Bộ Công thương “né” trả lời về giá điện

Chiều 5-8, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Công thương, phóng viên Báo SGGP đã đặt câu hỏi về việc tại sao lại tăng giá điện từ ngày 1-8 trong khi báo cáo của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết 6 tháng đầu năm EVN đã cân bằng được tài chính và doanh thu của EVN đã tăng hơn 23% so với cùng kỳ (7 tháng doanh thu EVN tăng gần 23% so với cùng kỳ).

(SGGP).– Chiều 5-8, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Công thương, phóng viên Báo SGGP đã đặt câu hỏi về việc tại sao lại tăng giá điện từ ngày 1-8 trong khi báo cáo của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết 6 tháng đầu năm EVN đã cân bằng được tài chính và doanh thu của EVN đã tăng hơn 23% so với cùng kỳ (7 tháng doanh thu EVN tăng gần 23% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, hàng loạt các câu hỏi của các cơ quan báo chí khác cũng được nêu ra như tại sao lại không lấy ý kiến người dân về tăng giá điện như chỉ đạo của Chính phủ, tác động của tăng giá điện với giá cả hàng hóa, liệu có minh bạch các thông số đầu vào để tính toán giá điện mới…? Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương đã từ chối trả lời những câu hỏi này.

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, vấn đề giá điện “sẽ không trả lời nữa” do chủ đề này đã được trả lời trước đó. 

Không chỉ né tránh vấn đề về giá điện, đại diện Bộ Công thương cũng tìm cách né tránh câu hỏi liên quan đến thực trạng hiện nay về việc hiện tượng thương lái thu mua đỉa tại một số địa phương trong cả nước.

Xung quanh vấn đề xăng dầu, trước ý kiến cho biết quan điểm về việc vừa qua xăng dầu thế giới giảm và liệu người tiêu dùng trong nước có hy vọng gì về việc giảm giá xăng dầu thời gian tới, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, dù chức năng quản lý nhà nước về giá là Bộ Tài chính nhưng Bộ Công thương vẫn theo dõi tình hình biến động này. Cũng theo vị đại diện này, trong tuần cuối tháng 7 vừa qua đúng là giá xăng dầu thế giới có giảm nhưng để giá trong nước có điều chỉnh còn phụ thuộc vào các yếu tố như: theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu thì giá xăng dầu điều chỉnh căn cứ vào biến động bình quân giá thế giới trong 30 ngày; phụ thuộc thuế nhập khẩu, trích Quỹ bình ổn giá… Việc tăng giảm sẽ căn cứ vào Nghị định 84.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giảm. Tại thời điểm 1-7, chỉ số tồn kho tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước (giảm 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước). Giải thích về việc tồn kho có phải do tiêu thụ hay doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, bà Thoa cho biết, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước đã được cải thiện. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Việc chỉ số tiêu thụ tăng cho thấy sức mua đã tăng lên cùng với xuất khẩu tăng khiến tồn kho giảm.

Về cán cân thương mại, theo Bộ Công thương, với việc xuất siêu 200 triệu USD tháng 7 thì nhập siêu 7 tháng đầu năm chỉ còn 733 triệu USD, bằng 1% kim ngạch xuất khẩu. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 sẽ ở mức 128 tỷ USD, tăng gần 2 tỷ USD so với kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ giao; kim ngạch nhập khẩu cả năm dự kiến 133 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu năm 2013 sẽ khoảng 5 tỷ USD, bằng 3,9% kim ngạch xuất khẩu, trong khi mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao là 8%.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục