Biểu diễn ca nhạc ở Đà Nẵng - Ngọn đèn hiu hắt

Tốc độ phát triển đô thị của Đà Nẵng hơn 10 năm qua được xem là “chóng mặt”. Thế nhưng, loại hình nghệ thuật biểu diễn ca nhạc hầu như giẫm chân tại chỗ, nếu không muốn nói thụt lùi.
Biểu diễn ca nhạc ở Đà Nẵng - Ngọn đèn hiu hắt

Tốc độ phát triển đô thị của Đà Nẵng hơn 10 năm qua được xem là “chóng mặt”. Thế nhưng, loại hình nghệ thuật biểu diễn ca nhạc hầu như giẫm chân tại chỗ, nếu không muốn nói thụt lùi.

        Không đất dụng võ!

Trên địa bàn TP Đà Nẵng, các sân khấu ca nhạc chính là Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà biểu diễn đa năng, sân khấu ca nhạc thuộc Cung Thể thao Tiên Sơn. Tuy nhiên, các sân khấu này hầu như chỉ dùng để tổ chức các lễ mít tinh, kỷ niệm hoặc thi đấu thể thao là chính, hiếm khi tổ chức chương trình ca nhạc có sức hút với khán giả. Bỡi lẽ, ở Đà Nẵng hiện nay hầu như không có nhà tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp. Thi thoảng có các chương trình ca nhạc tạp kỹ do các đoàn ca múa nhạc từ TPHCM ra tổ chức được 1 - 2 đêm là dừng. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân Đà Nẵng “khát” loại hình nghệ thuật này.

Anh Lê Đình Vũ (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho rằng: “Những người trung niên ở Đà Nẵng như tôi rất cần những nơi biểu diễn ca nhạc như các sân khấu ca nhạc ở TPHCM. Nhiều khi muốn dẫn vợ con đi xem một chương trình ca nhạc nhưng đành chịu. Tôi biết là hàng tuần tại các quán bar, sàn nhảy ở Đà Nẵng có mời ca sĩ ở TPHCM ra hoặc từ Hà Nội vào nhưng chỗ đó chỉ dành cho giới trẻ. Vì vậy, gia đình muốn đi thư giãn cũng chỉ biết quanh quẩn mấy quán cà phê, nước mía ven đường rồi về”.

Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng được nâng cấp với số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng hiếm khi tổ chức chương trình ca nhạc.

Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng được nâng cấp với số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng hiếm khi tổ chức chương trình ca nhạc.

Ca sĩ ở Đà Nẵng hiện giờ thiếu “đất” để biểu diễn, không thể sống được bằng chính giọng hát của mình. Nhạc sĩ Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Đà Nẵng cho biết, là nghệ sĩ mà không có nơi để diễn, hay lâu lâu mới có dịp được diễn thì ngoài việc không có thu nhập, họ ít có cơ hội tiếp cận đông đảo khán giả để khoe giọng hát của mình với mong muốn có thêm người hâm mộ. Ngoài ra, nghệ sĩ không biểu diễn thường xuyên thì nghề nghiệp sẽ bị thui chột. Vì vậy, bất cứ ai muốn nghề nghiệp phát triển và muốn sống được bằng nghề đều phải tìm nơi khác thuận lợi hơn.

Điều này được chứng minh qua việc nhiều thế hệ ca sĩ tên tuổi như Ánh Tuyết, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Kasim Hoàng Vũ, Lê Cát Trọng Lý… đều có quê gốc Quảng Nam - Đà Nẵng nhưng họ lại chọn mảnh đất khác “dụng võ”. Ca sĩ Quang Hào đã đầu quân về Đà Nẵng hơn năm nay nhưng người dân TP này hiếm khi được thưởng thức giọng ca của anh. Một thực trạng đáng buồn là vì không có đất diễn nên nhiều ca sĩ ở Đà Nẵng chấp nhận hát tại những phòng trà với số tiền cát-sê chỉ 50.000 - 60.000 đồng/bài.

Trong khi đó, tại Nhà hát Trưng Vương, các đêm nhạc diễn ra rất thưa thớt, có tháng không có đêm diễn nào. Nguồn thu của nhà hát chủ yếu từ việc cho các doanh nghiệp, các trường thuê để tổ chức lễ kỷ niệm, hội nghị, còn để hoạt động âm nhạc thì rất ít. “Hai năm trở lại đây, các chương trình ca nhạc tại nhà hát chỉ diễn ra lèo tèo, bầu sô than lỗ do không bán được vé, tự bản thân nhà hát cũng không dám đứng ra tổ chức chương trình vì sợ không có khán giả đến xem”, ông Hoàng Ngọc Chiến, Phó Giám đốc Nhà hát Trưng Vương thừa nhận.

        Cần nhà tổ chức chuyên nghiệp

Cách thưởng thức âm nhạc của người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân miền Trung nói chung thường khắt khe hơn nhiều so với ở miền Nam. Ca sĩ đứng trên sân khấu biểu diễn để nhận được tiếng vỗ tay của khán giả Đà Nẵng không hề dễ. Đó phải là bản nhạc hay, sâu sắc không hời hợt, mang tính giải trí và phải được những ca sĩ tên tuổi trình bày. Đây cũng là một thách thức đối với những ai muốn phát triển sự nghiệp ca hát tại Đà Nẵng.

Thêm vào đó, “văn hóa hâm mộ” của người dân Đà Nẵng dường như kín đáo, trầm lắng hơn so với người dân miền Nam. “Khi phấn khích vì một tiết mục hay, tôi để ý thấy khán giả không bộc lộ niềm yêu thích mạnh mẽ, họ chỉ vỗ tay nhẹ chứ không vỗ mạnh hay có những hành động quá khích”, Nguyễn Lê Na (quận Hải Châu), khán giả của một số chương trình ca nhạc, cho biết.

Sự trầm lắng của người dân Đà Nẵng phần nào làm giảm cảm xúc “sung” của người nghệ sĩ trên sân khấu. Hơn nữa, đa phần người dân Đà Nẵng vẫn chưa hào phóng với việc phải bỏ tiền ra để thưởng thức âm nhạc. Thực tế được chứng minh qua 2 lần tổ chức chương trình Lung linh sắc Việt, mặc dù hội tụ nhiều ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam nhưng số lượng khán giả mua vé rất ít, đa phần đến xem là vé mời.

Ông Hoàng Ngọc Chiến cho biết, do hạn chế “đất” diễn, khán giả ít nên các tụ điểm ca nhạc đã đẩy giá vé lên nhằm mong có đủ chi phí. Riêng giá vé ca nhạc của Nhà hát Trưng Vương dao động từ 250.000 đến 400.000 đồng/vé, đêm diễn có “ngôi sao” thì cao hơn, có khi lên đến 1 triệu đồng/vé. Với thu nhập chưa cao của nhiều người dân Đà Nẵng hiện nay, họ chưa thoải mái khi bỏ tiền ra để thưởng thức âm nhạc.

Những nguyên nhân trên khiến hoạt động âm nhạc ở Đà Nẵng vẫn chưa thể khởi sắc. Người dân Đà Nẵng vẫn trông đợi ở sự thay đổi trong hoạt động âm nhạc từ các nhà tổ chức chuyên nghiệp đem lại luồng sinh khí mới.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục