Biết... và làm

Tình trạng các hãng dược, nhất là các “đại gia” dược nước ngoài thao túng thị trường trong nước bằng các trò “ảo thuật” đẩy giá, góp phần “giết chết” người bệnh không phải là điều xa lạ gì với Cục Quản lý dược Bộ Y tế. Họ hiểu rằng những chiêu “độc quyền phân phối”, “mua bán lòng vòng”, “hãng dược cầm tay bác sĩ kê toa chi hoa hồng”… được các hãng dược tận dụng một cách triệt để nhằm tối đa hóa doanh thu, lợi nhuận. Và đương nhiên gánh nặng giá thuốc đè lên vai người bệnh.

Biết và biết rất rõ nhưng tại sao nhiều năm vẫn chưa có những biện pháp ngăn chặn triệt để? Cách đây 6 năm (năm 2004), Bộ Y tế cho phép Công ty Zuellig Pharma Việt Nam (công ty con của Zuellig Pharma Singapore) trực tiếp nhập khẩu và phân phối độc quyền thuốc tại Việt Nam. Khi đó, Zuellig Pharma Việt Nam đã “tung hoành” thị trường dược trong nước và bị dư luận phản ánh rất gay gắt. Cuối cùng, Bộ Y tế phải “hạ nước” bằng cách hạn chế sự độc quyền của Zuellig Pharma Việt Nam.
 
Những người có thâm niên hoạt động trong ngành dược không ai không biết những giải pháp có thể ngăn chặn tình trạng đẩy giá thuốc của các hãng dược, hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường dược. Và Cục Quản lý dược cũng biết nhưng làm ngơ!

Bộ Y tế quy định doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc tự kê khai giá và khi thay đổi giá thuốc phải được kê khai lại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam. Tuy nhiên, các nước trên thế giới không làm vậy mà quy định doanh nghiệp nhập thuốc về kê khai giá CIF (giá nhập khẩu bao gồm giá gốc, bảo hiểm, cước vận chuyển), sau đó Hiệp hội Quản lý dược hoặc Chính phủ sẽ quy định chi tiết về số phần trăm được tăng.

Nghĩa là doanh nghiệp nhập thuốc về nhưng cơ quan quản lý dựa trên giá CIF để cho phép được bán với một giá phù hợp (tức quy định thặng số bán sỉ, bán lẻ so với giá CIF). Nói cách khác, cơ quan quản lý “trả giá” trước cho người bệnh chứ không thể để doanh nghiệp dược muốn “bóp cổ” người dân bao nhiêu thì… bóp. Để làm được như vậy, Bộ Y tế phải có hội đồng dược để thẩm định giá thuốc nhập khẩu, quy định giá bán sỉ, bán lẻ một cách công minh, phù hợp. Khi đó, doanh nghiệp nào bán giá cao hơn quy định, xử phạt nặng.

Còn chống phân phối thuốc độc quyền, theo nhiều chuyên gia, cứ cho khuyến khích nhập khẩu song song, cùng với đó là khuyến khích mua thuốc phiên bản (generic). Thường thuốc độc quyền rơi vào các loại thuốc gốc, là thuốc hãng bào chế nghiên cứu, phát minh đầu tiên và họ độc quyền phân phối để bù chi phí đầu tư. Tuy nhiên, thuốc gốc chỉ được độc quyền khoảng 20 năm kể từ khi đăng ký bản quyền phát minh, còn sau đó thì các hãng dược khác có quyền sản xuất.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các hãng dược trong nước sản xuất những loại thuốc có hoạt chất tương đương các loại thuốc nhập khẩu độc quyền. Một loại thuốc trị cảm cúm do trong nước sản xuất có hiệu quả điều trị tương đương một loại thuốc trị cảm cúm nhập khẩu thì tại sao không cấm nhập khẩu thuốc đó để tiêu thụ thuốc nội?

Chung quy lại, cơ quan quản lý dược phẩm, cụ thể là Cục Quản lý dược biết rõ những gì có thể hạn chế sự bát nháo của thị trường thuốc hiện nay. Và cũng biết rất rõ người bệnh đang gánh chịu những gì từ giá thuốc “cắt cổ”. Nhưng xem ra, việc áp dụng các giải pháp vẫn còn quá… ít.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục