Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý giá cước và thực hiện kê khai giá tại đơn vị vận tải đường bộ trên địa bàn. Đây là lần thứ 3 trong năm 2015 Bộ GTVT đốc thúc các doanh nghiệp giảm giá cước theo giá xăng dầu. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân vẫn đang kêu trời vì giá cước vận tải không giảm hoặc giảm không đáng kể.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, trong tháng 9 và tháng 10 năm 2015, liên bộ GTVT - Tài chính đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải. Kết quả kiểm tra cho thấy, tất cả các địa phương đều đã vào cuộc chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước phù hợp với mức giảm giá xăng dầu. Về cơ bản, doanh nghiệp vận tải ở 63 tỉnh, thành phố đã giảm giá cước với mức giảm từ 1%-35.6% với mỗi loại hình vận tải. Tuy nhiên, việc giảm giá cước chưa đồng đều, mức giảm chưa thực sự thỏa đáng. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, giá cước vận tải được vận hành theo giá thị trường, các doanh nghiệp tự quyết định giá cước vận tải. Các cơ quan chức năng chỉ xử lý khi các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá không đúng. Việc xác định doanh nghiệp kê khai đúng hay sai là nhiệm vụ của của các cơ quan liên ngành địa phương, trong đó vai trò quan trọng nhất là sở tài chính. Mặc dù Bộ GTVT và Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định đã rất quyết liệt chỉ đạo các sở ngành địa phương phối hợp rà soát việc kê khai giá cước của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng cũng chưa có thông tin cụ thể, công khai về các doanh nghiệp chây ỳ không giảm giá cước vận tải và việc xử lý các doanh nghiệp kê khai không đúng như đã từng cam kết.
Ngày 23-12, trả lời phóng viên Báo SGGP về việc liệu văn bản lần này có thực sự hữu hiệu đối với các doanh nghiệp vận tải hay không, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT xác định việc quản lý giá cước trong dịp cao điểm vận tải Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, Bộ GTVT đã yêu cầu các sở GTVT kiên quyết yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện ngay việc kê khai lại giá cước vận tải giảm phù hợp với giá nhiên liệu giảm, trong đó phải kê khai rõ các yếu tố chi phí cấu thành giá cước vận tải để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý rà soát và kiểm tra. Bên cạnh đó, yêu cầu các sở GTVT phối hợp với sở tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan về quản lý giá cước vận tải tại địa phương, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải theo quy định, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, mức cao nhất là rút giấy phép kinh doanh. Bộ GTVT cũng yêu cầu các sở GTVT phải báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm trước ngày 23-2-2016. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, các địa phương có vai trò quan trọng trong công tác quản lý giá trên địa bàn. Vì vậy, đề nghị các địa phương chỉ đạo mạnh và quyết liệt trong kiểm tra và xử lý vi phạm về giá vận tải trên địa bàn, có biện pháp xử lý nghiêm nếu đến thời điểm này doanh nghiệp nào còn chưa giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm.
Thông tin từ Bộ GTVT cũng cho biết, bộ này đang tiến hành rà soát, báo cáo Chính phủ để trong năm 2016 sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86 để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý giá cước. Đồng thời, liên bộ Tài chính - GTVT đang khẩn trương rà soát các quy định trong Thông tư liên bộ số 152 hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Trong đó sẽ xem xét để bổ sung các quy định về yêu cầu thời điểm phải kê khai lại giá cước khi có biến động về giá nhiên liệu, đơn giản hóa thủ tục kê khai giá cước, làm rõ các chi phí cần kê khai để thuận tiện cho doanh nghiệp thực hiện và tạo điều kiện cho quá trình thanh tra, kiểm tra… từ đó bổ sung các xử lý vi phạm cụ thể trong công tác quản lý giá cước.
BÍCH QUYÊN