3 thửa đất bị Nam Á Bank thông báo thu hồi chính là vị trí của chung cư Khang Gia Tân Hương hiện tại (ảnh).
Nợ xấu phát sinh vào năm 2015, khi chủ đầu tư không trả tiền cho ngân hàng theo cam kết. Việc “thu giữ” chung cư sẽ diễn ra vào ngày 15-4, sau đó ngân hàng sẽ đưa tài sản ra bán đấu giá theo quy định - thông báo phát đi từ ngân hàng. Vấn đề đặt ra ở đây, ngân hàng sẽ thu giữ cái gì? Tài sản thế chấp là 3 thửa đất thì giờ đây đã thành chung cư, trong chung cư có cả ngàn cư dân đang sinh sống, chủ quyền của họ được xác lập qua hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, được pháp luật bảo hộ. Vậy, tài sản còn lại của chủ đầu tư trong chung cư này là gì?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban quản trị chung cư, cho biết qua thống kê của cư dân, tài sản của chủ đầu tư hiện tại gần như không còn, vì căn hộ đã bán hết từ đầu; phần sở hữu riêng của chủ đầu tư là trung tâm thương mại tầng trệt, lửng thì đã chia nhỏ thành 71 căn và cũng bán sạch; đối với tầng hầm, phần giữ xe máy là của cư dân, diện tích giữ ô tô thuộc chủ đầu tư nhưng cũng do người khác đứng tên; hồ bơi của chung cư cũng đứng tên người khác!
Thế thì, trong thông báo của Nam Á Bank nêu “Phương thức xử lý: sau khi thu giữ sẽ đưa tài sản ra bán đấu giá theo quy định”, xin hỏi rằng: Tài sản trên 3 thửa đất thế chấp ngân hàng đã thuộc về người khác, ngân hàng đem ra bán đấu giá cái gì ở đó? Chẳng lẽ lấy nhà của cư dân đang ở đem đi bán đấu giá để thu hồi tiền? Rõ ràng, khi Nam Á Bank nói trong thông cáo báo chí rằng “Việc xử lý sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại chung cư Khang Gia” là không đúng thực tế, vì chủ đầu tư chẳng còn gì để cho ngân hàng siết nợ!
Phải chăng mấu chốt của vấn đề, vì không đòi được tiền từ chủ đầu tư nên Nam Á Bank “chơi chiêu” thu hồi hết 3 thửa đất này, khiến cho cư dân bất an, xáo trộn cuộc sống, để buộc chính quyền vào cuộc, gây áp lực đòi nợ cho ngân hàng. Như vậy, lúc này cư dân đã biến thành con tin, bị Nam Á Bank sử dụng trong cuộc mặc cả đòi lại tiền cho mình?
Ai cũng biết, cốt lõi của chuyện vay mượn là thỏa thuận giữa ngân hàng và chủ đầu tư. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, phân tích: Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư có của (tài sản) vẫn chưa thể vay được mà phải có phương án kinh doanh, cùng với phương án trả nợ. Ngân hàng sau khi thẩm định kỹ lưỡng rồi mới giải ngân. Luật còn quy định ngân hàng phải có trách nhiệm theo dõi đồng tiền của mình bỏ ra có được sử dụng đúng mục đích hay không. Tức là theo dõi công trình, đồng tiền giải ngân có làm đúng hạng mục theo cam kết, nếu không là ngưng lại ngay lập tức, chứ không phải quăng tiền ra “một cục” rồi bên vay muốn làm gì thì làm.
Trong trường hợp này, không đòi được tiền là trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngân hàng, chứ không phải lôi cư dân vào cuộc, biến thành con tin để đòi nợ! Nếu ngân hàng cho vay sai, bị mất tiền, thì sẽ bị xử lý theo pháp luật (đó là lý do tại sao rất nhiều cán bộ ngân hàng bị vướng vòng lao lý).Điểm lại các vụ lùm xùm trước đây liên quan đến vay mượn giữa doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và ngân hàng, cho thấy nhiều ngân hàng còn thiếu trách nhiệm trong việc cho vay và quản lý dòng vốn.
Việc tắc trách trong thu hồi lại vốn cho vay đã để lại một hậu quả cực kỳ lớn: Tại TPHCM, một số chung cư đưa cư dân vào ở đã lâu, nhưng vì sổ đỏ khu đất xây dựng chung cư đang thế chấp ở ngân hàng, chủ đầu tư không giải chấp, không làm được giấy chủ quyền cho cư dân! UBND TPHCM đã chủ trì nhiều cuộc họp, nhiều giải pháp đề xuất, trình các bộ trung ương, nhưng sự việc vẫn bế tắc. Bởi vì, ngân hàng có lý lẽ bên cho vay, không đòi được nợ thì không trả sổ; tất nhiên, chính quyền không thể trả tiền vay thay cho chủ đầu tư!
Do đó, nếu xảy ra trường hợp siết nợ như trên thì chính quyền không nên vào vào cuộc với mục đích làm “an dân” rồi sau đó sự việc bị kéo dài, không lối thoát, mà nên để vụ việc diễn ra theo đúng trình tự pháp luật. Chính quyền chỉ vào cuộc theo hướng điều tra chủ đầu tư có làm sai hay không, nếu có thì xử theo quy định của pháp luật; còn đối với ngân hàng cũng thế, cho vay sai sẽ bị xử lý theo pháp luật về tín dụng.