
Sau khi Báo SGGP có loạt bài về những vấn đề đặt ra trong chương trình trung học phổ thông phân ban (THPTPB) thí điểm, nhiều bạn đọc đã bày tỏ những bức xúc và thắc mắc. Số phận của chương trình sẽ như thế nào? Có làm đại trà để “đón đầu” học sinh (HS) lớp 9 cả nước đang thực hiện đại trà chương trình cải cách giáo dục năm học 2005-2006?
Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là năm học kết thúc và HS chương trình THPTPB thí điểm sẽ dự kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên nhưng hiện nay Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vẫn chần chừ.
Loạn phương án phân ban
Trao đổi với Báo SGGP vào ngày 28-12, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Lê Quán Tần cho biết, phiên họp toàn thể của Hội đồng Quốc gia giáo dục nhằm lựa chọn phương án phân ban THPT sẽ được dời sang trung tuần tháng 1-2006. Sau khi đã lựa chọn được phương án phân ban THPT, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một quyết định riêng về việc triển khai đại trà chương trình phân ban trong năm học 2006-2007.

Học sinh Trường THPT Bán công Marie Curie, 1 trong 7 trường ở TPHCM đang thí điểm phân ban. Ảnh: MAI HẢI
Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, ông Lê Quán Tần khẳng định Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị triển khai đại trà chương trình phân ban theo cả 2 phương án đã trình Thủ tướng Chính phủ, từ việc chuẩn bị chương trình, sách giáo khoa đến công tác bồi dưỡng giáo viên...
Tuy nhiên, một nguồn tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, một phương án phân ban THPT khác cũng đang được xem xét trình Chính phủ. Theo phương án này, hệ thống giáo dục THPT sẽ chỉ gồm 2 chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.
Trong đó, chương trình chuẩn là chương trình và sách giáo khoa THPT mới (sẽ triển khai đại trà lớp 10 trong năm học 2006-2007) và chương trình nâng cao gồm 8 môn, chia thành 2 ban: Khoa học Tự nhiên có 4 môn nâng cao (Toán, Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội gồm 4 môn (Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ)...
Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã đưa ra rất nhiều phương án cho chương trình THPTPB. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về lựa chọn phương án chính thức và có hay không việc triển khai đại trà chương trình phân ban trong năm học tới hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng quốc gia Giáo dục – ông Lê Quán Tần khẳng định.
Như vậy, một số vấn đề quan trọng của chương trình THPTPB thí điểm đã được Bộ GD-ĐT “đẩy” lên Chính phủ. Trước tình hình này, một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh đã bày tỏ nhiều nỗi bức xúc.
PGS-TS TRẦN VĂN HẠO, chủ biên sách giáo khoa môn Toán chương trình THPTPB thí điểm:
Bộ GD-ĐT đã không tự tin
Khi Bộ GD-ĐT đưa 2 phương án trình Hội đồng Quốc gia giáo dục thì rõ ràng bộ không tự tin, bởi trong quá trình thí điểm bộ phải thấy phương án nào tốt và không tốt. Riêng cá nhân tôi ủng hộ phương án 2 (chia thành 3 ban từ lớp 10 gồm ban KHTN, KHXH-NV (với các môn nâng cao như ở phương án thứ nhất) và ban cơ sở (dạy và học theo chương trình chuẩn đối với tất cả môn).
Đây là phương án phù hợp với cả HS vùng sâu, vùng xa nếu như chương trình phân ban được thí điểm đại trà năm học sau. Phương án 1 (phân thành 2 ban) dành cho HS có năng khiếu trong khi đường vào ĐH chật hẹp, chỉ có 10% đậu ĐH hàng năm. Tôi đang sốt ruột chờ xem Chính phủ sẽ quyết định phương án nào vì thời điểm này cũng khá trễ rồi.
Bà DƯƠNG THỊ TRÚC BẠCH, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai TPHCM:
Đổi mới chưa đồng bộ
Theo phương án mới mà bộ đưa ra, các trường có nhiều băn khoăn. Ban A và ban C có các chủ đề tự chọn, nếu ban cơ sở cũng có các môn tự chọn, nâng cao thì nhà trường sẽ tồn tại song song nhiều loại hình. Do vậy, việc tổ chức quản lý, phân công tiết dạy càng trở nên phức tạp, trong khi vấn đề dạy học tự chọn hiện nay cũng đang làm các trường đau đầu.
Ông BÙI VĂN PHỔ, PHHS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân TPHCM:
Con tôi bị “tẩu hỏa nhập ma”
Tôi và nhiều PHHS khác không muốn tìm hiểu phương án mới của bộ, thật sự mà nói chúng tôi muốn buông xuôi tất cả. Dù phương án nào được chọn thì điều mong mỏi nhất vẫn là HS phổ thông học chương trình có kiến thức phổ thông, không quá sâu, quá tải như chương trình phân ban hiện nay.
Như trường hợp con tôi, muốn “bơi” theo kịp chương trình thì cháu phải thức khuya dậy sớm. Quá trình này lặp đi lặp lại khiến cháu bị “tẩu hỏa nhập ma”, phải vào bệnh viện 1 ngày trước khi diễn ra kỳ thi học kỳ 1 vừa qua.
ĐINH LAN – HỒNG LIÊN