Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: TPHCM phải là đầu tàu của cả nước

6 chương trình đột phá của TPHCM
Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: TPHCM phải là đầu tàu của cả nước

Hôm qua 12-8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về nội dung chuẩn bị Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2010 - 2015. Cùng dự có đại diện một số bộ, ban ngành TƯ.

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

6 chương trình đột phá của TPHCM

Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM đã báo cáo về việc chuẩn bị văn kiện và nhân sự cấp ủy trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX nhiệm kỳ 2010 - 2015 để xin ý kiến Bộ Chính trị.

Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX do đồng chí Lê Thanh Hải trình bày cho hay, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII nhiệm kỳ 2005 - 2010 đề ra 13 chỉ tiêu (trong đó có 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và 1 chỉ tiêu xây dựng Đảng), kết quả thực hiện đạt và vượt 10 chỉ tiêu. Còn 3 chỉ tiêu chưa đạt là tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt trên 11%, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu (chỉ tiêu là 12% trở lên); tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp chỉ tăng trên 10% (chỉ tiêu là từ 12% - 13%) do từ năm 2004 TP tập trung di dời doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi nội thành và chỉ tiêu hàng năm có 75% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh nhưng đến năm 2009 chỉ mới đạt 64,9%.

Dự thảo báo cáo này cho rằng, trong 5 năm qua, TPHCM đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, thể hiện ở 5 lĩnh vực.

Thứ nhất, kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, chuyển dịch đúng hướng và tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Quy mô kinh tế TP năm 2010 bằng 1,7 lần năm 2005; GDP bình quân đầu người ước đạt 2.800 USD, bằng 1,68 lần năm 2005.

Thứ hai, quản lý và phát triển đô thị đạt một số kết quả nhất định, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Thứ ba, giáo dục - đào tạo chuyển biến tích cực. Thứ tư, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, cải cách tư pháp có chuyển biến tích cực. Thứ năm, công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố.

Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Thanh Hải, TP cũng đã rút ra các hạn chế yếu kém là: chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế và cơ cấu lao động chậm, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh chưa cao, vẫn còn 2 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội chưa đạt; kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải, gây bức xúc cho nhân dân, cản trở sự phát triển của TP; chất lượng GD-ĐT và nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, phát triển giáo dục, y tế chưa đáp ứng yêu cầu, thể thao thành tích cao ngày càng suy giảm; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; kết quả công tác xây dựng Đảng trên một số mặt còn hạn chế.

Dự thảo báo cáo cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân hạn chế yếu kém, đồng thời rút ra 5 kinh nghiệm. Trong đó có việc phải chăm lo thực hiện tốt công tác vận động nhân dân, mọi chính sách phải vì nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Ngoài ra, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời phải luôn nhạy bén, sáng tạo, bám sát thực tiễn, kịp thời giải quyết các vấn đề mới nảy sinh, qua đó tổng kết thực tiễn, kiến nghị TƯ bổ sung cơ chế, chính sách hoặc cho TP thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách mới để tổng kết trước khi xây dựng, hoàn thiện và áp dụng cho cả nước (đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu).

Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển TP trong 5 năm tới, báo cáo của đồng chí Lê Thanh Hải cho biết, TPHCM tập trung “nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị bền vững, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”. TP đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó GDP bình quân hàng năm đạt 12%; đến cuối năm 2015, GDP bình quân trên đầu người đạt 4.800 USD, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt trên 70%, đạt tỷ lệ 15 bác sĩ/10.000 dân; cùng thời điểm đó, tỷ lệ hộ dân đô thị được cấp nước sạch đạt 98%, hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; hàng năm có 75% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.

TP cũng đề ra 6 chương trình đột phá trong 5 năm tới: Giảm ùn tắc giao thông; giảm ngập nước (tập trung giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TP, giai đoạn 2016 - 2020, giải quyết cơ bản ngập nước do mưa tại 5 lưu vực ngoại vi và phần diện tích còn lại của TP); giảm ô nhiễm môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; tái cấu trúc nền kinh tế.

TPHCM: Đầu tàu của cả nước

Sau khi nghe đồng chí Lê Thanh Hải báo cáo, tập thể Bộ Chính trị đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo cũng như công tác nhân sự. Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM để đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển chung của cả nước.

“Nhiệm kỳ qua, nửa thời gian đầu là thuận lợi, nửa thời gian sau khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đó là bối cảnh chung. Nhưng trong hoàn cảnh đó, TPHCM vẫn đạt GDP 11%/năm là một nỗ lực lớn. Bộ Chính trị đánh giá TPHCM đã ứng phó rất tốt với tình hình. Tuy vẫn còn 3 chỉ tiêu chưa đạt nhưng so với các địa phương khác, 3 chỉ tiêu này của TP vẫn đạt cao”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tán thành với dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX, tuy nhiên Tổng Bí thư đề nghị trong 5 thành tựu, 5 hạn chế yếu kém của TP cần tập trung nhấn mạnh những vấn đề nổi bật nhất để từ đó có giải pháp giải quyết triệt để nhất, cả về cấp bách lẫn lâu dài. “Tái cấu trúc kinh tế, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập... đó là những vấn đề cần được ưu tiên giải quyết”, Tổng Bí thư gợi ý.

Tổng Bí thư cũng nhắc, phải quan tâm một cách đồng bộ các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa. “Cả nước vẫn tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện, trong đó TPHCM phải là đầu tàu của cả nước, tạo sức mạnh lan tỏa. Vì thế, Bộ Chính trị mong muốn TP tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, phát huy mọi nguồn lực của TP”. Tổng Bí thư cũng gợi mở: “Mục tiêu là đến năm 2020, Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại. TPHCM phải đi trước mục tiêu này 5 năm so với cả nước. Tức là đến năm 2015, TPHCM phấn đấu là TP công nghiệp hiện đại. Điều này cần được TP định hướng rõ”.

Tổng Bí thư cũng nhắc lại các ý kiến đóng góp của Bộ Chính trị đối với TPHCM trong buổi làm việc, như phải nghĩ ngay đến việc tái cấu trúc kinh tế, muốn thế TP phải rà soát ngay vấn đề quy hoạch phát triển. Đồng thời, phải tiếp tục đặt vấn đề rõ hơn vị trí, vai trò của TPHCM đối với sự phát triển của khu vực phía Nam, của cả nước. “Vị trí trung tâm, đầu tàu của TPHCM cần được phát huy, nhất là với truyền thống năng động, sáng tạo của TP. Nếu tái cơ cấu kinh tế được, TP sẽ đạt tốc độ tăng trưởng rất nhanh”, Tổng Bí thư nhận xét.

Từ các vấn đề đã gợi mở, Tổng Bí thư cho rằng, để đạt được các mục tiêu phát triển, TP cần hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng mà quan trọng nhất là công tác cán bộ.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ Chính trị thông qua dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX. Bộ Chính trị đồng ý nhân sự Thành ủy khóa mới có 69 đồng chí, nhân sự Ban Thường vụ Thành ủy khóa mới là 17 đồng chí. Bộ Chính trị cũng đồng ý thời gian Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2010 - 2015 là từ ngày 5 đến 8-10-2010.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục