Bộ phim Đấu trí kết thúc ở tập 74, dài hơn 5 tập so với dự kiến ban đầu. Bộ phim Thương ngày nắng về 2 cũng tăng thêm 9 tập. Hương vị tình thân kéo dài thành 136 tập thay vì 120 tập như dự kiến. Trước đó, Về nhà đi con cũng tăng từ 68 tập lên 85 tập, tức vượt 17 tập. Tất nhiên, có số ít trường hợp như Bão ngầm từ 75 tập đã cắt bớt, giảm còn 72 tập.
Việc tăng số lượng tập vốn không xa lạ đối với các phim của VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam). Hiện nay, đa phần các phim do đơn vị này thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, vừa sản xuất vừa phát sóng. Nội dung phim nhất là phần cao trào, phần kết liên tục được gia giảm để tăng độ kịch tính, bất ngờ cho khán giả. Đôi khi ê kíp thực hiện cũng phải bẻ lái để chiều lòng khán giả hay trong trường hợp bất khả kháng như Thương ngày nắng về với những lùm xùm liên quan đến diễn viên chính Hồng Đăng. Một lý do quan trọng khác, vì sức hút phim quá lớn, việc tăng số tập cũng góp phần đẩy doanh thu quảng cáo trong quá trình phát sóng.
Việc tăng số lượng tập phát sóng không hẳn lúc nào cũng mang đến hiệu quả như mong muốn. Như Đấu trí, một số tập phim mở rộng có diễn biến chậm, nội dung vòng vo khiến khán giả phản ứng. Trước đó, Hương vị tình thân cũng bị chê kéo dài những chi tiết thừa thãi, xử lý vấn đề lê thê, đẩy bi kịch câu chuyện quá đà. Điều tương tự cũng xảy ra với Thương ngày nắng về hay ngay cả với bộ phim được mệnh danh “phim truyền hình quốc dân” - Về nhà đi con. Phim lẽ ra đã có cái kết đẹp, trọn vẹn nhưng dần cuốn theo yêu cầu của khán giả nên bị kéo dài thái quá, thậm chí còn có thêm cả phần phụ mang đậm yếu tố quảng cáo.
Hiện nay, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, việc thu hút khán giả với một bộ phim, một chương trình không đơn giản. Làm thế nào để vẫn giữ được sự hồi hộp, bất ngờ và yêu mến nơi khán giả đến tập cuối cùng càng khó hơn. Dẫu biết áp lực doanh thu là rất lớn để bù vào chi phí sản xuất. Nhưng việc cân đối nội dung, thời lượng phát sóng phù hợp cần sự tính toán kỹ lưỡng để cân bằng lợi nhuận đồng thời cho thấy sự tôn trọng khán giả thay vì cố nhồi nhét, “ép” khán giả, biến tác phẩm vốn dĩ đang hay ngày càng nhạt và nhiều sạn.