Trong hai ngày cuối tuần, một cuộc biểu tình rộng lớn nhằm phản đối Công ty Monsanto với sự tham gia của ít nhất 2 triệu người tại 52 quốc gia. Monsanto là công ty hóa chất của Mỹ, từng sản xuất chất độc da cam cho quân đội Mỹ rải xuống làng mạc Việt Nam những năm 1960, cũng như tại nhiều nơi trên thế giới.
Nguy hiểm tiềm tàng
Cuộc biểu tình mang tên March Against Monsanto nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận đối với môi trường nguy hiểm từ thực phẩm biến đổi gien và những sản phẩm do tập đoàn này sản xuất các hạt giống cây trồng biến đổi gien, thuốc diệt cỏ... Trong các cuộc biểu tình trên toàn cầu này, tính riêng tại Mỹ đã có 48/50 bang, kể cả thủ đô Washington, đăng ký tổ chức biểu tình.
Lần biểu tình này được xem là đỉnh điểm của làn sóng biểu tình chống Monsanton diễn ra từ sau khi Quốc hội Mỹ thông qua một chương trình công nghệ sinh học được đặt tên “Đạo luật bảo vệ Monsanto” hồi tháng 3 vừa qua. Các nhà phê bình đã xem đạo luật này là sự mở đường cho phép Công ty Monsanto và các hãng khác có quyền sử dụng công nghệ biến đổi gien để trồng cây lương thực và bán các sản phẩm thay đổi di truyền. Thượng viện Mỹ tuần rồi cũng bác bỏ thẳng thừng dự luật cho phép các bang yêu cầu dán nhãn thực phẩm biến đổi gien.
Trong khi Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm (FDA) không bắt buộc các công ty dán nhãn biến đổi gien lên thực phẩm thì các công ty thực phẩm hữu cơ và nhiều nhóm người tiêu dùng đang thúc đẩy việc dán nhãn cảnh báo này vì theo họ, các hạt giống biến đổi gien đang trôi nổi trên thị trường có thể làm ô nhiễm vụ mùa truyền thống. Trước đó, hàng chục doanh nghiệp thực phẩm và bán lẻ đã viết đơn gửi lên Quốc hội Mỹ trước khi đạo luật này được thông qua, với thông điệp rằng họ sẽ gửi lên Tòa án liên bang những bằng chứng cho thấy các loại cây trồng biến đổi gien có hại cho sức khỏe con người và việc buôn bán chúng là bất hợp pháp. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng đánh giá công nghệ sinh học mới này vẫn còn chứa đựng “những mối nguy hiểm tiềm năng”.
Lý lẽ ngụy biện
Cuộc biểu tình này diễn ra chỉ khoảng 10 ngày sau khi trang Wikileaks công bố hàng trăm ngàn bức điện tín ngoại giao tiết lộ thông tin gây chấn động: Bộ Ngoại giao Mỹ đã tích cực vận động hàng lang cho các sản phẩm của Monsanto. Đó là nguyên nhân vì sao Monsanto, nay trở thành gã khổng lồ của ngành công nghiệp công nghệ sinh học, vẫn ngang nhiên “tấn công” môi trường, nhà nông và người tiêu dùng toàn cầu bằng hành vi sử dụng công nghệ sinh học biến đổi gien và công nghệ thực phẩm di truyền chưa được công nhận. Bất chấp các bằng chứng về tác động của cây trồng biến đổi gien trên thế giới của các nghiên cứu, bằng hình thức vận động hành lang khổng lồ, Monsanto vẫn đẩy mạnh chương trình sản xuất trong phòng thí nghiệm mà không có bất kỳ sự giám sát nào của các chuyên gia hay các tổ chức có yêu cầu nào ở Mỹ và các nước khác trên thế giới.
Phản ứng trước làn sóng biểu tình kỷ lục lần này, đại diện của Monsanto có trụ sở tại St. Louis cho biết họ tôn trọng cách người dân bày tỏ ý kiến, nhưng vẫn khăng khăng cho rằng hạt giống của Monsanto đã cải thiện được ngành nông nghiệp bằng cách giúp nông dân sản xuất ra sản phẩm nhiều hơn mà không cần phải tiêu tốn các nguồn tài nguyên như nước và năng lượng. Công ty này vẫn tiếp tục ghi nhận các kỷ lục mới về lợi nhuận. Báo cáo trong tháng 4 vừa qua cho thấy lợi nhuận ròng của Monsanto đã tăng ở mức 22% và đại diện của công ty cho biết họ mong đợi xu hướng này sẽ tiếp tục.
HẠNH CHI (tổng hợp)