉ có 20% doanh nghiệp biết về những cơ hội và thách thức của cộng đồng kinh tế này. Thách thức tiếp theo là về thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Do thuế suất giảm và hàng rào phi thuế quan được dỡ bỏ, hàng hóa nhập khẩu có khả năng cạnh tranh về giá thành và chất lượng từ các nước trong nội khối như Thái Lan, Malaysia... tràn vào Việt Nam sẽ là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Các mặt hàng như dệt may, giày dép, thủy sản có lợi thế của Việt Nam xuất sang ASEAN sẽ bị thu hẹp do một số thành viên ASEAN cũng có lợi thế sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này. Các sản phẩm điện tử vốn đang nằm trong nhóm xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại từ Thái Lan và Singapore... Trong khi đó, điều quan ngại là mức độ tận dụng các ưu đãi cũng chưa được doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hết. Nghiên cứu từ VCCI cho thấy, hiện chỉ khoảng 25% C/O mẫu D (giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cấp cho hàng hóa xuất khẩu từ một nước thành viên của ASEAN sang một nước thành viên ASEAN khác) được các doanh nghiệp sử dụng.
Chính vì những đặc điểm trên, theo các chuyên gia, nhằm tăng trưởng một cách bền vững tại thị trường ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh khai thác các thuận lợi tại thị trường Campuchia, Lào, Myanmar, cần nhanh chóng tận dụng những lợi thế và ưu đãi để xúc tiến xuất khẩu sang thị trường các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Trước mắt, các doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực hơn nữa đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực này để tăng thị phần, giảm nhập siêu và tiến tới từng bước cân bằng cán cân thương mại với các thành viên ASEAN. Cùng với đó, quan tâm tới việc đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhà nước cũng cần có những hỗ trợ về thông tin qua các cuộc hội thảo, đào tạo, giới thiệu về thị trường ASEAN, những ưu đãi và thuận lợi mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng cũng như những khó khăn mà doanh nghiệp có thể gặp phải, từ đó, doanh nghiệp định hướng chiến lược phát triển sản phẩm tại các thị trường này.
HÀ MY