Cả xã hội đang chờ xem Bộ GD-ĐT và tỉnh Bắc Giang sẽ xử lý vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ra sao đối với những người vi phạm trắng trợn kỷ luật thi, làm xấu hình ảnh những người thầy, người cô trong lòng học trò. Nhưng sự cố này không dừng lại ở việc xã hội thêm một lần đau xót vì tiêu cực trong ngành giáo dục, mà hơn bao giờ hết, đòi hỏi về đổi mới thi cử lại được đặt ra một cách bức thiết.
Thậm chí, không ít ý kiến nói sự cố ở Đồi Ngô là một “vụ nổ” và ngành giáo dục không thể trì hoãn thêm việc đổi mới thi cử như đã định sẽ làm sau năm 2015.
Cần nói lại là không phải đến bây giờ xã hội mới đặt câu hỏi phải đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm trước đây, khi vấn nạn gian lận thi cử trong kỳ thi vẫn còn, rất nhiều ý kiến đã đề nghị phải đổi mới kỳ thi này, trong đó không ít ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi vì cho rằng, kỳ thi tốn kém, mệt mỏi nhưng không hề đánh giá được chất lượng học sinh.
Nhưng quan điểm của ngành giáo dục, kể cả cho đến khi kết thúc kỳ thi năm 2012 này là không thể bỏ kỳ thi này vì đã học thì phải thi, chỉ có thể từng bước đổi mới kỳ thi này và cụ thể ra sao phải sau năm 2015 mới quyết. “Một kỳ thi nặng nề về điểm số và thành tích chỉ tạo điều kiện cho gian lận, tiêu cực sinh sôi mà thôi”, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Với một kỳ thi đang ở tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”, rõ ràng ngành giáo dục cần phải sớm xem xét, đánh giá để tìm ra cách tổ chức phù hợp nhất chứ không nhất thiết phải đợi đến sau năm 2015 như theo lộ trình. Mặt khác, ngay cả việc chuẩn bị để đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 mà bộ đang triển khai, trong đó gắn với đổi mới thi cử cũng đang được cho là triển khai quá chậm.
PGS Văn Như Cương cho hay, việc đổi mới chương trình đến nay vẫn chưa làm thì bao giờ mới làm, vì không chỉ là thay đổi chương trình, sách giáo khoa mà còn là việc có thay đổi cấu trúc của hệ thống giáo dục hay không.
“Học bao nhiêu năm, 11 năm, hay 12 năm, bộ cần có quyết định sớm. Vì hiện có nhiều ý kiến nói học phổ thông 11 năm thôi sẽ thi tốt nghiệp, đại bộ phận tốt nghiệp xong thì đi học các trường nghề vì mình rất cần, còn chỉ một bộ phận học lớp 12 để vào đại học. Nếu thay đổi cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông, toàn bộ chương trình, sách giáo khoa sẽ phải thay đổi. Nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa thống nhất được ý kiến”, PGS Văn Như Cương lo lắng.
PHAN THẢO